Saturday, January 11, 2025

CỘNG SẢN TẤN CÔNG HUẾ MẬU THÂN 1968


Trần Gia Phụng – Đả Đảo Cộng Sản - Do quyết định sửa đổi âm lịch của nhà cầm quyền Bắc Việt Nam (BVN), ngày mồng Một Tết Mậu Thân ở BVN theo âm lịch mới là ngày 30 tháng Chạp ở Nam Việt Nam (NVN). Trong ngày nầy, bài thơ của Hồ Chí Minh dùng làm lệnh tổng tấn công của cộng sản (CS) vào các thành phố ở NVN, đã được đài phát thanh Hà Nội truyền đi suốt ngày, nhưng các đơn vị bộ đội CS ở NVN, vẫn không nổi dậy cùng một lần vào tối hôm đó, mà có nơi sớm, có nơi trễ. 

1. Toàn cảnh 
Cuộc tấn công diễn ra sớm nhứt tại Nha Trang đúng 0 giờ đêm Giao thừa rạng mồng Một Tết Mậu Thân theo lịch NVN, tức đêm 29 rạng 30-1-1968. Sau đó nửa giờ xảy ra tại Quảng Nam, Bình Định... Tại Quảng Nam, CS pháo kích vào trại định cư Trà Kiệu, ở phía Nam thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số. Cộng sản rút lui trễ nhất tại Huế vào ngày 25-2-1968. 


Như vậy cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS diễn ra trong gần một tháng. Trong suốt tháng nầy, CS tấn công 44 địa điểm tại các thị trấn, tỉnh lỵ và thành phố sau đây: 
Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín (Tam Kỳ), Quảng Ngãi. (Vùng I Chiến thuật)  
Bình Định, Bình Thuận, Tuyên Đức (Đà Lạt). (Vùng II Chiến thuật)  


Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Biên Hòa, Long Bình, Bình Dương, Bà Rịa. (Vùng III Chiến thuật)  
Phong Dinh (Cần Thơ), Vĩnh Long, Kiến Hòa, Định Tường, Kiên Giang, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Gò Công, Bạc Liêu. (Vùng IV Chiến thuật)  


Trong số những nơi bị CS tấn công, hai địa điểm quan trọng nhứt mà CS nhắm tới là hai thành phố Sài Gòn và Huế.  
Sài Gòn là thủ đô của VNCH. Bộ máy chính quyền trung ương đóng tại đây. Sài Gòn còn là nơi tập trung trụ sở các tòa đại sứ, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Cộng sản quyết tấn công Sài Gòn mạnh mẽ để gây tiếng vang lớn trên thế giới.  


Vì tầm quan trọng của mặt trận Sài Gòn, CS tung vào đây bộ chỉ huy cao cấp nhứt như Nguyễn Văn Linh (bí thư mặt trận Sài Gòn), Võ Văn Kiệt (phó bí thư), Trần Văn Trà (chỉ huy phó Lực lượng võ trang Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP), Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh... (Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bại, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 173). 
Cộng sản mở cuộc tấn công Sài Gòn vào lúc 2 giờ sáng mồng 2 Tết, tức rạng ngày 31-1-1968, đánh vào Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Hoa Kỳ, đài Phát thanh Quốc gia, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, và nhiều vị trí vùng phụ cận.  


Lúc đó, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về Mỹ Tho nghỉ Tết tại quê vợ. Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã nhạy bén chỉ huy chận đứng được mũi đánh chiếm đài Phát thanh Quốc gia của CS (Chính Đạo, Mậu Thân, sđd. tr. 183), vì nếu CS chiếm được đài nầy, phát thanh trên toàn quốc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, thì tai hại về ngoại giao và nội trị không thể nào lường được.  


Tuy bị bối rối lúc đầu, nhưng quân đội VNCH phản ứng kịp thời, làm chủ tình hình ngay trong ngày mồng 3 Tết. Các đơn vị CS thất bại, phải lần lượt rút ra khỏi vòng đai thành phố Sài Gòn trong vòng một tuần lễ.  
2. Huế trước Mậu Thân 
Thành phố bị CS chiếm lâu nhứt và bị thiệt hại nặng nhứt về nhân mạng cũng như tài sản là thành phố Huế. Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên, cách sông Bến Hải, ranh giới Bắc và Nam Việt Nam, khoảng 80 cây số về phía nam. Các khuynh hướng chính trị của dân chúng Huế lúc đó có thể sơ lược như sau: 


Huế là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945). Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945), bị Việt Minh áp lực và phải thoái vị vào tháng 8-1945. Tuy vậy, ảnh hưởng của triều Nguyễn ở Huế vẫn còn khá mạnh, do con cháu của hoàng gia cũng như con cháu của những quan lại triều đình cũ còn sống ở Huế khá đông. Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, hậu thân của Tôn nhơn phủ, dưới sự lãnh đạo tinh thần của cựu hoàng thái hậu, tức Đức bà Từ Cung, thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại, vẫn tiếp tục sinh hoạt. Vào thời điểm năm 1968 (mậu thân) những người nầy hy vọng cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó cư ngụ ở Pháp, có thể đóng một vai trò quan trọng đáp ứng giải pháp hòa giải giữa các bên lâm chiến ở Việt Nam. 


Huế là trung tâm Phật giáo lâu đời với những ngôi chùa danh tiếng như Báo Quốc, Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu, Tường Vân... Chùa Báo Quốc còn là một Phật học viện lớn nhứt và lâu đời nhứt miền Trung, nơi đào tạo nhiều tu sĩ Phật giáo sau nầy đi hoằng pháp và trụ trì các chùa trên toàn VNCH. Các tăng sĩ Phật giáo xuất thân từ các chùa ở Huế như hòa thượng Thích Tịnh Khiết, thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Trí Thủ, giữ những chức vụ cao cấp trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, được thành lập theo Hiến chương ngày 4-1-1964, và được chính phủ thừa nhận bằng sắc luật số 14/5 ký ngày 14-3-1964. Một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu thường khuyến khích sinh viên học sinh biểu tình chống chính phủ, đòi hỏi hòa bình, trung lập.  


Huế cũng là nơi có Tòa Tổng giám mục, một địa phận Ky-Tô giáo La Mã được thành lập vào năm 1850. Đại chủng viện Kim Long, thường được gọi là chủng viện Xuân Bích, do các linh mục tu hội Saint Sulpice (phiên âm là Xuân Bích) giảng dạy, chuyên đào tạo các linh mục. Tổng thống Ngô Đình Diệm, gốc người Quảng Bình nhưng sinh sống từ nhỏ tại làng Phủ Cam, một vùng Ky-Tô giáo La Mã nổi tiếng ngoan đạo ở cố đô.  
Huế là địa bàn hoạt động khá mạnh của các đảng Việt Quốc và Đại Việt. Đại Việt đã từng tổ chức chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), gần Huế để chống chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm vào các năm 1954-1955. 
Huế là chốn cựu đô, nên hệ thống giáo dục ở đây lâu đời và rộng rãi. Ngoài trường Quốc Học được thành lập từ năm 1898, các trường trung học khác cũng khá lâu đời và đông học sinh, kể cả các tư thục. Hơn nữa, phải kể thêm các trường do các tu sĩ đảm trách như hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo, và các trường Ky Tô giáo La Mã như trường Thiên Hựu (Providence), trường Bình Linh (Pellerin), và trường Jeanne d’Arc (nữ trung học của dòng Thánh Phaolô thành Chartres.)  
Tại Huế, tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập viện đại học năm 1957. Viện đại học nầy là trung tâm văn hóa thu hút sinh viên khắp các tỉnh miền Trung về đây theo học. Sinh viên càng ngày càng đông, và thường tham gia cũng như tổ chức các cuộc biểu tình tại Huế chống chính phủ từ 1963 đến 1967.  

Cũng tại Huế, “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” ra đời năm 1964 trong đó có một số giáo sư và giảng viên Viện đại học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu... Báo Lập Trường của nhóm nầy ủng hộ những quan điểm hòa bình và trung lập của một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu miền Trung. Hội đồng nầy được xem là đã góp tay vào việc kích động các cuộc biểu tình dữ dội tại Huế chống Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh năm 1964. 
Những cuộc biểu tình ở Huế thường do Tổng hội sinh viên Huế tổ chức. Sinh viên luôn luôn hăng hái và bồng bột. Trong giới sinh viên, có thể có sự trà trộn các phần tử thân cộng, hay CS trá hình, mà sinh viên lúc đó không nhận chân được. Cao độ của các cuộc biểu tình nầy là cuộc đốt phá Phòng Thông tin Hoa Kỳ (U.S.I.S. = United States Information Services) tại Huế ngày 1-6-1966 trên đường Lý Thường Kiệt.  
Trong vụ “biến động miền Trung” sau đó, một số nhà lãnh đạo Phật giáo ở Huế chống đối chính phủ bằng cách kêu gọi Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường để cản trở lưu thông trong thành phố. Tuy nhiên, hành động quá khích nầy không được đồng thuận trong giới Phật tử, nên it người hưởng ứng tuy bề ngoài rầm rộ.  
Trật tự tại Huế và các tỉnh miền Trung được vãn hồi vào cuối tháng 6-1966 khi chính phủ trung ương gởi Thủy quân lục chiến và Cảnh sát dã chiến tăng viện, thẳng tay dẹp tan các cuộc rối loạn. Sau sự kiện nầy, một số trí thức, thanh niên, sinh viên lo sợ bị chính quyền VNCH bắt giam, đã “nhảy núi”, bỏ trốn lên rừng chạy theo CS. Những người nầy sẽ có mặt trong đoàn quân CS tấn công Huế vào dịp Tết Mậu Thân. 
Cũng sau vụ “biến động miền Trung”, chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh thuộc Quân đoàn I tại Vùng I Chiến thuật quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bị thuyên chuyển. Đại tá Ngô Quang Trưởng, thuộc Sư đoàn Nhảy dù, được bổ nhiệm thay thế.  
Bộ tư lệnh Sư đoàn I BB đóng ở Mang Cá, phía bắc hoàng thành Huế. Ngày 4-2-1967, đại tá Trưởng được vinh thăng chuẩn tướng. Chính trong thời gian chuẩn tướng Trưởng đang chỉ huy Sư đoàn I BB, thì CS mở cuộc tấn công vào thành phố Huế nhân dịp Tết Mậu Thân (1968). 
Do tình hình Huế phức tạp sau vụ “biến động miền Trung”, phía CS hy vọng Huế đủ chín mùi cho một cuộc tổng khởi nghĩa nếu cuộc tổng tấn công xảy ra. Từ đó, CS chuẩn bị khá kỹ lưỡng mặt trận Huế không khác gì mặt trận Sài Gòn. 
3. Cuộc tổng tấn công 
Trước Tết Mậu Thân, chỉ huy đặc khu Trị-Thiên-Huế (tức Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế) của CS là thiếu tướng Trần Văn Quang. Trần Văn Quang cử Lê Minh, bí thư tỉnh uỷ đảng Lao Động (Cộng Sản) tỉnh Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Trị-Thiên.  
Minh chia mặt trận Trị-Thiên thành 3 khu vực: mặt trận Quảng Trị giao cho Hồ Tú Nam phụ trách; mặt trận Phú Lộc (phía nam Thừa Thiên) giao cho một cán bộ tên Chi chỉ huy; còn mặt trận Huế, quan trọng nhất, do Lê Minh đích thân đảm nhận. Minh lại chia Huế thành hai điểm để tấn công: phía bắc Huế (tả ngạn sông Hương), và phía nam Huế (hữu ngạn sông Hương Huế) 
Cánh quân phía bắc Huế do một người tên Thu chỉ huy, Trần Anh Liên làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn 6 (gọi là E-6, gồm có 3 tiểu đoàn), thêm 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội pháo và du kích hai quận Hương Trà và Hương Điền. Cánh quân nầy xuất phát đúng vào tối Giao thừa (29-1-1968) từ rừng núi tây Huế, chia làm 4 mũi đánh vào cửa Chính Tây (nằm về tay trái hoàng thành từ Kỳ đài nhìn vào), cửa An Hòa (cửa Tây Bắc), Kỳ đài (cột cờ trước Ngọ môn), sân bay Tây Lộc và đồn Mang Cá. Cộng quân làm chủ ngay được cửa Chính Tây, cửa An Hòa và Kỳ đài, nhưng thất bại ở sân bay Tây Lộc và đồn Mang Cá. Đồn Mang Cá lúc đó là nơi đặt bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng đứng đầu. Đồn Mang Cá là điểm tựa vững vàng để quân đội VNCH cũng như Đồng minh tổ chức phản công trở lại. 
Qua cửa Chính Tây, CS tiến chiếm Đại nội. Cộng sản dùng bờ thành Đại nội để bảo vệ Kỳ đài, nơi đó, ngày 31-1 (mồng 2 Tết), CS treo một lá cờ lớn của MTDTGPMNVN. (Don Oberdorfer, TET, New York: A Da Capo Paperback, 1971, tr. 230.) Theo tài liệu của CS thì đây là cờ của Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam (Chính Đạo Mậu Thân, sđd. tr. 126). Trong bài tham luận trình bày tại Huế ngày 15-12-2007, tác giả Nguyễn Đắc Xuân, theo tài liệu của đảng bộ Huế, cũng cho rằng đây là cờ Liên minh. Không ai lạ gì việc những người trong nước đều phải nói theo đảng CS.  
Tuy nhiên, cần chú ý rằng ngày 31-1, tức là ngày CS treo cờ ở Kỳ đài, Liên minh nầy chưa được thành lập, làm sao có cờ ? Ở những nơi khác, Sài Gòn hay bất cứ thành phố nào ở miền Nam, không ai thấy hay biết gì về lá cờ Liên minh. Liên minh nầy chỉ là một mặt trận chính trị, giống như Mặt trận Tổ Quốc của Hà Nội, không thể được quân đội cộng sản treo cờ.  
Từ Kỳ đài, CS tiến quân theo mé bờ tả ngạn sông Hương (tức bờ phía bắc), chiếm đồn Cảnh sát chợ Đông Ba, bắt tay với một cánh quân CS khác cũng của E-6, làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Ba, Gia Hội. 

Cánh quân phía nam Huế, hay bên hữu ngạn sông Hương, tức bên có tòa tỉnh trưởng, các trường Đồng Khánh, Quốc Học, do Thân Trọng Một chỉ huy, Nguyễn Vạn làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn E-9 của sư đoàn 309, trung đoàn 5 (4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, và 4 đội đặc công. (Chính Đão, Mậu Thân…,sđd. tr. 108-110. Chính Đạo trích dẫn từ tài liệu của Thành uỷ CS Huế, Huế, Xuân 1968.) 
(Võ Hương An trình bày.) 
Cánh quân nầy dự định xuất phát tối Giao thừa (29-1), nhưng vừa xuất phát thì bị phi cơ thám thính Mỹ phát hiện và bị pháo kích, phải lẩn tránh, nên tiến chậm. Sáng mồng 1 Tết (30-1) cánh quân nầy mới tiếp tục tiến về phía thị xã Huế.  
Sau 4 ngày giao tranh, CS chiếm gần hết vùng hữu ngạn thành phố Huế cho đến lao xá Thừa Phủ (gần sát tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên). Cộng sản thả khoảng 2,000 tù nhân đang bị giam trong lao xá. Những người nầy liền được CS võ trang để tiếp tay cho CS.  
Quân đội VNCH chỉ còn giữ đài Phát thanh, tiểu khu Thừa Thiên, bản doanh MACV (Hoa Kỳ) đặt ở khách sạn Thuận Hóa, và Bến tàu Hải Quân, bên bờ nam sông Hương (hữu ngạn). Nếu đi từ phía chợ Đông Ba (tả ngạn), theo cầu Trường Tiền qua bờ phía hữu ngạn, đi thẳng là đường Duy Tân dẫn đến An Cựu. Ngay tại chân cầu, đầu đường Duy Tân, phía tay mặt là đài Phát thanh, phía tay trái, cách khoảng trên 500 thước là Bến tàu Hải quân (gần khách sạn Hương Giang).  
Đi thẳng từ cầu Trường Tiền về An Cựu, dọc theo đường Duy Tân (trước 1975) phía bên trái, cách cầu khoảng 500 thước là Tiểu khu Thừa Thiên và khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của MACV, viết tắt của chữ Military Assistance Command, Vietnam, tức Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự tại Việt Nam. 
4. Tổng khởi nghĩa thất bại 
Về phương diện chính trị, ngay sau khi chiếm vùng tả ngạn (phía bắc Huế, vùng Thành nội, chợ Đông Ba...), ngày mồng 2 Tết (31-1), CS liền tổ chức cầm quyền. Uỷ Ban Nhân Dân (danh xưng của CS) trong Thành nội gồm hai quận, do Nguyễn Hữu Vấn (giáo sư âm nhạc), làm chủ tịch quận 1, và Nguyễn Thiết (sinh viên Đại học Luật khoa), làm chủ tịch quận 2. Phía hữu ngạn, CS không lập kịp các uỷ ban nhân dân, chỉ chú tâm vào việc lùng bắt và kiểm soát tù hàng binh. 
Ngày mồng 3 Tết (1-2-1968), đài phát thanh Hà Nội loan báo thành lập tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do Lê Văn Hảo, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, làm chủ tịch, và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. (Chính Đạo, Mậu Thân...sđd. tr. 131. Thụy Khê, “Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế”, phỏng vấn trên đài RFI, 12-7-1997, đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu, California, số 36, tháng 8-9-1997, tt. 197-200.)  
Cần phân biệt ở đây, Lê Văn Hảo làm chủ tịch Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ…tại Huế. Còn trên toàn miền Nam, Liên Minh nầy do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch. Đài phát thanh Hà Nội cũng thông báo ngày 14-2-1968, Lê Văn Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế. Phó chủ tịch là bà Đào Thị Xuân Yến (còn gọi là bà Tuần Chi), và Hoàng Phương Thảo (Thường vụ Thành uỷ CS). (Chính Đạo, Mậu Thân,sđd. tr. 131.) 
Nguyễn Đắc Xuân, khi còn là sinh viên sống tại Huế, đã từng tổ chức đoàn “Phật Tử Quyết Tử” vào năm 1966 để chống chế độ “Thiệu Kỳ”, rồi bỏ trốn theo CS, nay trở lại Huế, phụ trách đội “Công tác Thanh niên”. Xuân được CS giao nhiệm vụ tổ chức “đoàn Nghĩa binh”, gồm những quân nhân Cộng Hòa bị kẹt trong vùng CS tạm chiếm, gọi là “Quân nhân Sư đoàn 1 ly khai”. 
Ngày 4-2-1968 (mồng 6 Tết), đoàn nầy ra thông cáo đả kích chế độ “Thiệu Kỳ”, nhưng sau đó đoàn bị CS phân tán ngay, vì sợ các quân nhân trong đoàn nầy quay lại chống CS. Nguyễn Đắc Xuân còn tổ chức đội “Nghĩa binh Cảnh Sát”, giữ nhiệm vụ ngăn chận không cho dân di tản khi quân đội VNCH và Đồng minh phản công. 
Những đơn vị an ninh của CS hoạt động mạnh sau khi cộng quân tạm chiếm Huế. Những đơn vị nầy do một người tên Lê (Tư) điều khiển chung, còn Tống Hoàng Nguyên phụ trách tả ngạn, và Nguyễn Đình Bảy (Bảy Khiêm) lo phía hữu ngạn. Những đơn vị nầy truy lùng và bắt giết tất cả những nhân viên chính quyền VNCH và nhân viên làm việc tại các cơ quan Hoa Kỳ, hoặc những người cộng tác với Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA: Central Intelligence Agency). Chính những đơn vị an ninh nầy là tác giả của những cái chết thê thảm tại Huế, nhứt là lúc CS chuẩn bị rút lui. 
Trái với dự đoán của CS, tuy dân chúng bị ép buộc phải dự những cuộc hội họp, mít tinh do CS tổ chức, nhưng dân chúng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa do CS đề ra. Rõ nét nhứt là dân chúng không đi theo du kích CS, mà bỏ chạy qua các vùng do quân đội VNCH kiểm soát ở khu vực Mang Cá, hay trường Kiểu Mẫu gần trường Đại Học Sư Phạm, hoặc khu vực phi trường Phú Bài, cách Huế khoảng trên 10 cây số về phía nam.  
Đặc biệt, chỉ trừ những quân nhân về thăm nhà bất ngờ bị du kích CS bắt được, hầu hết các quân nhân nghỉ Tết ở Huế đều kiếm cách liên lạc hay gia nhập các đơn vị tác chiến gần nhứt để cầm súng chống CS, chứ không gia nhập hay chạy theo du kích CS. Các đơn vị hành chánh nhỏ cũng kiếm cách phòng thủ để chận đứng sự thâm nhập của du kích CS. 
Như thế, cuộc tổng khởi nghĩa theo dự tính của CS hoàn toàn thất bại và không xảy ra.

(Toronto, 12-2-2018)

Trần Gia Phụng – Đả Đảo Cộng Sản

No comments:

Post a Comment