Saturday, April 22, 2023

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẾT MỘT TỔNG THỐNG PHẦN II– CHƯƠNG 9

 tap2-9

DIỄN TIẾN CỦA MỘT CUỘC BINH BIẾN

BA PHIÊN HỌP LỊCH SỬ

Kể từ phiên họp lịch sử tại Câu Lạc Bộ – Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày 20-8, các tướng lãnh đã chính thức nhảy vào cuộc. Cũng từ đó, ông Nhu chấp nhận đề nghị của Tướng Đôn để cho các tướng lãnh hội họp hàng tuần để thảo luận và trao đổi ý kiến về các vấn đề quân sự. Đó cũng là cơ hội vàng son giúp cho các tướng có cơ hội ngồi gần nhau mà trước đó họ hoàn toàn phân hóa. Mỗi ông Tướng là một ốc đảo biệt lập, không những không thuận nhau mà còn kình chống nhau vì quyền lợi và địa vị. Bây giờ thì ít nhất mỗi tuần các tướng đều có lý do hội họp mà không ai nghi ngờ gì cả. Đại Sứ Cabot Lodge vẫn bí mật liên lạc với một số tướng lãnh không qua ngả CIA mà do một số Tướng Tá cố vấn Mỹ. Đại Sứ Cabot Lodge trong cuộc gặp gỡ riêng với ông Nhu vào đầu tháng 9 tại Đà Lạt đã đưa ra 2 đề nghị:

1- Yêu cầu chính quyền VNCH tổng cải tổ và tiến dần lên một cơ chế dân chủ rộng rãi như nền dân chủ tự do của Mỹ.

2- Điều cấp thiết là chính quyền Ngô Đình Diệm phải cải tổ chính phủ có nghĩa là phải mở rộng chính phủ để các nhân sĩ quốc gia đối lập tham chánh.

Trước 2 đề nghị đó, Ông Nhu trả lời ông Lodge:

Về đề nghị 1: VNCH đang có chiến tranh cách mạng của Cộng Sản và Việt Nam hiểu rõ chiến lược chiến tranh cách mạng của CS hơn bất cứ một quốc gia Tây Phương nào. Để đối phó với cuộc chiến tranh đó, VNCH không thể thực thi một nền dân chủ theo kiểu Mỹ. Nhưng theo ông Nhu, VNCH đang thực thi dân chủ từ hạ tầng thôn ấp qua tổ chức Ấp Chiến Lược – Truyền thống xã hội Việt Nam và thực tại miền Nam không thích hợp với dân chủ ở Mỹ và dân chủ ở xứ này phải hạ tầng đi lên chứ không thể chỉ có những cơ chế dân chủ kiểu Mỹ ở thượng tầng.

Về đề nghị 2: ông Nhu phúc đáp rằng: TT Diệm đang cứu xét – Tòa án quân sự tha bổng 29 nhân sĩ thuộc nhóm Caravelle ngày 13-7- 63 là một thiện chí chứng tỏ chính phủ muốn dung hợp đối lập hợp pháp.

Đại Sứ Cabot Lodge lại khuyến cáo: Vì chiến tranh mỗi lúc một gia tăng, an ninh mỗi ngày một thêm xáo trộn và để đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh, ông yêu cầu chính phủ Ngô Đình Diệm giành 3 bộ là Nội Vụ, Quốc Phòng, Công Dân Vụ cho 3 tướng lãnh.

Những điều Cabot Lodge khuyên cáo chỉ một ngày sau đã lọt vào tai một số tướng lãnh. Chính viên Phó Giám Đốc CIA Smith đã kín đáo tung tin này để thăm dò phản ứng các giới – chính quyền cũng như đối lập. Trung tuần tháng 9, giới thân cận Dinh Gia Long xì xầm to nhỏ về nguồn tin Tướng Trần Văn Đôn sẽ nắm Bộ Quốc Phòng – Tướng Tôn Thất Đính nắm Bộ Nội Vụ và Tướng Trần Tử Oai nắm Bộ Công Dân Vụ – Bộ này sẽ cải danh – Riêng Tướng Nguyễn Ngọc Lễ sẽ được thăng Đại Tướng nắm quyền Tổng Tham Mưu. Đây chỉ là dư luận và do chính Tòa Đại Sứ thả trái ballon để thăm dò nhưng Tướng Lễ và Quân Ủy đảng Cần Lao do Tướng Đính làm chủ tịch – lại tin là thực. Không hiểu Tướng Lễ có khoe với ai không thì không rõ nhưng ông Lễ bị Tổng Thống gọi vào Dinh rầy la: “Anh nói cái gì nghe lạ rứa. Ai biểu cho anh làm TTM trưởng” Tướng Lễ bị cụt hứng.

Đại Sứ Cabot Lodge đánh mạnh vào tham vọng chính trị của một số tướng lãnh và gián tiếp cho các tướng biết rằng: Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ một cuộc cải tổ như vậy. Do đó, sau nhiều lần hội họp một số tướng lãnh bị mê hoặc vì ba cái ghế Quốc Phòng – Nội Vụ – Công Dân Vụ.

Tương kế tựu kế, ông Nhu gián tiếp cho các Tướng Đôn Đính biết rằng, TT Diệm muốn trao trọng trách cho “các toa” (tướng lãnh) nắm giữ ba bộ quan trọng trong chính phủ. Một lần ông Nhu nói với Tướng Đính: “Mấy Bộ Trưởng Dân sự chỉ ăn hại mập xác chẳng làm được cái trò trống gì. Lúc này các toa phải giúp moa dẹp bớt mấy thằng ăn hại”. Lộng giả thành chân, mấy tướng lãnh lại tin là sự thực mà sự thực ông Nhu cũng trình bày với TT Diệm “Đính hay Lương giữ Bộ Nội Vụ thì cũng thế ăn thua là ở mình” – Nhưng TT Diệm lại cương quyết không đồng ý vì ông cho rằng “Bộ Trưởng chi… Bộ Trưởng thì phải có văn tự dân nó mới nghe, nó mới phục

Sau một phiên họp quan trọng đầu tháng 8, Hội Đồng Tướng Lãnh đã gửi lên TT Diệm một kiến nghị mệnh danh “Phiếu đệ trình Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa – Tối Mật” ngày 3-9-1963 với một số đề nghị cải cách chính trị của chế độ qua 3 đề nghị:

1- Đòi hỏi một sự hy sinh nhỏ của gia đình Tổng Thống – Xin Tổng Thống gởi ông bà Cố vấn Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc hoặc vì lý do công vụ (nghiên cứu tình hình Việt Nam). Sau đó vấn đề trở về sẽ do tình hình chính trị định đoạt.

2- Xin thả ngay Sư, Sãi, Tăng, Ni, Sinh viên, Học sinh do các lực lượng Cảnh Sát Chiến Đấu và Lực Lượng Đặc Biệt bắt giữ vì xét thấy tình hình trở lại yên tĩnh sau khi đã loại trừ các phần tử Cộng sản.

3- Cho tự do tín ngưỡng: Tuyên bố và thực thi các điểm yêu cầu của Phật Giáo bằng hành động. Cấm chỉ mọi bắt bớ giam cầm. Thực thi khoan hồng toàn diện vô điều kiện với đoàn thể chánh trị, tôn giáo sinh viên, học sinh tranh đấu Phật giáo.

Điều lạ là phiếu đệ trình tối mật này lại đặt ngay trên bàn ông Nhu. Ông Nhu tỏ vẻ hài lòng chiến thuật giai đoạn đầu đã có kết quả tốt đẹp. – Một cách gián tiếp ông Nhu đã thúc đẩy một số tướng lãnh theo ông hoàn thành văn bản “phiếu đệ trình tối mật” này với mục đích: 1- làm một cú trắc nghiệm thăm dò thái độ của một số tướng lãnh mà ông nghi ngờ có thể đứng lên đảo chánh. 2 – Làm một “cú” xả hơi để giải tỏa những bất mãn dồn nén trong một số tướng lãnh. 3- Làm một “” thăm dò phản ứng của Đại Sứ Cabot Lodge.

Kể từ ngày “phiếu đệ trình tối mật” gửi lên TT Diệm, các Tướng Đôn, Đính, Oai, Khánh thường xuyên tiếp xúc với ông Nhu và chính các tướng này trở thành hậu thuẫn cho ông Nhu và ông Nhu xử dụng phiếu đệ trình tối mật như một áp lực tinh thần để thỉnh cầu ông anh Tổng Thống chấp thuận một số cải tổ quan trọng mà ông đã đề nghị trên căn bản của chánh sách Ấp Chiến Lược.

Đại Sứ Cabot Lodge bằng cách này hay cách khác thúc đẩy các tướng lãnh Việt nam đòi hỏi TT Diệm phải thực hiện ngay phiếu đệ trình tối mật và có nghĩa chính phủ phải trao cho Tướng Đôn Bộ Quốc Phòng và Tướng Đính Bộ Nội Vụ – Tướng Đính cũng như Đôn trong các lần tiếp xúc với ông Nhu vào cuối tháng 9 đều nhắc khéo ông Nhu về mấy điểm yêu cầu kể trên – TT Diệm do dự không quyết định. Cũng từ đầu tháng 9, ông Nhu bắt đầu nghi ngờ Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần vì cho rằng ông Thuần thân Mỹ và trở thành con bài của Mac Namara để thực hiện chánh sách mới của Mỹ tại Việt Nam.

Ngày 10-9, bà Nhu cùng phái đoàn Quốc Hội lên đường xuất ngoại để gọi là “giải độc” về vụ Phật giáo. Cũng thời gian này, BS Trần Kim Tuyến, nguyên Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị được cử qua Ai Cập nhận chức vụ Đại Sứ VNCH tại đây. Nhưng khi đến Le Caire thì gặp trắc trở vì Ai Cập đã công nhận Đại Diện Bắc Việt và VNCH từ chối không thiết lập bang giao trên cấp bặc Tổng Lãnh Sự.

Do đó BS Tuyến trở về Hongkong. Gia đình ông ở Saigon bị nhóm Trần Văn Khiêm (em ruột bà Nhu) gây khó dễ và hăm dọa ném lựu đạn ám hại vợ con ông. Cuối tháng 10 cơ quan Tình Báo Trung Ương nhận được một tài liệu tối mật của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam – tài liệu này thu lượm được ở Cà Mau. Trong đó, đầu não của Mặt Trận Giải Phóng Miềm Nam đã phân tích và điều nghiên nội tình chế độ Ngô Đình Diệm nhất là sự ra đi của BS Tuyến người nắm tất cả các đầu giây thuộc hệ thống Sở Nghiên Cứu chính trị. BS Tuyến rời khỏi cơ sở này từ tháng 2 năm 1963 nhưng ở ngoài không một ai hay biết kể cả tướng lãnh, bộ trưởng ngoại trừ môt số người thân tín. Qua tài liệu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kể trên, Cộng Sản đã điều tra, nghiên cứu tình hình và sửa soạn phải làm gì và ta làm như thế nào khi Saigon có đảo chánh.

Chiều ngày 5-10- 1963 ông Nhu vào tận Bộ Tổng Tham Mưu để tham dự Hội Đồng Tướng Lãnh. Dịp này ông Nhu đề cập đến vai trò quan trọng của Ấp Chiến lược và quân đội là một khả năng hữu hiệu nhất để hoàn thành vai trò của Ấp Chiến lược. Ông Nhu cũng “tâm sự” với Tướng lãnh là hiện thời TT Diệm đang bị một số Bộ Trưởng thối nát bao vây làm cản trở công trình phát triển Ấp Chiến lược. Ông Nhu nói giọng nửa đùa nửa thực: “Như rứa thì làm được chi. Các Toa phải đảo chánh chơi một đêm cho mấy tay ăn hại mập xác đó cho nó sợ”

Tuy nhiên, theo Tướng Huỳnh Văn Cao thì ông Nhu đã gằn giọng nói: “nếu Tướng nào muốn đảo chánh chế độ này thì quân đội phải bắt treo cổ ông ấy lên” – Dịp này, ông Nhu đã công khai tiết lộ cho Hội Đồng Tướng Lãnh biết là một số đại diện cao cấp của chính quyền Bắc Việt vào Saigon và yêu cầu gặp riêng ông Nhu để nói chuyện.

TỪ BRAVO I ĐẾN BRAVO II

Sau khi tham dự Hội Đồng Tướng Lãnh, Tướng Nguyễn Khánh vào gặp riêng ông Nhu cùng một nhân vật thân tín nắm ngành Tình Báo. Tướng Khánh cho biết: đang có một số tướng tá âm mưu đảo chánh. Tướng Khánh lưu ý Đại Tá Tung phải hết sức coi chừng tướng Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn và Trần Tử Oai. Ông Nhu chỉ thị cho Tướng Khánh, nếu bất cứ tướng nào móc nối thì cứ nhảy vô. Đó cũng là điều mà ông Nhu căn dặn Tướng Đính.

Trung tuần tháng 10 tại Đà Lạt, ông Nhu cùng Tướng Khánh và một số cộng sự viên thân tín cùng hoạch định một kế hoạch chống đảo chánh – Theo kế hoạch này, nếu Saigon có đảo chánh, Tướng Đính bị cô lập thì Quân Đoàn II với Sư Đoàn 23 do Đại Tá Lê Quang Trọng làm Tư Lệnh và Sư Đoàn 22 do Đại Tá Nguyễn Bảo Trị sẽ là thành phần chủ lực, cắt đứt liên lạc giữa Cao Nguyên và Sài Gòn. TT Diệm sẽ ẩn ở một nơi nào kín đáo ở Saigon. Ông Nhu sẽ theo lộ trình hoạch định sẵn tìm lên Cao Nguyên. Sau đó, Quân Đoàn II sẽ phản công, phối hợp với Quân Đoàn IV trở về giải phóng Thủ Đô.

Riêng tại Sài Gòn, ông Nhu trao cho Tướng Đính được toàn quyền hành động. Tướng Đính đệ trình kế hoạch hành động chống đảo chánh được thực hiện theo ý ông Nhu. Đây là kế hoạch phá tan âm mưu đảo chánh và thực hiện một cuộc đảo chánh giả mệnh Bravo I – Lực lượng gồm có 3000 quân, 40 Thiết Giáp, 6 Đại Đội Lực Lượng Đặc Biệt – Tướng Đính chính thức điều động lực lượng này kể từ sáng 31-10-1963, dưới quyền là Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi và Đại Tá Lê Quang Tung. Về Thiết Giáp có Trung Tá Nguyễn Văn Thiện.

Ngày 23-10 tại phòng khách Dinh Gia Long, có Đại Úy Minh, Đại Úy Hoàn, Đai Úy Bằng, Tướng Đính với vẻ lo âu nói với số anh em này: “Nếu có đảo chánh thì Ba Đính này phải nhảy vô không thì Mai Hữu Xuân nó giết hết anh em bọn mình”.

Nhưng thay vì thực hiện cuộc hành quân chống đảo chánh, tướng Đính đảo chánh luôn và cuộc hành quân này lại mệnh danh Bravo II thay cho Bravo I

NGÀY N VÀ GIỜ G

Ngày 1-11-1963 nhằm phiên trực của Trung Sĩ Thái. Không khí Bộ Tổng Tham Mưu ngay từ sáng sớm đã có vẻ bất thường. Một số sĩ quan nói nhỏ với anh “sắp có chuyện nghe”. Lực lượng bố phòng tại Bộ Tổng Tham Mưu không quá một Đại Đội và hầu hết là lính văn phòng. Khoảng 10 giờ ông Thái để ý thấy một số binh sĩ thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung về tăng cường. Rồi xe jep nườm nượp đi về phía tiền đình. Một điều lạ đối với Trung Sĩ Thái là Đại Úy Nguyễn Văn Chuân ra khẩu lệnh : Các sĩ quan chỉ được vào mà không được ra kể cả tướng lãnh. Gặp người tài xế của Đại Tá Lê Quang Tung, Thái hỏi nhỏ: “mấy trự hôm nay họp hành cái gì mà quan trọng vậy” Người tài xế nháy nháy cặp mắt ra vẻ bí mật rồi rồi nói nhỏ với Thái : coi bộ không êm mấy ông tướng muốn làm tới ta, khoảng 11 giờ, vị sĩ quan trực thuộc phòng 4 đi tới cùng với Đại Tá Chuân ra tận ngoài cửa rồi gọi Thái dặn dò. Bất cứ một xe nào vượt qua phải ra lệnh tốp lại nếu cưỡng ra lệnh bắn bỏ kể cả xe Tướng. Cùng giờ đó, một đoàn 4 chiếc Thiết Giáp đi qua cửa chính Bộ Tổng Tham Mưu lên thẳng Tân Sơn Nhất rồi quay trở lại án ngữ phía cây xăng bên kia đường Võ Tánh, Bộ Tổng Tham Mưu. Khoảng nửa giờ, bốn chiếc xe Thiết Giáp lại chuyển bánh trực chỉ Phú Nhuận

Khoảng 12 giờ, viên tài xế của Đại Tá Tung tìm đến Thái, nói nhỏ: “Cậu giúp tớ việc này nếu xong sẽ có công lớn”. Nhìn quanh không thấy ai, viên tài xế nói: “Đây số điện thoại đây cậu gọi dùm tớ Trung Tá Huỳnh hay Thiếu Tá Triệu cũng được hoặc sĩ quan trực của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt cũng được. Cậu cấp báo cho họ biết Đại Tá Tung mắc kẹt ở đây rồi” – Trung Sĩ Thái thắc mắc: “Kẹt là kẹt thế nào?” Viên tài xế nói: “Kẹt là kẹt chứ còn kẹt gì nữa… mấy cha đang tính chuyện gì đó”. Trung sĩ Thái tìm cách liên lạc với Thiếu Tá Lê Quang Triệu – em ruột Đại Tá Tung và là Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt.

Cũng vào thời khắc đó, Hội Đồng Tướng Lãnh nhóm họp. Đại Tá Nguyễn Văn Chuân được chỉ định phụ trách an ninh tổng quát trong vòng thành Bộ TTM. Mở đầu buổi họp, Trung Tướng Dương Văn Minh với vẻ mặt giao động nhưng cương quyết lên tiếng tuyên bố lý do buổi họp nghĩa là giờ hành động đã đến… Kế hoạch đảo chánh nhằm vào ngày N (1-11) và giờ G (13 giờ) đã thực sự mở màn. Trung Tướng Minh dứt lời – phòng họp yên lặng như tờ – thứ yên lặng nghẹt thở. Từng khuôn mặt tướng tá đổi mầu. Những nụ cười tắt hẳn trên môi – Mọi người đều ngỡ ngàng. Một số tướng tá trong cuộc ghé tai nhau xầm xì to nhỏ.

Tướng Minh cũng lên tiếng kêu gọi tình chiến hữu nơi các tướng tá và mọi người vì quyền lợi chung đối với Đất Nước này hãy gạt bỏ tình cảm riêng tư để cùng nhau đoàn kết lật đổ chế độ hữu hiệu. Ông cũng nhấn mạnh nếu chiến hữu nào chống lại, Hội Đồng Tướng Lãnh phải tạm thời cô lập ngay.

Đại Tá Lê Quang Tung đứng lên phản đối mưu đồ của Hội Đồng Tướng Lãnh và ông cương quyết chống lại mưu đồ đó. Tướng Dương Văn Minh gõ tay vào bàn rồi một cái lừ mắt của Tướng Kim, Đại Tá Tung liền bị Đại Úy Nhung và hai nhân viên an ninh mời ra khỏi phòng họp. Ông Tung bị Nhung dẫn ra khỏi tòa nhà lớn Bộ Tổng Tham Mưu. Đến lượt Đại Tá Huỳnh Hữu Hiển, Tư Lệnh Không Quân phát biểu ý kiến. Ông cho biết ông luôn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm vì theo ông, Tổng Thống Ngô Đình Diệm do dân cử và chính phủ Diệm hợp pháp hợp hiến, ông chống lại việc lật đổ chính phủ. Tức thì, Đại Tá Hiển bị nhân viên an ninh mời ra khỏi phòng họp và tạm giam trong phòng “cô lập các sĩ quan chống đối“. Sau đó, Đại Tá Hiển cùng ông Trần Văn Tư Giám Đốc Nha cảnh Sát Đô Thành bị Thiếu Tá Thiệt (QC) giải vào khám Chí Hòa. Riêng cuộc thuyết phục Đại Tá Cao Văn Viên là gay hơn cả kéo dài cả nửa giờ song Đại Tá Viên không lay chuyển – Viên Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù – đã trả lời Tướng Minh đại cương, là một sĩ quan, ông không muốn dính líu đến chính trị hơn nữa ông chưa nhận được lệnh của thượng cấp nên đứng ngoài vụ này. Ông cũng lưu ý ông không chống lại Hội Đồng Tướng Lãnh nhưng theo đảo chánh thì ông không theo. Tức khắc, Tướng Minh ra lệnh cho Đại Úy Nhung giải Đại Tá Viên ra khỏi phòng họp và cô lập ngay.

Buổi họp bế mạc – 1g30, tiếng súng nổ sau phía Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia – từ giờ phút đó. Trung Tướng Trần Văn Đôn trở thành nhân vật chủ động số một. Đường giây điện thoại giữa Tướng Đôn và Đính hoạt động không ngừng. Từng phút từng giây… tại Bộ tư lệnh Quân Đoàn III, Tướng Đính thực hiện toàn bộ kế hoạch hành quân đảo chánh mang tên Bravo II

Thời khắc này, Bộ TTM qui tụ đầy đủ các tướng lãnh và một số sĩ quan cao cấp nhưng lực lượng bảo vệ vẫn không hơn một Đại Đội với sự tăng cường một đơn vị tân binh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Thiếu Úy Chỉnh thuộc Bộ Tư Lệnh Đặc Biệt được tin Đại Tá Tung bị bắt giam nên tức tốc kéo một Đại Đội đến cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu rồi dàn quân bố trí.

Với một lực lượng thiện chiến như vậy nếu tràn vào Bộ TTM và tốc chiến tốc thắng thì lực lượng phòng vệ ở đây không thể đương đầu nổi. Đại Tá Chuân được cấp báo đến nơi để dàn xếp. Thiếu Úy Chỉnh cho biết, ông đến đây để kiếm Đại Tá Tung đang bị giam giữ. Đại Tá Chuân dùng lời ngon ngọt dụ dỗ… Rồi bất thần viên Thiếu Úy này bị đoạt súng… Đại Đội Lực Lượng bộ binh bố trí phía ngoài định khai hỏa làm dữ nhưng nhờ lời nói ngọt ngào của Đại Tá Chuân, Viên Thiếu Úy rút lui êm đẹp. Sau đó, Đại Đội lên xe trở về căn cứ 77.

Một lát sau, Thiếu Tá Lê Quang Triệu – em ruột Đại Tá Tung – Tham Mưu Trưởng LLĐB, được tin cấp báo đã cùng một trung đội võ trang đến Bộ TTM xem sự thể ra sao hầu có thể giải cứu được Đại tá Tung. Nhưng khi đoàn tùy tùng của Thiếu Tá Triệu lọt vào vào cửa chính Bộ TTM thì bị giải giới toàn bộ. Thiếu Tá Triệu quay xe định vọt, tìm đường tẩu thoát. Xe ông bị bắn nổ lốp sau. Nhờ một sĩ quan thân thiết, Thiếu Tá Triệu trốn thoát.

13 giờ hơn, từng loạt súng nổ chát chúa ở phía Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt (trong vòng thành bộ Tổng Tham Mưu). Đó là loạt súng đầu tiên của đơn vị truyền tin do Đại Úy Đỗ Luận chỉ huy tiến chiếm Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Nhưng không đổ máu nhờ cuộc dàn xếp qua điện đàm giữa Đại Tá Chuân và Trung Tá Huỳnh (Tư Lệnh Phó Lực Lượng Đặc Biệt). Kể từ phút đó, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt bị giải giới – Cả khu vực Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu lọt vào tay phe đảo chánh.

Cuộc đảo chánh hụt ngày 11-11-1960, lực lượng đảo chánh (ngoại trừ Đại Tá Thi) hầu hết do sĩ quan cấp Tá và Úy trực tiếp điều động chỉ huy. Các sĩ quan này đều thuộc thành phần trẻ, trên dưới 30 tuổi và được coi là có tư cách, can đảm và đầy nhiệt huyết. Trong phút đầu “ra quân” dù chỉ có mấy tiểu đoàn Nhảy Dù, lực lượng đảo chánh cũng làm chủ tình hình và làm tê liệt lực lượng phòng bố của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Lực lượng đảo chánh không xử dụng hỏa lực của Pháo Binh cũng không có lực lượng Thiết Giáp nào tham dự.

Cuộc đảo chánh ngày 11-11-1963 lại hoàn toàn khác, phe đảo chánh sửa soạn từ lâu có đầy đủ phương tiện lại được lãnh đạo bởi Hội Đồng Tướng Lãnh.

Lực lượng của phe cách mạng gồm Bộ Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Không Quân. Tất cả đều thuộc cấp đại đơn vị và các mục tiêu chính mà đơn vị này phải thanh toán là thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long.

Lực lượng Phòng Vệ thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long tuy nói là một Lữ Đoàn song quân số không quá 800 người, gồm 6 Đại Đội Bộ Binh, 4 Chi Đội Thiết Giáp. Sáu Đại Đội Bộ Binh kể cả đội Quân Nhạc cùng các binh sĩ tạp dịch, lính văn phòng thì đã có 3 Đại Đội phận sự giữ Dinh Gia long. Thành Cộng Hòa chỉ còn 3 Đại Đội, trong đó có Đại Đội chỉ huy. Sĩ quan chỉ huy gồm 3 thiếu tá trên dưới 30 tuổi và một số sĩ quan cấp úy khác. Tất cả đều đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ Tư Lệnh kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hưởng, Tham Mưu phó và Thiếu Tá Huỳnh Hữu Lạc chỉ huy đoàn cận vệ đều ở trên Dinh Gia Long.

Trung Úy Bảo trưởng phòng V, LĐLBPV/PTT và nhiều chứng nhân khác trong hàng hạ sĩ quan và binh sĩ có mặt từ đầu cho đến kết thúc đều cho rằng chuyện diễn ra bình thường không có gì gọi là ác liệt. Nếu nói là ác liệt thì chỉ có pháo binh “tấn công” ác liệt nhất (pháo binh thuộc Sư Đoàn 5 BB)

Ngày 1-11 là ngày nghỉ, Trung Úy Bảo đang ở nhà bỗng trong Lữ Đoàn cho gọi vào gấp. Lúc ấy vào khoảng 9 giờ sáng. Nhân chứng được Trung Tá Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn giao phó cho công tác soạn bài học tập và thuyết trình vào lúc 2 giờ cùng ngày. Trong Lữ Đoàn đều có chương trình học tập vào mỗi buổi thứ ba và thứ sáu. Nhân chứng được Trung Tá khôi cho biết: “Chiều nay nếu 2 giờ tôi đi họp chưa về thì anh cứ cho tập họp ở Hội Trường rồi mời Thiếu Tá Duệ xuống làm chủ tọa”.

Lúc ấy Trung Tá Bảo ngồi ở ngoài nhìn vào phòng trông thấy Trung Tá Khôi và Thiếu tá Duệ đang to nhỏ bàn bạc với một vẻ khác lạ. Nhân chứng tự nghĩ: “Chắc có chuyện gì quan trọng đây.” Tình hình Saigon lúc ấy thật ngột ngạt. Nay có tin đảo chánh mai có tin lật đổ Tổng Thống Diệm. Nhất là đài VOA luôn luôn có những bài bình luận và tin tức hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm và càng làm tăng không khí giao động bất trắc vốn âm ỉ trong lòng thủ đô Saigon.

Sau khi soạn xong các tài liệu học tập, Trung Uý Bảo xách radio ra hành lanh nhìn trời vu vơ không hiểu mai đây tình hình biến chuyển như thế nào. Đã có bao nhiêu dấu hiệu báo trước cơn giông bão sắp bùng dậy. Nhưng bao giờ, như thế nào, sẽ tàn phá ra sao và làm sụp đổ những gì?

Một số sĩ quan trẻ trong Lữ Đoàn thuộc thành phần thân cận của TT Diệm và ông Nhu cũng cảm thấy sự ngột ngạt bất trắc nào đó. Vị Tư Lệnh và Tư Lệnh phó của họ mấy tháng gần đây lo lắng trông thấy và nhiều đêm mất ngủ cho nên họ cũng phập phồng hoang mang.

Ngày 27-10, Đại Úy Hoàn tháp tùng TT Diệm lên Đà Lạt cùng đi có vợ chồng ông Đại Sứ Cabot Lodge và Đại Tá Lu Conein.

Nhân chứng đi theo sau ông Lodge, ông ta đội chiếc nón lá Việt Nam, Tổng Thống Diệm vận complet mầu nâu nhạt, cầm can, đi trước ông Lodge đến thăm một Ấp Chiến Lược kiên cố.

Dịp này TT Diệm đã tặng Đại Tá Lu Conein chiếc gậy do một nông dân trong ấy tặng Tổng Thống. Tối hôm đó Tổng Thống thết cơm vợ chồng ông Lodge tại Dinh ở Đà Lạt . Trong cùng thời khắc, Đại Úy Hoàn nghe đài VOA vẫn một luận điệu công kích kịch liệt chế độ Ngô Đình Diệm.

Nhân chứng hồi tưởng lại cách đó không bao lâu, trong chuyến kinh lý tại Cam Ranh, trước mặt tướng Khánh và một số viên chức cao cấp, Tổng Thống Diệm chỉ vùng núi non và bãi biển Cam Ranh rồi nói với mọi người (trong đó có Thiếu Tướng Khánh, Trung Tá Nguyễn Viết Khánh, Tỉnh Trưởng Phan Rang): “Mỹ nó thích căn cứ này lắm, nhưng tôi không chịu“. Lời nói ấy cứ mỗi ngày vang động trong ký ức nhân chứng và tạo nên bao nhiêu nghi vấn.

Dạo này, nhân chứng quan sát thấy TT Diệm có vẻ hốc hác, đăm chiêu và càng khắc khổ. Thường lệ, ông Diệm đi ngủ lúc 1 giờ đêm và 5 giờ sáng đã dậy. Nhưng từ đầu năm 1963 có nhiều đêm nhân chứng thấy TT Diệm trằn trọc thức gần trắng đêm. Ông hút thuốc liên miên.

Nhân chứng nhớ lại, vào cuối tháng 7-1963 nhân chứng đã được tai nghe mắt thấy Tổng Thống Diệm lẩm bẩm nói chuyện một mình. Ông Diệm nhiều lần độc thoại như vậy nhưng lần này thì khác, khiến nhân chứng càng thêm xao xuyến.

GIẤC MƠ TRỞ VỀ

Lần ấy, vào khoảng 2 giờ đêm, nhân chứng đang thiu thiu ngủ (vì Đại Úy Hoàn phải trực đêm) bỗng viên cận vệ chạy vào phòng gọi: “Thưa Đại Úy Tổng Thống đi…” Vì ở trong Dinh đã lâu năm nên nhân chứng không lấy gì làm ngạc nhiên. Lâu lâu, TT Diệm lại làm một chuyến du ngoạn trong đêm như vậy.

Vẫn theo thường lệ Đại Úy Hoàn đi dép mặc quần jean, áo bỏ ngoài quần. Nhân chứng dắt khẩu rouleau vào lưng…. rồi theo sau Tổng Thống Diệm cùng với viên cận vệ (có phận sự ngồi gác ở phòng riêng của Tổng Thống)… Lâu nay Tổng Thống Diệm không đi đâu xa. Ông ra đứng trước bao lơn Dinh Gia Long, nhân chứng và viên cận vệ đứng sau lưng Tổng Thống chừng vài ba bước. Đó là thông lệ của sĩ quan tùy viên và cận vệ của một Tổng Thống trong thời buổi lộn xộn. Như mọi lần, Tổng Thống Diệm xuống vườn xem cây cối và hoa hoặc đi thơ thẩn ngắm cảnh thiên nhiên. Nhưng lần này lại không như vậy, Tổng Thống Diệm chỉ đứng ngước mắt nhìn trời mây, Ông đứng như chôn chân trên thềm bao lơn. Ông đứng lâu chưa từng thấy. Nhân chứng lấy làm lạ vì Tổng Thống đứng như vậy đến 40 phút và ông chỉ nhìn trời rồi miệng lẩm bẩm. Nhân chứng và viên cận vệ càng phải đứng im phăng phắc không dám gây một tiếng động nào. Nhưng nhân chứng nghe câu được câu chăng. Nhân chứng cũng chả quan tâm vì 5 năm sống cạnh Tổng Thống Diệm, nhân chứng đã quá quen thuộc với nếp sống riêng tư của Tổng Thống. Nhưng có câu này Tổng Thống Diệm nói khá lớn, cả nhân chứng và cận vệ đều nghe rõ. Câu nói được ghi lại như sau:

Thôi, sang năm thì mình xin về, mệt quá rồi… mình xin về phụng dưỡng bà cố. Nhưng muốn xin về Ông Nhu lại cứ bắt mình phải làm”.

Câu nói trên đây được Tổng Thống Diệm nhắc đi nhắc lại rồi ông lại lẩm bẩm, mắt nhìn trời xa xăm.

Rồi khi quay lại phía sau lưng, Tổng Thống Diệm giật mình tròn mắt nhìn sĩ quan tùy viên và viên cận vệ. Ông có vẻ kinh ngạc trước sự hiện diện của hai người thân cận. Nhưng không nói gì, rồi lặng lẽ về phòng riêng. Đại Úy Đỗ Thọ cũng bắt gặp một lần Tổng Thống Diệm độc thoại tương tự như vậy vào một đêm tháng 7.

BẮT ĐẦU NỔ SÚNG

Hồi tưởng lại như vậy rồi qua dư luận qua đài VOA, Tùy Viên Lê Công Hoàn linh cảm thấy một cơn giông bão nào đó sắp bùng lên.

Cơn giông bão đó đã đến. Khoảng 1 giờ 15 trưa ngày 1-11, Thượng Sĩ Thám đang sửa soạn lên giường ngủ, nhắm mắt cho qua ít phút. Bỗng Thiếu Tá Duệ nói lớn: “Quan sát lại xem thế nào?” Theo phản ứng tự nhiên, nhân chứng vùng dậy chạy ra hành lang.

Thành Cộng Hòa vẫn im lìm trong buổi trưa nắng gắt. Lúc ấy Thiếu Tá Duệ vẫn còn mặc may-ô, chân đi dép. Ông đang đứng trước cửa phòng riêng của ông (sau này trở thành trụ sở Wud thuộc khu đại học Cường Để) chỉ một lát sau, Thượng Sĩ Thám thấy một sĩ quan từ lầu trên chạy xuống báo cáo với Thiếu Tá Duệ: “Từ phía ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng (Dakao) tôi thấy lố nhố chúng đang đi lom khom tiến theo vỉa hè… Có đứa thì nằm súng chỉa về thành”. Viên sĩ quan xác nhận: “đây là lính Thủy Quân Lục Chiến” – Thiếu Tá Duệ nhún vai “làm gì có chuyện lạ” – Ông trở vào phòng mặc vội quần áo rồi đặt khẩu Rouleau bên lưng. Từ lúc đó Trung Úy Bảo, Thượng sĩ Thám luôn luôn có mặt bên ông Duệ. Việc đầu tiên các nhân chứng thấy Thiếu Tá Duệ quan sát lại cho kỹ, ông cũng nhận ra như vậy nghĩa là Thủy Quân Lục Chiến đang tiến về thành Cộng Hòa. Thiếu Tá Duệ nhăn trán, lắc đầu: “Chuyện lạ nhỉ. Giờ này làm gì có lính tráng nào tập dượt”.

Hơn nữa khu vực này được coi là yếu khu số 1, không một lực lượng nào được lai vãng đến đây mà không phải thông báo cho Lữ Đoàn biết trước. Ông Duệ quay máy gọi Biệt Khu Thủ Đô. Phía bên đầu giây kia là Thiếu Tá Dụ. Thiếu Tá Duệ hỏi: “Đằng Biệt Khu có lệnh cho đơn vị nào di chuyển ở Đặc Khu 1 không?” Đặc Khu 1 tức là vùng Dakao và thuộc phạm vi thành Cộng Hòa. Thiếu Tá Duệ lắc đầu nói với nhân chứng: “Lạ nhỉ, Biệt Khu Thủ Đô Thiếu Tá Dụ cũng không hay biết gì cả.” Sau khi quan sát lại một lần nữa với nhiều dấu hiệu khả nghi, Thiếu Tá Duệ ra lệnh báo động. Từ lúc ấy thành Cộng Hòa thức giấc trong cơn nôn nóng của buổi trưa. Sàigon nắng như thiêu. Tiếng còi vang lên khua động doanh trại… Khoảng 15 phút sau, tất cả đều ở thế tác chiến. Quân nhân ở trại gia binh kế cận cũng lần lượt trở vào thành gần đủ mặt. Những khẩu đại liên 30 nòng đen ngòm đều chĩa về phía Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tất cả đều chuyển dịch.

Đằng xa Thủy Quân Lục Chiến vẫn lố nhố vào gốc cây hay tiến bên vỉa hè và mỗi lúc càng di chuyển lại gần hơn.

Một sĩ quan bảo ông Duệ: “Mục tiêu ngon lành quá. Cứ thế mà cho đại liên quạt thì đi đời hết cả bọn”. Một sĩ quan đứng chép miệng: “tụi này sao ngu quá vậy, không biết thằng nào chỉ huy mà sao ngu quá ta!”

Trong lúc đó Thiếu Tá Duệ cầm máy gọi về Dinh Gia Long.

Ông quay lại mỉm cười nói với mọi người: “lạ nhỉ trên đó cũng không biết gì hơn”. Ông cho gọi Đại Úy Nuôi trưởng phòng III đến trình diện. Và cùng ông xem xét tình hình. Từ phía xa, TQLC vẫn theo đội binh hàng dọc đang tiến lên. Chẳng bao lâu toán tiền phương đã lô nhô ở phía sau sân Hoa Lư. Có biến thật rồi.

Trong thành tất cả chỉ còn chờ lệnh nẩy cò. Lính trong thành có đủ lợi điểm nhất. Chỉ cần 2 khẩu đại liên bắn chéo cánh sẻ thì toàn tiền phương của TQLC sẽ gục hết ngay phút đầu. Trung Úy Bảo thấy anh em TQLC vẫn đi khơi khơi như không có vẻ gì đi hành quân tác chiến cả.

Ngay lúc ấy, Thiếu Tá Duệ ra lệnh cho một số sĩ quan chỉ huy hai xe Thiết Giáp tiến ra bọc phía sau, ông nói: “anh bắt sống mấy thằng chỉ huy mang về đây cho tôi”.

Giữa lúc ấy một Tiểu đội TQLC vẫn tiến lại. Tiếng loa trong thành hô đứng lại… Toán lính này nằm rạp xuống rồi khom lưng, bò tiến lên. Tiếng hô vang lên lần nữa rồi 1, 2, 3… môt loạt súng đại liên nổ chát chúa. Ngay trong loạt súng đầu có 4 TQLC gục ngã. Đám còn lại chạy dạt vào phía bên trong thành tường sân Hoa Lư.

GIỜ ĐÃ ĐIỂM

Rồi 1g30 ngày 1-11-1963 giờ phút quan trọng của lịch sử đã điểm. Một loạt đại bác 105 nổ vàng rền và rất trúng mục tiêu. Có viên nổ giữa sân, có viên nổ trúng một phía doanh trại. Tiếp theo là 4 chiến khu trục tới bắn hỏa tiễn.

Lúc ấy binh sĩ trong thành Cộng Hòa bắt đầu cảm thấy thực sự đang có biến động. Rồi lại từng loạt nữa… tiếng nổ chát chúa vang rền. Trong thành vẫn chưa có ai bị thương.

Từ lúc ấy Thiếu Tá Duệ mới xuống phòng chỉ huy để điều động. Ông nói với các sĩ quan: “Có đảo chánh thật các cậu ạ… không hề gì… người nào có nhiệm vụ nấy…” Ông ra lệnh cho Trung Úy Bảo theo chân hai Thiết Giáp tiến ra khỏi thành. Ông Bảo yêu cầu: “Thiếu Tá cho quạt vài ba tua nữa… bọn nó đang lố nhố đầy ở sân Hoa Lư mục tiêu ngon quá đi”. Ông Duệ không cho khai hỏa tiếp rồi bảo nhân chứng ra tìm cách thuyết phục và hỏi nguyên do xem sao! “Anh em nhà cả mà!”

Nhân chứng đứng bên đây đường, vác loa gọi đại cương: “A lô! A lô… Tôi Trung Úy Bảo đây nguyên trưởng phòng II trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đây”.

Nói như vậy vì ông biết chắc thế nào trong đám sĩ quan đó cũng có chàng là bạn ông hoặc cựu sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt.

Ông Bảo lại lên tiếng một lần nữa : “A lô! Bảo đây xin các anh đừng có dại dột, nghe theo ai, đừng có dại dột chết oan uổng cho một mưu đồ nào“. Quả nhiên khi nhân chứng ngưng lời thì từ phía bên kia sau sân Hoa Lư có một sĩ quan lên tiếng: “A lô… Trung Úy Bảo phải không? A lô Thinh đây” Rồi có tiếng nổ phía xa.

Có tiếng hô ngưng bắn, Trung Uý Bảo liền băng qua đường Hồng Thập tự về đi về phía Thinh. Theo sau ông là một người lính.

Nhân chứng đến gặp Đại Úy Thinh Đại Đội trưởng Thủy Quân Lục Chiến. Nhân chứng hỏi Thinh: “Các anh được lệnh của ai về đây?” Đại Úy Thinh nói: “Tôi nghe Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống làm phản nên bọn này kéo quân về cứu ông Cụ”. Nhân chứng lắc đầu cười: “Nhầm to rồi Thinh ơi… Làm gì có chuyện đó. Ai bảo với các anh thế?” Thinh im lặng.

Lúc ấy có một Thủy Quân Lục Chiến chết 3 bị thương trong loạt nổ thứ nhất của Lữ Đoàn. Trung Úy Bảo đề nghị với Thinh: “Cậu thấy không chung quanh đây toàn là lực lượng của Lữ Đoàn hết. Chỉ cần mấy khẩu đại liên đặt trên lầu kia quạt một lần các cậu sẽ đi đời hết. Thôi bây giờ bỏ khí giới hàng đi rồi hạ hồi phân giải”.

Đại Úy Thinh không chịu và nói: “Hàng thì tôi không thể hàng được. Cấp chỉ huy ra lệnh như thế nào thì làm như thế. Tuy vậy, bọn tôi có thể giá súng ngồi chơi được không?” Một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến khác phàn nàn: “Bọn tôi hành quân ở Tây Ninh về thì được lệnh di chuyển về đây ngay. Bọn này có biết mẹ gì đâu. Cấp trên bảo sao nghe vậy. Đang mệt thấy bà nội” Đại Úy Thinh cương quyết chỉ giá súng mà không chịu hàng.

Hai bên đều đồng ý an binh bất động. Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Thinh rút sâu vào sân Hoa Lư và giá súng. Theo lệnh của Thiếu Tá Duệ, Trung Úy Bảo mời Đại Úy Thinh vào gặp ông Duệ để hai bên cùng sáng tỏ đầu đuôi câu chuyện. Đại Úy Thinh từ chối, ông viện lý do đơn vị không được phép bỏ đơn vị đang ở tình trạng tác chiến. Tuy nhiên Đại Úy Thinh vẫn cử 2 sĩ quan đi theo, một thiếu úy, một chuẩn úy. Qua sự điều tra tại chỗ, được biết chỉ có hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến. Ngoài Đại Đội của Thinh, còn Đại Đội của Châu đang dàn binh bố trận phía sau. Một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến nói với Trung Úy Bảo: “Chuyện rắc rối thấy mẹ… bọn này vừa đi hành quân về mệt chết cha… Làm gì có đảo chánh. Trung Tá khang được Tổng Thống cưng nhất… có lẽ bọn tôi về đây để chống đảo chánh”.

Từ phút đó, phía bên thành Cộng Hòa cũng án binh để “chờ xem”. Việc cấp thiết là phải tản thương. Trung Úy Bảo đề nghị với Đại Úy Thinh tạm thời đưa 3 Thủy Quân Lục Chiến vào bệnh xá của Lữ Đoàn để cấp cứu (trong đêm mùng một cả 3 thương binh đều chết vì trúng đạn 105 của quân cách mạng… trái đạn rớt trúng bệnh xá).

MỜI CỤ XUỐNG HẦM

Tại bộ chỉ huy của Lữ Đoàn, Thiếu Tá Duệ đang liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu. Tiếng ông Duệ: “Tôi muốn gặp ngay Trung Tá Khôi.. chú phải tìm cho bằng được. Ông ấy đang ở phòng Hội…” Ông Duệ chờ mãi. Trên Dinh Gia Long lại gọi xuống: “Hoàn đây… không có chuyện gì quan trọng chứ?”

Ông Duệ trao máy cho một sĩ quan để liên lạc với Bộ TTM rồi tiếp chuyện với Gia Long. Ông Duệ bảo Đại Úy Hoàn: “Mời Cụ xuống hầm gấp…Thiếu tá Hưởng có ở đấy không… Tại sao đến bây giờ mà chưa mời Cụ xuống hầm. Tại sao Cụ lại không chịu… Phải nói rõ cho Cụ biết… Không có gì nguy nhưng phải đề phòng…”

Ông Duệ lại quay sang “tiếp chuyện” Tổng Tham Mưu. Phía đầu giây bên kia là Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn. Lát sau ông Duệ quay lại nói với mấy sĩ quan:

– “Trung Tá khôi không về được. Bây giờ vẫn chưa hop. Lạ thật. Trung Tá Khôi cho moa biết trên ấy hoàn toàn yên tĩnh”. Một lát sau ông Duệ gọi lại lên Gia Long và được trả lời: “Mời Cụ xuống hầm nhưng không thấy Cụ nói gì… Trên này hoàn toàn yên tĩnh… Thiếu Tá Lạc hiện đang có mặt trong Dinh, có cả ông Bí Thư Trần Sử.”

Kế hoạch đảo chánh đã được hoàn tất trong vòng hơn một tuần lễ mà đầu não vẫn là Trung Tướng Trần Văn Đôn, Đại Tá Nguyễn Hữu Có lãnh nhiệm vụ giao liên, tổ chức và móc nối. Với cương vị Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, phụ tá cho Tướng Đính nên mọi sự giao tiếp và di chuyển của Đại Tá Có trong phạm vi Quân Đoàn III đều được dễ dàng. Hơn nữa, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội thì đã theo phe đảo chính rồi nên vấn đề tổ chức càng thêm dễ dàng và bảo mật đến mức độ tối đa. Theo tiết lộ của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có trên Nhật báo Công Luận số đặc biệt cách mạng 1-11-1970 thì ngày 15-10-1963 ông đã hỏi thẳng Trung Tướng Dương Văn Minh về kế hoạch đảo chánh và xin chỉ thị thì Trung Tướng Minh trả lời: “Anh có quân, có tổ chức thì nắm cho được các đơn vị đó đi“. Vẫn theo Trung Tướng Có vì biết ông chống Tổng Thống Diệm từ lâu nên khi đến thăm Tướng Đính, Tướng Đính đã bất ngờ hỏi: “Toa chịu thề với moa không? Hễ moa chết thì toa phải chết theo, còn toa có chết thì moa cũng chết theo” – Khởi điểm từ bất ngờ đó, hai ông Đính, Có kết hợp cùng nhau để thực hiện kế hoạch.

Đại Tá Có xuống Bình Dương – bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, móc nối được với Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu. Ông lại xuống Mỹ Tho, bản doanh Sư Đoàn 7 móc nối được với Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn này cùng một số sĩ quan thuộc khu chiến thuật Tiền Giang, trong đó có Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh, Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 10 trú đóng tại Cao Lãnh, Kiến Phong, Thiếu Tá Lý Tòng Bá, Chi Đoàn trưởng Chi Đoàn Thiết Giáp.

Theo bút ký của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, trong bữa cơm trưa tại Dinh Tỉnh Trưởng Định Tường ngày 20-10 vì sơ xuất nên tin đảo chánh bay về Saigon.

Đêm ngày 28-10, ông Nhu đã biết được đầy đủ chi tiết về Đại Tá Có bay lên Bình Dương và xuống Mỹ Tho âm mưu móc nối đảo chánh. Một phiên họp khẩn cấp được triệu tập trong văn phòng ông Nhu với sự tham dự của Đại Tá Tung và hai viên chức cao cấp của ngành Tình Báo và Cảnh Sát Đặc Biệt. Ông Nhu nghe các viên chức liên hệ kiểm điểm tình hình và đi đến một kết luận vững chắc: phe đảo chánh không có quân không thể làm gì nổi – Cho đến lúc này thì ông Nhu có đủ dữ kiện để biết rõ phe đảo chánh gồm tướng Đôn, Kim, Minh, Xuân và một số sĩ quan mà ông Nhu cho rằng họ thuộc thành phần Đại Việt.

Biết rõ Đại Tá Có cùng Tướng Đôn, Kim âm mưu đảo chánh nhưng ông Nhu vẫn không ra tay trước. Có lẽ ông muốn quăng một mẻ lưới lớn. Đại Tá Tung cũng như cơ quan tình báo được chỉ thị của ông Nhu là phải yên lặng tuyệt đối làm như không hề hay biết việc Đại Tá Có xuống Mỹ Tho và lên Bình Dương móc nối 2 Sư Đoàn 5 và 7 Bộ Binh để đảo chánh.

Ngày 31-10, Tổng Thống Diệm và ông Nhu mới chính thức báo tin cho Trung Tướng Đính biết là Đại Tá Có âm mưu đảo chánh và chỉ thị phải điều tra ngay để tìm ra manh mối hầu có thể ra tay hành động theo kế hoạch hành quân Bravo mà Tướng Đính vẫn nắm trọn quyền. Nhưng Tướng Đính đã chính thức tham gia phe đảo chánh kể từ ngày 25-10.

Tướng Đính cũng như Tướng Đôn đều báo cáo với Tổng Thống Diệm và ông Nhu là đã biệt giam Đại Tá Có và đang tra khảo nhưng thực ra, Đại Tá Có được giữ kín trong văn phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III. Đại Tá Có trải qua một ngày một đêm trong cảnh toát mồ hôi lạnh – Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III được canh phòng nghiêm mật, nột bất xuất ngoại bất nhập – 11 giờ đêm 31-11, Tướng Đôn đến Quân Đoàn III gặp Tướng Đính và Đại Tá Có, ông cho biết vì Đại Tá Có làm lộ bí mật tại Mỹ Tho cho nên phải hành động gấp vào ngày mai, tức 1-11.

Trung Tướng Có qua thiên bút ông đã mô tả: “Thứ sáu 1-11-1963: Sau một đêm thức trắng, Tôn Thất Đính có vẻ mệt mỏi. Tôi cũng không khỏe gì hơn. Nhưng thì giờ càng quá mau thì tôi càng mừng. Ăn điểm tâm xong là 7g tôi vui vẻ nói với Tướng Đính: chỉ còn 6 giờ nữa thôi mong rằng mọi việc sẽ êm đẹp”. 8 giờ, Trung Tướng Đôn lại tới gặp Tướng Đính và tôi. Thấy tôi ông lại cười rồi chỉ mặt nói: “Tổng Thống bảo tôi lại coi ông Đính đập thằng Có ra sao”. Tướng Đính dặn Tướng Đôn về trình là đã đập gần chết rồi, hiện còn nhốt trong nhà tắm, đợi tỉnh lại sẽ tiếp tục khai thác.

Tướng Đính cũng trực tiếp báo cáo như vậy với Tổng Thống Diệm và ông Nhu.

12 giờ, Đại Tá Có từ biệt Tướng Đính ra phi trường Tân Sơn Nhất và ở đây ông dùng trực thăng của Quân Đội Mỹ bay xuống Mỹ Tho. Cũng từ giờ đó, Tướng Đính bắt tay vào việc đảo chánh. Quân đoàn III bị cấm trại 100% – Kế hoạch Bravo I biến thành Bravo II. Nhưng 6 Đại Đội của Lực Lượng Đặc Biệt đi hành quân tại Long Thành, theo kế hoạch Bravo I lực lượng này sẽ quay về Saigon nhưng với Bravo II thì lực lượng nòng cốt này bị cô lập ngay.

Rồi một loạt đại bác nổ vang, rất trúng đích. Tiếng gạch ngói đổ vỡ, tiếng người nói lao xao. Rồi một loạt khác… Tiếng nổ xé tan bầu không khí oi ả của buổi trưa. Trung Sĩ Hòa ước lượng ít nhất lần này thành Cộng Hòa phải ăn 20 trái. Từ phía xa một vài loạt tiểu liên nổ. Quanh thành Cộng Hòa vẫn yên tĩnh ngoài tiếng đại bác nổ và tiếng chân người chạy.

Đại bác nổ rát quá. Thiếu Tá Duệ hét: “Anh em Thủy Quân Lục Chiến tìm chỗ ẩn núp cứ đứng khơi khơi như thế chết hết bây giờ“. Một toán Thủy Quân Lục Chiến chạy băng qua đường tìm chỗ núp đại bác trong mấy tòa nhà thuộc Tổng Nha Cải Huấn và Bộ Xã Hội hiện nay. Trong sân Hoa Lư, Thủy Quân Lục Chiến tụ tập cả trên khán đài. Súng vứt ngổn ngang trên cỏ, Thiếu tá Duệ nói với Trung Úy Bảo: “Cậu sang bảo tụi nó tìm chỗ an toàn mà nấp. Vô phước tụi nó ăn phải đại bác thì tôi sẽ lãnh đủ”.

Một Chuẩn Úy Thủy Quân Lục Chiến từ bên Hoa Lư băng qua, ông này nói: “Ông già của tôi có đây không?” Thì ra, ông già của vị sĩ quan này là Thượng Sĩ trong ban quân nhạc của Lữ Đoàn. Viên Chuẩn Úy nói: “Trung đội của em ở bên kia đường coi bộ nguy hiểm quá”. Trung Úy Bảo đề nghị: “Cậu cho trung đội qua đây. Ở đây nếu pháo binh mần dữ như vừa rồi cũng không sợ, thiếu gì chỗ an toàn”. Viên chỉ huy nghe có lý, ông trở lại vị trí cũ dẫn cả trung đội vào thành Cộng Hòa (sau khi thành này thất thủ trung đội của ông ta được đồng hóa với LĐLBPB và bị coi là thành phần chống cách mạng).

Trong giờ phút đó Thiếu Tá Duệ cố tìm cách bắt liên lạc với Trung Tá Khôi nhưng không có kết quả. Ông Duệ lại gọi về Dinh Gia Long. Trên Dinh cho biết vắn tắt: “Các Tướng Lãnh có lẽ bị phe đảo chánh bắt cóc… trên này đủ mặt Châu, Lộc, Hoàn, Thọ, Bằng. Ông Võ Văn Hải cũng vừa tới, ông đang ở trong phòng Cụ”…

Từng loạt đại bác nổ vang rền. Lần pháo kích này được coi là ác liệt nhất. Lính của Lữ Đoàn có 5, 6 người bị thương, hai chết. Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến lúc ấy đã tản mát sang phía bên kia đường hay nấp sau bờ tường sân Hoa Lư. Trung Úy Bảo gọi Đại Úy Thinh : “Toa cho lính của toa di tản đi chỗ khác, nấp ở sau bờ tường như thế kia chết cả lũ bây giờ“. Đại Úy Thinh ra lệnh cho di tản ngay… Khoảng 15 phút sau khi phi cơ bay tới rà qua sân Hoa Lư rồi quạt đại liên ào ạt về phía bờ tường mà vừa rồi toán Thủy Quân Lục Chiến dùng làm nơi ẩn nấp. Trung sĩ Hòa nói: “Hú vía…chút xíu nữa thì chết gọn”. Thinh nói với Trung Úy Bảo: “Cảm ơn Trung Úy không lanh trí thì bọn này bỏ mạng hết”. Phi cơ xuất hiện oanh kích có một lần đó.

ĐÁNH NHAU BẰNG MỒM

Trung Úy Bảo đã có thể yên tâm và vững tin vào Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến của Thinh.

Nhưng vẫn còn một Đại Đội nữa. Lữ Đoàn Liên Binh cho 2 xe Thiết Giáp tiến về phía ngã tư Đinh Tên Hoàng – Phan Đình Phùng, Trung Úy Bảo đi sau cùng với 2 Hạ Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến… Nhân chứng dùng 2 Thủy Quân Lục Chiến này cốt để làm nản lòng Đại Đội của Châu. Lúc ấy Đại Úy Châu đang đứng ở gốc cây ngay trước cư xá Air VN hiện nay.

Đại Úy Châu cầm khẩu súng lục trong tay còn tay kia cầm trái lựu đạn. Lính của Đại Úy Châu đều chĩa thẳng mũi súng về phía nhân chứng. Tuy vậy, Trung Úy Bảo rất bình tĩnh và đằng sau nhân chứng là 2 Thiết Giáp và lính của Lữ Đoàn. Trung Úy Bảo lên tiếng: “Tất cả binh sĩ phải quay mũi súng ra ngoài không bị tiêu diệt ngay”. Nhân chứng hỏi Đại Úy Châu: “Ai bảo các anh về đây? Các anh về đây để làm gì?” Trung Úy Bảo nghĩ trong bụng, Đại Úy Châu cũng sẽ trả lời như Thinh. Nhưng không, Đại Úy Châu lại nói lớn tiếng: “Chúng tôi về đây để lật đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Chúng tôi không thể chịu được áp bức”

Trung Úy Bảo nói gay gắt: “Anh lại đây”. Đại Úy Châu cũng gay gắt không kém: “Anh lại đây“. Châu vẫn cầm nhăm nhăm trái lựu đạn. Nhân chứng thì cầm chiếc loa. Bảo nói: “Anh muốn chết bỏ mạng à”. Châu lại nói: “Anh định tự tử hay sao”. Hai bên vẫn lời qua tiếng lại. Đúng lúc đó phi cơ bay xẹt qua quạt từng loạt đạn (như trên đã viết) Trung Úy Bảo tiếp tục tấn công bằng lời: “Anh coi Đại Đội của Thinh hàng rồi. Chung quanh đây là quân của Lữ Đoàn. Anh nhìn coi… chỉ cần có khẩu đại liên trên lầu kia làm một loạt cánh chéo cánh sẻ cũng cho các anh đi đời” Nhân chứng lại nhấn mạnh: “Tốt hơn hết các anh hàng đi cho yên chuyện”. Một sĩ quan khác lên tiếng: “Hàng thế nào được. Tụi tôi về đây lật đổ chế độ độc tài gia đình trị “ – Nhân chứng đáp: “Muốn gia đình trị hay cái gì cũng được. Bây giờ không nói chuyện đó muốn sống thì hàng đi”.

Lúc đó Đại Úy Châu bắt đầu dịu giọng: “Hàng thì tôi không hàng nhưng tôi sẽ tập trung lính lại. Được không?” Trung Úy Bảo vui vẻ trả lời: “Thế cũng được. Bây giờ anh cho lính của anh tập trung tất cả vào khu Hàng không Việt Nam“. Châu lại hỏi: “Còn các anh thì sao?” Nhân chứng cho biết thiếp giáp và lính của Lữ Đoàn sẽ lui về vị trí cũ tức là phía bên kia đường Hồng Thập Tự.

Thế là hai Đại Đội của TQLC đếu án binh bất động. Phía Lữ Đoàn giải giới chờ khi hữu sự sẽ ra tay. Bộ chỉ huy của LĐPV hoạt động không ngừng.

Cho đến lúc ấy thành Cộng Hòa đã ăn hàng trăm trái 105 ly. Bộ chỉ huy LĐPV không thể nào liên lạc được với Bộ Tổng Tham Mưu. Thượng Sĩ Nguyễn thuật lại: “Ông Duệ phải gọi qua phòng quân cảnh của TTM nhờ liên lạc vì ông có người bạn thân ở phòng này nên mới nắm được “đầu giây” liên lạc. Thiếu Tá Duệ hỏi qua về tình hình trên đó ra sao.

Phía đầu giây trả lời rõ rệt: “Không thấy có gì quan trọng cả. Các ông Tướng đang họp. Hiện giờ BTTM không có lực lượng nào khác hơn mấy chú tân binh ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung”. Trượng Sĩ Nguyễn báo cáo lại và đề nghị: “Làm tới đi Thiếu Tá. Hốt về đây cho xong chuyện” Các sĩ quan tham mưu bàn định: “Nếu được lệnh thì chỉ cần một Chi đội Thiết Giáp, một Đại Đội ta sẽ tiến dọc theo đường Công Lý. Thủ thì nguy, công mới thành”… Ông Duệ gật đầu cho là phải. Ông gọi lên Dinh Gia Long xin lệnh Tổng Thống. Phía đầu giây bên kia Đại Úy tùy viên Lê Công Hoàn đáp: “Cụ không trả lời. Cụ ra lệnh chỉ được phép nổ súng khi nào bị tấn công. Cụ cấm không được gây đổ máu”… Ông Duệ và một số sĩ quan tham mưu đành thở dài lắc đầu, ông lại tiếp tục cuộc điện đàm: “Toa thưa lại với Cụ cứ cho phép tụi moa đem lực lượng lên đó hốt cho hết, như thế là xong”… Bên đầu giây kia Đại Úy Hoàn trả lời: “Cụ nhất định không chịu”… Thượng sĩ Nguyễn lắc đầu quay sang bảo ông Duệ: “Thiếu Tá thử nói lại lần nữa xem sao… Thiếu tá nói với Đại Úy Hoàn trình bày rõ với Cụ là bọn mình chỉ xin lên Bộ Tổng Tham Mưu mời các Tướng về Dinh để họp mà thôi…” Lúc ấy vào quãng 5 giờ.

DƯỚI HẦM

Vào giờ này tại Dinh Gia Long, mấy sĩ quan tùy viên vẫn ngồi kế bên Tổng Thống Diệm. Trong Dinh còn có 3 đường giây liên lạc, Tổng Thống Diệm ở dưới hầm… Ông Nhu sai người đem radio mang xuống cho Tổng Thống nghe để cho Cụ được rõ thực hư (lời ông Nhu). Nhưng radio mang xuống dưới hầm lại không nghe được vì không có giây antenne từ trên xuống. Rồi nhạc quân hành vang vang. Các tướng lãnh lần lượt xướng danh. Nhưng giọng phát ngôn viên nhấn mạnh từng điệp khúc “lật đổ chế độ độc tài gia đình trị”… Tổng Thống Diệm im lặng lắng nghe. Rồi ông Nhu trên lầu bước xuống. Hai anh em ông Diệm đều im lặng.

Sĩ quan tùy viên vặn cho nhỏ hơn. Nhạc quân hành mỗi lúc một dồn dập. Bốn sĩ quan tùy viên có mặt ở Dinh lúc ấy đều là những người quanh năm suốt tháng trong Dinh và đã trải qua nhiều biến cố như vụ ám sát hụt ở Hội Chợ Kinh Tế Ban Mê Thuột, vụ đảo chính 11-11-1960, vụ ném bom ngày 27-2-1962… Do đó, không lấy gì làm xao xuyến cho lắm. Trái lại mỗi lần như vậy họ cảm thấy sống gần Tổng Thống Diệm hơn. Nhạc quân hành vẫn vang lên dồn dập. Ông Nhu thì trầm ngâm nhát gừng: “Mỹ nó bảo làm vậy thì làm vậy…”

Nói xong ông Nhu lại trở lên lầu. Trong khoảng thời gian đó, Đại Sứ Cabot Lodge gọi điện thoại nói chuyện riêng với Tổng Thống Diệm. Đây là lần thứ hai kể từ lúc 2 giờ. Bốn sĩ quan tuỳ viên vẫn đứng ngồi bên cạnh Tổng Thống Diệm. Không ai nghe rõ ông Lodge nói những gì… Tổng Thống Diệm trả lời bằng tiếng Pháp đại cương: “Tôi không chấp nhận… Cảm ơn… Cảm ơn…chúng tôi sẽ thu xếp với nhau… Tôi không tin các Tướng đòi hỏi như thế. Cảm ơn. Tôi không nhận điều kiện nào hết… Tôi là Tổng Thống của nước Việt Nam Cộng Hòa!!” Trước khi buông máy, Tổng Thống Diệm nói rất chậm, nhấn mạnh từng tiếng một “Je vous remercie sincèrement… Je ne quitte jamais mon Peuple”

Tổng Thống Diệm buông máy nhìn một lượt 4 sĩ quan tuỳ viên rồi mỉm cười. Ông lại châm thuốc hút. Ông nhìn Đại Úy Hoàn khẽ gật đầu đắc ý về một việc gì rồi lại cười. Ông vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa hiệu Marconi.

Trước đó Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn tại thành Cộng Hòa, Thiếu Tá Duệ nhận được lệnh từ Dinh Gia Long phải chiếm cho kỳ được đài phát thanh.

ĐẢO CHÁNH GIẢ

Từng loạt đại bác nổ rồi im. Ông họ Trần (cựu Bộ Trưởng) mở cửa sổ nhìn ra đường… một vài chiếc taxi lướt qua. Con đường Hồng Thập Tự vẫn im vắng, không có một bóng dáng quân nhân nào. Vợ của nhân chứng nói: “đảo chánh giả mình ạ. Cứ mặc người ta, anh đừng xớ rớ”. Cách đó hơn một tuần ông Trần có vào Dinh Gia Long thăm riêng Tổng Thống Diệm, lấy cớ đến chúc mừng Tổng Thống nhân ngày 23-10. Ông Trần có gặp Tướng Đôn ở hành lang Dinh. Ông hỏi Tướng Đôn “Tình hình quân sự dạo này có khá không ông Tướng?” Ông Đôn ghé tai nói nhỏ: “Thưa ông bi quan lắm… Việt Cộng mở mặt trận khắp nơi. Người Mỹ hình như muốn bỏ rơi chúng ta”. Nhân chứng khẽ nhún vai mỉm cười. Hôm ấy ông Trần có gặp cả Tướng Đính, vẫn vẻ vồn vập niềm nở, Tướng Đính nắm chặt hai tay ông.

– Tình hình vùng 3 thế nào? Nhân chứng hỏi. Ông Đính khoa tay: “khả quan lắm. Còn Ba Đính ở đây thì Việt Cộng không có làm ăn gì được hết. Đàn anh cứ tin lời Ba Đính nói đi”.

Ông Trần trở vào phòng nghe radio. Bỗng nhiên chuông điện thoại reo vang. Đầu giây bên kia ông Smith một viên chức CIA của tòa Đại Sứ Mỹ gọi nhân chứng và nói: “Tình hình rất nguy hiểm tuy nhiên ông Đại Sứ Lodge sẽ tìm mọi cách để tránh đổ máu. Ông Đại Sứ muốn tôi “arranger” một cuộc tiếp xúc riêng giữa ông Đại Sứ với ông ngay chiều nay.” Viên chức Mỹ cho biết sẽ đến gặp nhân chứng.

Súng vẫn nổ lẻ tẻ. Tiếng xe Thiết Giáp chuyển dịch rất gần. Nhân chứng gọi điện thoại cho ông Nguyễn Đính Thuần 2, 3 lần, người nhà nói ông đi vắng. Lúc sau ông Smith đến thăm ông. Câu đầu tiên của ông: “Thế nào có đảo chánh thật hay sao?”. Viên chức này đáp: “Làm thế nào được hơn, cho đến giờ này ông vẫn chưa được biết?” Ông Trần rút thuốc hút đáp: “Tôi làm sao có thể biết được. Ông Minh và ông Đôn làm vụ này? Ông có tin là thành công không?” Viên chức Mỹ nói giọng cả quyết: “Tôi không tin họ đủ yếu tố thành công. Bây giờ chỉ còn vấn đề thu xếp cho anh em ông Ngô Đình Diệm qua Nhật và ông Nhu đi Âu Châu”

PHÁ ĐỔ TIÊN TỤC

Sau đó viên chức Mỹ đi thẳng vào vấn đề:

– Đây là vấn đề nội bộ của Việt nam tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng sẽ mang lại phép lạ giúp cho nước ông chiến thắng Cộng Sản và giải quyết môt lần cho xong vụ khủng hoảng Phật giáo đã kéo dài quá lâu.

Ông Trần hỏi:

– Khi cuộc đảo chánh thành công sẽ có một chánh phủ quân nhân ra đời, các tướng lãnh sẽ trực tiếp lãnh đạo chính phủ?

Viên chức Mỹ im lặng một lúc lâu rồi mới gât gù đáp:

– Đó mới là vấn đề số 1. Theo tôi các tướng lãnh Việt Nam chỉ có thể hoàn thành được vai trò quân sự của họ. Người Mỹ như tôi đều chủ trương Việt Nam phải có một chính phủ dân sự mở rộng tiếp nhận nhiều khuynh hướng nhất là khuynh hướng Phật giáo.

Nhân chứng mỉm cười:

– Ông Đại Sứ Lodge muốn gặp riêng tôi để làm gì? Tôi không còn ham thích làm chính trị.

Smith nói:

– Mỹ quốc muốn thấy VNCH ổn định, có một nền dân chủ để chiến thắng Cộng Sản, có một xã hội no ấm và tự do. Cuộc cách mạng của tướng lãnh Việt Nam là một cơ hội tốt… nhưng chính phủ phải do phía dân sự lãnh đạo và phải do người miền Nam.

Nhân chứng không nói gì. Cuộc đối thoại cắt đứt vì có chuông điện thoại. Nhân chứng cầm máy nghe. Một Bộ Trưởng phía đầu giây bên kia nói với nhân chứng: “Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long bị vây cả rồi. Lúc này ông Quách Tòng Đức (Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống) cũng có vào Dinh. Nhưng không gặp Tổng Thống ông có gặp Võ Văn Hải và thấy không cần thiết phải có mặt ở Dinh nên ông Hải lại về… ông ấy có điện thoại cho tôi… Tình hình nguy rồi, anh tính sao?” nhân chứng lắc đầu :”biết làm thế nào?”

Quay sang phía viên chức Mỹ, ông hỏi: “Người Mỹ thật tình muốn có một chính phủ mở rộng?” Viên chức Mỹ đáp: “Tôi bảo đảm với ông như vậy. Một chính phủ có sự tham dự của đảng phái, Phật giáo. Bộ Quốc Phòng sẽ trao cho Quân Nhân rồi mở đầu cho giai đoạn mới: Phát triển các cơ sở dân chủ và cách mạng xã hội” Viên chức Mỹ ra vẻ tâm sự tha thiết: ” Cuộc cách mạng sẽ thành công nhưng Phật Giáo vẫn là một vấn đề. Tôi nghĩ rằng tướng lãnh của nước ông sẽ không đủ uy tín nắm vững khối quần chúng. Nếu không có một chính phủ dân sự mở rộng thì tình hình sẽ bị lật ngược và vô cùng rối loạn. Tôi nghĩ rằng phải có một nhân vật miền Nam đứng ra lãnh đạo chính phủ và chính phủ này sẽ đảm bảo tính cách liên tục của guồng máy hành pháp“. Nhân chứng hỏi: “Người Mỹ không tin vào khả năng lãnh đạo của hai ông Minh và Đôn?” Viên chức Mỹ mỉm cười không đáp. Ông bất thần hỏi: “Chắc chắn ông là người biết rõ khả năng lãnh đạo của Phó TT Nguyễn Ngọc Thơ?” Nhân chứng chưa kịp đáp thì viên chức Mỹ đã hỏi: “Ông có thể giúp Phó TT Thơ hoàn thành được vai trò ấy chứ?”

Có một tiếng nổ lớn, ông Trần nhìn qua cửa sổ. Phía bên kia đường lính đứng lố nhố ở sau gốc cây. Một chiếc Thiết Giáp đậu ngay trước cửa nhà nhân chứng. Rồi tiếng đại bác lại nổ chát chúa. Người nhà nhân chứng, một sĩ quan trong Đại Đội Cận Vệ từ Dinh Gia Long gọi điện thoại về cho biết: “Tình hình rất yên. Chỉ có thành Cộng Hòa bị pháo kích. Tổng Thống đang ngồi hút thuốc lá bàn chuyện với mấy tay sĩ quan tùy viên.”

Viên chức Mỹ lại tiếp tục cuộc mạn đàm (có chủ ý). Ông ta nói: “Hai ông ấy (Diệm và ông Nhu) đã đi quá sâu vào đường trung lập. Tôi sẽ cho ông coi hồ sơ để xem ông Nhu đã móc nối với Nguyễn Hữu Thọ và Phạm Văn Đồng như thế nào“. – Nhân chứng lắc đầu, khẳng định: “Tôi không bao giờ tin như vậy. Tổng Thống Diệm là một người chống Cộng”. Viên chức Mỹ lại hỏi: “Nếu nói rằng Tổng Thống Diệm là một người chống Cộng sao có những cán bộ ở ngay bên cạnh Tổng Thống?” Nhân chứng hỏi: “Đó là những ai xin ông cho biết?“. Smith nói: “Tôi không cần nói chắc ông cũng hiểu.

Nhân chứng thở dài, ông hoàn toàn không thể hiểu người Mỹ đang tính toán những gì. Nhưng chắc chắn Tổng Thống Diệm đã làm phật lòng người Mỹ không ít. Vào cuối năm 1961, Tổng Thống Diệm đã lấy làm khó chịu khi có một giới chức Mỹ thuộc cơ quan USOM đã đề nghị với chính quyền Việt Nam nên thu hồi bệnh viện Grall còn trong tay người Pháp. Rồi lại cho một giới chức Mỹ khác đề nghị cải tổ giáo dục Việt nam theo chiều hướng Mỹ. Tổng Thống Diệm đã khước từ những đề nghị như thế. Và ông Diệm đã khước từ trước một “đề nghị” về phía Mỹ: Yêu cầu chính quyền Việt Nam cho Mỹ xử dụng căn cứ Cam Ranh. Đề nghị này không chính thức nhưng Đại Sứ Nolting cũng đã “ướm lời dò ý” trong các cuộc đi viếng vùng Tràm Chim với Tổng Thống Diệm cùng một số Bộ Trưởng như Giáo Sư Trương Công Cừu. Tháng 3-1963, Đại Tướng Harkins lại một lần nữa ngỏ lời qua Tướng Khánh. Nhưng Tổng Thống Diệm trước sau đều khước từ.

Viên chức Mỹ và ông Trần tiếp tục nói chuyện. Phe cách mạng tiếp tục tiến hành công cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Nhu vẫn trông đợi Sư Đoàn 7 BB của Đại tá Bùi Đình Đạm và quân đoàn IV của Tướng Cao. Sáng 1-11-1963, Tướng Cao đang thị sát cuộc hành quân tại vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Khi nghe tin Saigon có biến ông vội vã bay về Cần Thơ. Nhưng tại bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, phe cách mạng đã ra tay từ trước. Có thể nói cuộc đảo chánh đã diễn ra ngay Bộ Tư Lệnh. Tướng Cao ngồi tại Bộ Tư Lệnh lúc ấy chỉ làm vì. Vì quyền bính thực sự của quân đoàn đã nằm trong tay Trung Tá Hạnh (nguyên tham mưu trưởng của Tướng Big Minh trong chiến dịch rừng Sát) Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn cùng với Thiếu Tá Tuấn trưởng phòng II Quân đoàn đã được phe cách mạng móc nối từ trước. Khi Tướng cao về thì sự đã rồi. Ông bị cô lập ngay phút đầu tuy nhiên sĩ quan kể trên vẫn để ông thong dong nhưng không xảy ra việc gì. Từ Saigon, Đại Úy Bằng có cấp báo cho Tướng Cao nhưng ông Cao lảng đi… Rồi án bính bất động lúc ấy chỉ còn Sư Đoàn 9 BB của Đại Tá Bùi Dinh nhưng Sư Đoàn này đang hành quân tại Kiến Hòa, một số quân còn lại tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn từ Sa Đéc kéo về tiếp cứu Saigon nhưng về đến Bắc Mỹ Thuận thì bị Trung Đoàn 10 (SĐ7) của Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh cầm chân.

Về Sư Đoàn 7, có thể nói Sư Đoàn được ông Nhu chú trọng bậc nhất. Đại Tá Đạm đã bị thay, theo dự định thì ngày 2-11 sẽ bàn giao chức vụ cho Đại Tá Lâm Văn Phát. Lấy cớ trận Ấp Bắc bị thua (sự thực thì trận ấy tuy lớn nhưng thiệt hại của đôi bên tương đương nhau) nhiều người đã dèm pha và ngỏ ý với Tổng Thống Diệm thay thế Đại Tá Đạm. Tướng Đôn cũng nhiều lần đề nghị với Tổng Thống Diệm như vậy. Một vài nhân viên tình báo Mỹ cũng cố ý dèm pha để Tổng Thống thay ông Đạm vì họ tin rằng ông Đạm là người sống chết với chế độ nếu loại được ông Đạm thì Sư Đoàn 7 không có gì đáng lo ngại.

Cũng như trước đó, Sư Đoàn 7 thuộc quyền Quân Đoàn IV của Tướng Cao, một số giới chức Mỹ tìm mọi cách đề nghị với Tổng Thống Diệm chấp thuận cho Tướng Đôn tách Sư Đoàn 7 ra khỏi Quân Đoàn IV và đặt Sư Đoàn này dưới quyền của Tướng Đính thuộc Quân Đoàn III đó là một xếp đặt mưu tính khá công phu (từ ngày 30-10 Sư Đoàn 7 và khu Chiến Thuật Tiền Giang giã từ Quân đoàn IV). Khi cử Đại Tá Phát thay Đại Tá Đạm, ông Nhu không nghi ngờ gì cả vì Đại tá Phát cũng là chỗ “người trong nhà”

Sáng ngày 1-11 Đại tá Lâm Văn Phát chưa nhậm chức mới vì theo dự định ngày 2, ông mới phải có mặt ở Mỹ Tho.

Sự thực thì Đại Tá Có cố tìm cách trì hoãn ngày nhận nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn của Đại Tá Phát để dễ dàng nhảy xuống nắm Sư Đoàn này. Đáng lý Đại Tá Phát xuống Mỹ Tho từ ngày 31 sau khi ông từ Huế về, ông ra Huế để chúc mừng sinh nhật ông Cậu nhưng Đại Tá Có cho biết, trước khi xuống Mỹ Tho Đại Tá Phát phải vào trình diện Tướng Đính nếu không thì kẹt lắm! Mặt khác Tướng Đính cố kéo dài thời gian không cho ông Phát trình diện trước ngày 1-11-63

Đại tá Có đặt chân xuống phi trường Tân Hiệp lúc 12g30. Trung Tá Tư đã túc trực tại đây và đưa thẳng ông về Sư Đoàn. Trước đó Bộ chỉ huy nhẹ cùng với bộ phận an ninh có quân cảnh tháp tùng đã xuống Mỹ Tho bố trí sẵn. Đại tá Có mang theo thư tay của Tướng Đôn gửi cho Đại tá Đạm, ông Có mời ông Đạm vô Bộ Tư Lệnh… ông Đạm bị bắt giữ ngay lúc đó. Cuộc đảo chánh tại Sư Đoàn thế là xong… Đại tá Có gọi gấp Thiếu Tá Lộ, Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 12 (ở Gò Công) về Mỹ Tho trình diện. Thiếu Tá Vũ Lộ đều không hay biết gì cả. Khi về Bộ Tư Lệnh trình diện ông mới vỡ lẽ Đại tá Nguyễn Hữu Có thay thế Đại tá Đạm chứ không phải là Đại Tá Phát. Đại tá Có chỉ thị cho Thiếu Tá Lộ điều quân về Mỹ Tho nhưng các Tiểu đoàn của Trung Đoàn 10 đã biệt phái qua Kiến Hòa nên quân số Trung Đoàn chỉ còn hơn một Đại Đội, mặt khác Trung Đoàn II của Thiếu tá Lến cũng nhận được lệnh án ngữ từ Cầu Bến Lứt trở lên (mãi tối ngày 2-11 Trung Đoàn này mới kéo quân về Saigon để giữ an ninh Thủ đô).

Như vậy Sư Đoàn 7 đã nằm gọn trong tay Đại tá Có. Riêng ông Tỉnh trưởng Mỹ Tho, Thiếu Tá Đinh Khắc Bình bị cô lập ngay lúc đó (vì ông Bình đã từ chối khi ông Có móc nối vào cuối tháng 10).

Tại Dinh Gia Long, ngay từ lúc 2 giờ 1-11-1963 đã tìm cách liên lạc với Sư Đoàn 7. Sàigon ra lệnh gọi thẳng cho các Thiếu Tá Thanh, Lộ, Lến nhưng đều vô hiệu, đường giây đứt rồi. Dinh Gia Long vẫn còn hy vọng nơi Thiếu Tá Nguyễn Ấm, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 7 mà trước đây khi ở miền Trung vào nhậm chức, ông Ngô Đình Cẩn đã dặn kín viên bí thư Đảng Cần Lao tại Lữ Đoàn Liên Binh Phủ Tổng Thống: “Nếu Saigon có biến gọi Đạm không được thì phải tìm mọi cách liên lạc với Ấm” Nhưng ông Ấm hoàn toàn bất lực vì Sư Đoàn nằm hoàn toàn trong tay Đại Tá Có.

Những người trong cuộc từ hai phía đều cho rằng, nếu Đại tá Có không lẹ tay quyền chỉ huy Sư Đoàn 7 thì chỉ nội buổi chiều ngày 1, Sư Đoàn 7 với hai đường tiến quân. Một từ Mỹ Tho – Saigon, một từ Gò Công – Chợ Lớn băng qua cầu Nhị Thiên Đường. Với sự có mặt của hai Trung Đoàn 11 và 12, phe đảo chánh khó lòng thành công. Đại tá Có đã đóng một vai trò quyết định về về mặt trận phía Tây – Chính mặt này Tổng Thống Diệm cũng như ông Nhu luôn quan tâm và cho rằng Sư Đoàn 7 BB là một sức phản công hữu hiệu nhất khi Saigon có biến. Phe đảo chánh cũng quan tâm như vậy cho nên ông Có được lệnh phải tốc chiến tốc thắng. Khi cô lập được Đại tá Đạm, ông Có ra lịnh cho tất cả các phà phải tập trung sang phía Bắc bên Mỹ Tho để các đơn vị SĐ 9 và Trung Đoàn 12 không còn phương tiện để băng sông, Hải Quân ở Mỹ Tho cũng được lệnh rút hết về các tầu tập trung tại đây. Ngoài ra, Đại Tá Có còn nắm thêm được Trung Đoàn 2 Thiết Giáp do Thiếu Tá Lý Tòng Bá chỉ huy. Khoảng 3 giờ Dinh Gia Long gọi Trung Đoàn này về tiếp cứu thì Trung Đoàn đã nằm gọn trong tay phe đảo chánh.

Cả buổi chiều tại Dinh Gia Long, ông Nhu vẫn tin ở thế khả thắng của mình nhưng có điều, không biết ông Nhu mưu lược thế nào song mỗi lần gặp biến (như vụ 11-11-1960) khi phải lựa chọn một quyết định cuối cùng, Tổng Thống Diệm quay sang hỏi ông Nhu: “chú tính thế nào?” Ông Nhu liền đáp: “Anh làm Tổng Thống thì anh quyết định chứ. Tôi có làm Tổng Thống đâu.”.

Chiều 1-11-1963 tuy ông Nhu đóng vai chủ động song ông vẫn không có một quyết định nào dứt khoát… Ông Nhu lại nhận được tin Trung Đoàn II BB từ Long An sẽ về tiếp cứu. Cho đến lúc này, ông Nhu vẫn chưa biết Đại Tá Có đã nắm Sư Đoàn 7. Trong khi đó, TT Diệm lại cho ghi âm lời hiệu triệu đại cương trong đó nói rằng, đồng bào hãy bình tĩnh, quân đội tránh đổ máu, luôn luôn phải đề phòng Cộng Sản. Các đơn vị quân đội và địa phương đâu cứ ở đó để lo công việc chống Cộng, tuyệt đối phải dồn mọi nỗ lực đề phòng Cộng Sản xâm nhập và tất cả phải bình tĩnh đợi lệnh của thượng cấp.

Một chiếc xe Jeep phóng như lao trên đường Thống Nhất, quặt vào thành Cộng Hòa. Viên Sĩ Quan đến gặp Thiếu Tá Duệ trao cho cuộn băng ghi âm bản hiệu triệu của TT Diệm. Viên sĩ quan này nói: “Cụ ra lệnh bằng cách nào cũng phải chiếm lại đài Phát Thanh và Thiếu Tá cho phát thanh ngay bản hiệu triệu của Tổng Thống”. Thành Cộng Hòa lại gọi lên Dinh cho biết đã nhận được cuộn băng và thi hành lệnh ngay. Trước đó Trung Úy Xuân cũng đã đem quân lên chiếm Đài cùng với một Chi Đội Thiết Giáp và một Đại Đội Bộ Binh. Hạ sĩ Lễ trong Chi Đội Thiết Giáp cho biết: “Gần đến nơi, tụi tôi thấy Trung Tá Thiện chỉ huy trưởng Thiết Giáp, bọn này mừng quá, tưởng là Trung Tá Thiện mang quân đến tiếp ứng.”

Trung Tá Thiện vẫn được coi là “người trong nhà” của chế độ nên còn ai dám nghi gờ (ông Thiện vốn là bí thư đảng Cần Lao tại binh chủng Thiết Giáp thuộc Quân Ủy) “Trung Tá Thiện dơ tay vẫy chúng tôi lại… Ai dè mắc mưu, mãi sau mới biết mình “hố” to. Nếu không có cái vẫy của ông ta chúng tôi đã lấy được Đài”.

Vì nghe theo lời Trung Tá Thiện nên cả hai Chi Đội cùng xáp vô đoàn Thiết Giáp của phe Cách mạng. Sau đó, Chi Đội này được lên xa lộ. Không biết nghĩ sao, đêm mùng 1, hai chiếc Thiết Giáp tự động xé lẻ tiến về Saigon với ý định tiếp cứu Dinh Gia Long.

Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn ra lệnh hối thúc Trung Úy Xuân phải chiếm cho kỳ được Đài phát thanh. Ông Xuân vẫn không dám tiến hơn, xin tiếp ứng. Trung Sĩ Lung thuật lại: Mục tiêu chính yếu của bọn tôi lúc ấy là chiếm đài. Anh em TQLC kể như là bạn rồi, Thiếu Tá Duệ gọi Trung Úy Bảo vào nhận lệnh và trao cho ông Bảo cuộn băng “Dầu anh có phải hy sinh cũng phải đi ngay bây giờ” – Xuân nó lo việc chiếm Đài xong việc đầu tiên là anh cho phát thanh ngay. Tôi cho Trung Sĩ Trí theo anh.

Trung Úy Bảo đáp: “Từ đây lên Đài gay quá, xin Thiếu tá cho tôi vài Thiết Giáp mở đường”.

Thiếu Tá Duệ trả lời: “Anh vào Sở Thú hỏi Đại Úy Lễ, Thiết Giáp ở trên ấy cả, còn chần chờ gì?” Chiếc xe jeep của Trung Úy Bảo lại rồ ga qua sân ra đường Thống Nhất rồi vào Sở Thú. Lúc ấy trong thành Cộng Hòa quân số chưa tới 100 lính.

Để tránh pháo kích, Bộ Chỉ Huy cho một Đại Đội qua đóng ở Dinh Đại Tướng Tỵ. Hạ Sĩ Lễ nói: “ở đây là an toàn nhất vì chắc chắn phe cách mạng sẽ không dám pháo kích vào tư dinh của Đại Tướng” Một Đại Đội khác lúc ấy đóng ở Sở Thú, chung quanh trường Trưng Vương, Võ Trường Toản và Nha Trung Tiểu Học.

Sau khi chỉ thị cho Trung Úy Bảo đưa cuốn băng hiệu triệu lên Đài Phát Thanh, Thiếu Tá Duệ liên lạc thẳng với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7.

Cuộc điện đàm giữa thành Cộng Hòa và Sư Đoàn 7 chỉ có vắn tắt mấy lời:

– Thành Cộng Hòa: Anh Ấm đấy à – Duệ đây… Anh cho quân về gấp.

– Sư Đoàn 7: Vâng Ấm đây… Tôi không biết làm thế nào nữa anh ạ. Lúc này khó lắm.

Điện thoại cúp ngang. Cũng vào khoảng thời gian này Trung Tướng Đôn điện thoại cho Đại Tá Có gởi quân tăng cường cho phe đảo chánh. Ông Có cấp tốc gởi Trung Đoàn 12 và Trung Đoàn 11 BB về Saigon. Đại Tá Có tuy nắm được Trung Đoàn 11 BB nhưng vẫn còn nghi Thiếu Tá Lến Trung Đoàn trưởng nên đường tiến quân về Saigon, Thiếu Tá Lến phải ngồi chung xe với Thiếu Tá Bá và ông Bá mới là chiến đoàn trưởng.

ĐÀI PHÁT THANH SAIGON

Khi Trung Úy Bảo đến Sở Thú gặp Đại Úy Lễ và xin cho Thiết Giáp đi theo lên đài. Ông Lễ cho biết: “Ở đây bọn này làm gì có Thiết Giáp. Vỏn vẹn có 80 mạng Thiết Giáp ở đâu ra?” Trung Úy Bảo gọi về Bộ Chỉ Huy xin chỉ thị mới nhưng Thiếu Tá Duệ dằn giọng: “Dù không có Thiết Giáp cũng phải liều mạng mà đi. Phải sống chết với cuộn băng đó“. Cũng giờ phút này trên Dinh Gia Long chia thành ba bộ phận. Bộ Chỉ Huy quân sự đứng đầu là Thiếu Tá Lạc, Thiếu Tá Hưởng. Bộ phận đầu não vẫn là ông Nhu bên cạnh ông là Cao Xuân Vỹ. Bộ phận khác bên Tổng Thống Diệm có vẻ bình thường. Theo Đại Úy Hoàn “bọn tôi vẫn vui như Tết… quây quần quanh Tổng Thống có tôi, 3 sĩ quan tùy viên và ông già Ẩn”. Lúc đầu thì có Y Sĩ Đinh Xuân Minh, Trung Tá Kỳ Quan Liêm, ông Võ Văn Hải đến thăm ông Diệm rồi ra về, ông Quách Tòng Đức cũng thế. Tổng Thống Diệm hút thuốc liên miên. Theo nhân chứng, lúc đầu Tổng Thống Diệm giao động sau bình tĩnh ngay. Ông Nhu thì trầm ngâm, mặt đen sạm, trán nhăn nheo. Ông gọi điện thoại cho Bộ Trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu: “Toa liên lạc ngay với các ông Bộ Trưởng, dặn các ông Bộ Trưởng phải ẩn đi một nơi đừng lên Bộ Tham Mưu tụi nó đánh lừa đó”.

Việc chiếm Đài Phát Thanh thì Trung Úy Bảo, Trung Úy Trí liều mạng vọt xe qua ngã Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn từ xa Trung Úy Bảo đã thấy một nòng khẩu đại bác chúc xuống ở thế bắn ngang… khẩu đại bác này đặt trong vòng thành Nha An Ninh Quân Đội. Bảo biết ý nên ra lệnh cho tài xế rồ hết ga vọt bạt mạng. Một tiếng nổ véo, chiếc xe jeep của ông Bảo bị bắn nổ lốp sau. Chiếc xe chao đi chao lại như con hổ bị thương. Nhờ tài xế vững tay lái nên xe không bị lật, ông Bảo và Trí nhẩy xuống xe và chạy thục mạng về phía đài viễn thông. Hai người leo qua tường nhảy bắn vào cây chuối, ông Bảo té nhào nằm ngất xỉu ít phút. Hai người lại hè nhau chạy thục mạng về phía đài rồi lẩn mình vào phía cửa sau. Cửa vẫn đóng kín mít. Hai người lộn lại cửa sau chạy vượt ra cửa trước. Một sự im lặng ghê rợn chết chóc. Một vài người lính của Lữ Đoàn giơ tay vẫy ông Bảo chạy về phía đó. Trung Úy Xuân đang đứng trước cửa tiệm phở 44, phố xá vắng teo.

Một vài cánh cửa sổ hé mở, dân chúng ngấp nghé quan sát. Hai Thiết Giáp của Lữ Đoàn đậu phía trước đài khoảng cách khá xa.

Trung Úy Bảo chưa hiểu rõ tình hình. Ông Xuân nói: “Tụi nó đang ở trên đó”. Bảo hỏi: “Sao không đánh vô, còn chờ gì?” Xuân ngập ngừng, lắc đầu… Cánh quân của Trung Úy Xuân trước đó đã lấy được Đài một cách ngon lành, nhưng lại chỉ chiếm được tầng dưới.

Sau này, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo thuật lại: lúc ấy ông chỉ có vào khoảng trên dưới một Tiểu Đội. Khi Thiết Giáp và lực lượng của Lữ Đoàn kéo tới , lính của ông Thảo rút hết lên lầu. Ông Thảo kể lại với Bảo: “thấy các toa đến tụi này hoảng quá đi. Lúc ấy chỉ cần một trung đội cứ xông vô đại, tụi moa đành khoanh tay chịu chết”

TRÊN LẦU, DƯỚI NHÀ

Lúc ra đi, Trung Úy Xuân cũng như ông Bảo, ông Trí đều được dặn dò:

– Thay đổi được tình hình hay không là do chỗ chiếm được hay không chiếm được Đài Phát Thanh.

Từ Dinh Gia Long, ông Nhu bóp đầu nhăn trán vì Đài Phát Thanh vẫn chưa chiếm lại được. Ông bảo một sĩ quan tùy viên: “Phải làm moi cách chiếm cho bằng được… Nếu không các địa phương sẽ mất hết tinh thần. Cứ để nó phát thanh mãi như thế các đơn vị rồi đây sẽ theo nó hết”.

Trung Úy Xuân gọi về thành Cộng Hòa cho biết: “Bọn nó rút hết lên lầu rồi. Tầng dưới bỏ không”. Một sĩ quan đề nghị dùng hỏa lực tấn công trước bắn cho sập lầu 2. Trung Úy Bảo không đồng ý : “Mục đích của mình là chiếm đài để cho phát thanh lời hiệu triệu của Tổng Thống. Bắn sập, hư hết máy móc thì còn làm được cái gì”

Mọi người cứ dùng dằng mãi, ông Nhu thì trông ngóng. Giữa lúc ấy tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Phan Đình Phùng có hai ba xe jeep của Trung Tâm Vạn Kiếp (Vũng Tàu) thuộc quyền Trung Tá Vĩnh Lộc. Trung Úy Bảo thấy khả nghi, tiến lại hỏi: “Trung Úy Thơm phải không? Đi đâu mà coi bộ quân lương mang theo đầy đủ vậy.” (Thơm là sĩ quan phòng V của Trung tá Vĩnh Lộc) Ông Thơm nói:

– Bọn này đi công tác…

Sau này nhân chứng mới biết, toán quân của Thơm cũng có phận sự về chiếm Đài Phát Thanh. Lúc ấy Bộ Chỉ Huy thành Cộng Hòa, Thiếu Tá Duệ nhận được lệnh từ Dinh Gia Long : “Phải hết sức bình tĩnh tránh đổ máu với TQLC… Phải chờ lệnh Cụ… Cụ đang thu xếp, điều cần là phải lấy lại đài phát thanh”. Bộ Chỉ Huy thành Cộng Hòa gọi về Dinh Gia Long: “Xin Tổng Thống qua Dinh Độc Lập… Tránh pháo kích. Nếu Tổng Thống cho lệnh xin bỏ ngỏ thành Cộng Hòa và rút về Dinh Độc Lập”.

Đại Úy Lê Công Hoàn tại Dinh Gia Long cho Thiếu Tá Duệ biết: “kể từ 5 giờ chiều trong Dinh không còn một nhân vật dân sự nào. Theo lời Tổng Thống, mấy nhân vật dân sự đều rút hết sau khi vấn an Tổng Thống “

TRONG CƠN ĐAU

Đại Úy Lê Công Hoàn hỏi Đại Úy Thọ: “Ông chú của cậu (Đại Tá Đỗ Mậu) đã theo đảo chánh rồi mà… cậu tính thế nào?” Thọ còn ngơ ngẩn chưa biết nói sao thì Đại Úy Hoàn lên tiếng: “việc đó xảy ra như thế, thôi bây giờ mày về nhà đi. Nếu đảo chánh thành công thì không nói làm gì. Nếu thất bại mày yên trí có tao ở trong này bào đảm cho mày”. Đại Úy Đỗ Thọ suy nghĩ một lát rồi nói: “Tôi chả đi đâu hết sống chết cũng ở bên cạnh Cụ. Chú tôi, ông phản Cụ thì mặc ông ấy, tôi đâu có dính dấp gì. Mỗi người mỗi phận” Thọ nói tiếp với Hoàn: “Chị ruột của tôi theo Cộng Sản tôi còn chả bị Tổng Thống nghi ngờ huống chi ông Đỗ Mậu… Tôi không làm chính trị cũng chẳng đảng phái chi hết. Tôi theo Tổng Thống là tôi theo trung thành đến phút chót” Đỗ Thọ mồ côi mẹ, có hai người em trai mà anh ta phải nuôi dưỡng. Chị ruột Đỗ Thọ là một người có nhan sắc thì đã trở thành cán bộ Cộng Sản.

Lúc đầu, khi súng nổ, người trong Dinh đã có nghi ngờ Đỗ Thọ nhưng sau đó thì không ai quan tâm. Thọ tâm sự với Hoàn: “nếu tôi theo phe đảo chánh thì tôi ở nhà chứ mang thân vào đây làm gì “…

Cũng vào giờ này (5 giờ ngày 1-11) Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân đang tập trung ở Bến Tầu Saigon đợi lên đường đi Dục Mỹ, bất ngờ nhận dược lệnh của Dinh Gia Long phải cấp tốc đem quân về bảo vệ Tổng Thống. Nhằm vào ngày lễ, đơn vị lại ở trong tình trạng chờ ngày lên đường nên các sĩ quan không có mặt tại bộ chỉ huy ngoài Chuẩn Úy Anh. Nhận được lệnh Chuẩn Úy Anh hoàn toàn bối rối vì không biết phải làm thế nào? Tiểu đoàn trưởng là Đại Úy Sơn Thương lại không có mặt tại đơn vị. Rồi muốn tiến quân thì xe đâu mà chuyển .

Dinh Gia Long lại ra lệnh: “Phải tìm mọi cách, hãy trưng dụng tất cả các xe cộ của Thông Vận Binh hiện nay đang có mặt ở bến tầu. Nếu không thì trưng dụng xe taxi, xe vận tải…”. Chuẩn Úy Anh vác súng đến Thông Vận Binh, mặt khác cho Tiểu Đoàn tập họp.

Do một tình cờ hiếm hoi, ông Anh là một Chuẩn Úy lại trở thành đơn vị trưởng “tạm thời” của Tiểu Đoàn. Chuẩn Úy Anh cảm thấy vô cùng hào hứng vì bỗng nhiên anh lại được cơ hội ngàn vàng để thi thố tài năng. Sau khi đã trưng dụng xe và tập họp xong Tiểu Đoàn, Chuẩn Úy Anh gọi lên Dinh Gia Long. Sơn Thương nguyên là một sĩ quan Nhảy Dù và rất quen với chiến trận cho nên, cuộc tiến quân đối với ông được xem là như đi dạo. Viên Hạ Sĩ cận vệ của một Đại Đội trưởng, tay cầm súng chạy lao lên hàng đầu.

Cánh quân lặng lẽ nép vào hai bên hè phố tiến về phía đường Lê Thánh Tôn. Viên Hạ Sĩ nói với Trung Úy Đại Đội Trưởng: “Lần này cứu được Tổng Thống thế nào thầy trò mình cũng có cái mề đay đeo chơi”.

Hạ Sĩ Bồng tâm sự, làm lính trong Dinh cực lắm ông ơi. Người anh tôi cũng ở trong đó… chỉ muốn xin ra đơn vị chiến đấu mà không được.

Mỗi tháng cho tôi thêm mấy ngàn tôi cũng xin chịu… Ai dại gì chôn chân trong bốn bức tường. Lại không được một ân huệ gì. Tôi thí dụ trường hợp anh chàng Thượng Sĩ Vệ bạn của anh tôi… Viên Hạ Sĩ Bồng tiếp lời: “Cái Luật Gia Đình của bà Nhu gì mà kỳ cục quá. Thượng Sĩ Vệ trong LĐPVTT lại là nạn nhân của Luật Gia Đình. Nhân dịp biệt phái ra Huế anh chàng Vệ tằng tịu với một cô gái Sông Hương. Nói đúng hơn anh ta bị người đẹp cho vào mê trận hồn. Sau đó, gia đình nàng bắt lập hôn thú nếu không sẽ làm lớn chuyện. Lính trong Dinh rất sợ những vụ như vậy sẽ đến tai Tổng Thống cho nên anh chàng Thượng Sĩ Vệ phải nhắm mắt. Rồi ít lâu sau đổ bể, anh bị truy tố ra tòa án Quân Sự Huế về tội song hôn. Tòa phạt 3 tháng tù và bị giam ở quân lao Mang Cá Nhỏ. Mãn tù trở về LĐPVTT, Lữ Đoàn cho giải ngũ lập tức. Hiện giờ Vệ đang bị thất nghiệp giải ngũ lại mang án làm sao kiếm lại việc!” Hạ Sĩ Bồng đang trò chuyện thì có lệnh di chuyển, một toán Biệt Động Quân tiến lên… rẽ vào đường Lê Thánh Tôn để tiếp ứng Dinh Gia Long. Bỗng một loạt đại liên nổ vang. Bốn BĐQ ngã quị.

Thấy lính trong Dinh nổ bất tử làm thiệt 4 mạng. Đại Úy Sơn Thương nhào lên vẫy tay. Phía bên Biệt Động Quân hô lớn: “Quân mình đó đừng có nổ súng, BĐQ về cứu Tổng Thống” Lúc ấy lính trong Dinh mới vỡ lẽ.

Tiểu Đoàn BĐQ của Sơn Thương được chỉ định về bố trí tại Bưu Điện. Cả đêm 1-11, Tiểu Đoàn này bất động vì không có lệnh đánh ai cả. Phía quân cách mạng cũng không tấn công. Phía Dinh Gia Long cũng chỉ cho biết “cứ nằm đó đợi lệnh”. Phe Cách mạng được mật báo có Tiểu đoàn 34 BĐQ đang án ngữ vùng Bưu Điện cho nên tờ mờ sáng, Tướng Đôn viết thơ tay gửi cho Đại Úy Sơn Thương. Đại Úy chiêu hồi Sơn Thương đứng về phe cách mạng – dĩ nhiên lúc ấy tiểu đoàn BĐQ theo ngay vì mọi sự đã xong. Sau này, các tướng tá tham gia đảo chánh đều được tưởng thưởng mỗi người một cấp. Sơn thì không. Trong thư gửi cho Đại Úy Sơn Thương Tướng Đôn có hứa tưởng thưởng cho BĐQ nếu Tiểu Đoàn này theo phe Cách Mạng do đó Sơn Thương khiếu nại. Đại Úy Sơn Thương được thỏa mãn ngay để gọi là công lao CM được chia đều. Riêng Chuẩn Úy Anh thì lao đao… Sau phải lãnh mấy chục ngày trọng cấm vì tội dùng khí giới áp đảo và trưng dụng xe Thông Vận Binh.

8 giờ tối, Thiếu Tá Duệ ở thành Cộng Hòa nhận được cú điện thoại của Tổng Thống Diệm. Đại ý Tổng Thống ngỏ lời cảm ơn sự trung thành của quân nhân thuộc Lữ Đoàn. Tổng Thống Diệm nói: “Vào giờ phút quyết liệt này Tổng Thống mới biết rõ ai là người tốt ai là kẻ xấu. Tổng Thống hết lòng cảm ơn các con đã bảo vệ Tổng Thống”. Sau đó thành Cộng Hòa nhận được tin Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã ra đi.

Bây giờ thì như rắn mất đầu, biết nghe lệnh ai? Trước đây sĩ quan cao cấp trong Lữ Đoàn đã hỏi Tổng Thống Diệm nếu khi có biến, gặp đến lúc không có Tổng Thống và ông Nhu thì hỏi lệnh ai, họ được chính Tổng Thống căn dặn: “Khi có biến không có Tổng Thống và ông Nhu thì xin lệnh của Tướng Đính hay Tướng Khiêm”.

Khoảng 9 giờ thành Cộng Hòa bị pháo kích như mưa. Con số bị thương đã lên 30 người tức là gần nửa số quân chiến đấu. Thượng Sĩ Nguyễn cho biết : “Thiếu tá Duệ cho họp các sĩ quan lại tại BCH và hỏi ý kiến nên giữ thành hay bỏ thành” Một số khác yêu cầu rút lên Dinh Gia Long. Nhân chứng thì cho rằng: “Cứ ở mãi trong thành thì sẽ chết hết vì pháo kích”.

Một sĩ quan phòng III lên tiếng: “Nếu ở lại cố thủ chiến đấu thì cũng được nhưng cho đến giờ phút này có đạo quân nào của phe đảo chính tấn công mình đâu? Vậy thì đánh với ai chi bằng “chém vè” để tránh pháo kích. Hơn nữa Tổng Thống đã đi rồi còn giữ thành làm chi”. Mấy Hạ Sĩ Quan khác lại cho rằng: “Tuy Tổng Thống đã ra đi nhưng vẫn chưa có lệnh cho bọn mình rút lui, xin Thiếu Tá cứ để chúng tôi lo cố thủ”.

Vào khoảng 11 giờ, thành Cộng Hòa đã ăn khoảng 400 trái 105 ly.

Con số bị thương tăng lên 40 người. Bộ Chỉ Huy quyết định: “Bỏ ngỏ thành Cộng hòa tìm cách di tản thương binh, còn ai muốn đi đâu thì đi. Nếu tìm cách lên được Dinh Gia Long thì tốt nhất”. Lúc ấy mọi người đã kiệt sức vì chưa ai ăn uống gì, không có cả nước uống.

Khoảng 12 giờ, thành Cộng Hòa bỏ ngỏ. Từng tốp nối đuôi nhau chạy thoát thân dưới làn đạn trọng pháo. Duy có y sĩ trưởng tức Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cùng mấy y tá, một số thương binh ở lại. Cũng có một số quân nhân và Hạ Sĩ Quan gan dạ nhất quyết không chịu ra đi. Tổng kết từ 13g30 đến khoảng 9, 10 giờ tối có khoảng 45 quân nhân bị thương và 6 người thiệt mạng vì trọng pháo trong suốt trận đánh.

TỪ ĐÀ LẠT ĐỢI LỆNH

1 giờ 30 ngày 1-11 súng nổ tại Saigon thì cũng ngay giờ đó tại Dinh số 1 và số 2 ở Đà Lạt vẫn yên tĩnh như thường lệ. Khi biết tin Saigon có đảo chánh, Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp cho biết: “Những người gần ông Nhu nhận được tin này không một ai ngạc nhiên. Có thể nói chúng tôi chờ đợi đã cả tháng.” Đại Úy Hạp, Sĩ Quan tùy viên của ông Cố Vấn Nhu gọi điện thoại về thẳng Saigon, hỏi ông Nhu: “Bây giờ chúng cháu ở trên này phải làm thế nào?”

Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp buông máy gật gù “Đợi lệnh!” ông Hạp nói với một sĩ quan: “Ông Cố vấn bảo tôi, mọi sự cứ làm như thuờng lệ“. Tuy nhiên, lực lượng Lữ Đoàn Phòng Vệ trên Đà Lạt cũng lo việc bố trí canh phòng. Buổi chiều ông Hạp lại gọi điện thoại về Saigon lần nữa. Lần này ông Nhu chỉ nói vắn tắt: “Mọi việc cứ như thường“. Trong tay Đại Úy Hạp lúc ấy có 4 Thiết Giáp với quân số khoảng 50 người.

Ông Hạp mới lên Đà Lạt từ sáng 30 cùng đem theo 3 người con của ông Nhu gồm Trác, Quỳnh, Lệ Quyên và một chiếc valise. Chiếc valise ấy sau này trở thành một “trung tâm” thu hút bao nhiêu cặp mắt tinh đời.

Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp cũng như Trung Úy Sung, sĩ quan hầu cận được coi là những người sống gần bà Nhu hằng ngày trong nhiều năm.

Vào ngày 22-10 do một “đường giây” đặc biệt, ông Nhu được loan báo khá đầy đủ về kế hoạch đảo chánh do bộ ba Đôn, Kim, Xuân. Đường giây này còn cho biết ngày giờ nào, Cabot Lodge sẽ gặp một tướng lãnh ở đâu. Người chung quanh ông cũng lấy làm lạ tại sao Đại Tá Tung đã báo cáo: “Phải coi chừng Phạm Ngọc Thảo và Đỗ Mậu” song Phạm Ngọc Thảo vẫn ra vào văn phòng ông Nhu hàng ngày nhất là từ trung tuần tháng 10. Một lần ông Nhu nói chính với Trung Tá Phạm Ngọc Thảo “Bọn họ thì biết cái gì mà làm. Mỹ nó bảo sao nghe vậy”. Trung Tá Phạm Ngọc Thảo ngồi nói chuyện với ông Nhu hàng giờ và một ngày có khi Trung Tá Thảo xin gặp ông Nhu hai ba lần.

Giới thân cận có nghe tin Trung Tá Phạm Ngọc Thảo sắp thay Đại Tá Mậu làm Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội mà trước đây đáng lẽ do Trung Tá Huỳnh được cử thay thế. Giới chức thân cận ông Nhu vẫn thường nhắc nhở với nhau: “Coi chứng ông Mậu nghen. Khả nghi“. Khi nghe thuộc cấp báo cáo về Đại Tá Mậu ông Nhu chỉ nói nhát gừng: “Nó thì mần ăn được cái gì. Lo là lo ba cái thằng Mỹ đó “.

Kể từ trung tuần tháng 10, Cabot Lodge gặp ông Nhu luôn. Có khi cuộc hội kiến kéo dài 1, 2 giờ. Những lần hội kiến như vậy, ông Nhu đều cho ghi âm một cách kín đáo. Sau đó cho người dịch lại để ông phân tách, đắn đo từng lời của Cabot Lodge. Ông Nhu vẫn thường nói với một số sĩ quan thân cận như Trung Tá Đằng, Trung Tá Khôi, Đại Tá Tung… “Cabot Lodge nguy hiểm lắm. Coi chừng bọn CIA… bây giờ đâu cũng có lận”. Rồi mỗi khi nhắc đến Hilsman, người đầu não của cơ quan “Việt Nam Task Force” ông Nhu thường nói với mấy Bộ Trưởng như ông Ngô Trọng Hiếu, Trương Công Cừu: “Cái thằng con nít đó (chỉ Hilsman) coi chừng có ngày mình chết với nó đấy nghe! Kể cả Kennedy nữa. Kennedy cũng vẫn bị CIA xỏ mũi dắt đi”.

Vào khoảng tháng 9, tháng 10, ông Nhu gặp Đại Sứ Lalouette luôn luôn. Cuộc gặp gỡ chỉ có hai người và kéo dài cả 2, 3 giờ đồng hồ.

Cách đó ít lâu, khi săn cọp ở Phan Rang, ông Nhu nói với Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt:

– Cabot Lodge sang đây mình sẽ mất đi nhiều viện trợ. Mình phải lo mà tự lực càng sớm càng tốt. Người Pháp hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam.

Từ dạo đó, Đại Sứ Lalouette hay đến thăm ông Nhu. Mỗi lần gặp nhau, hai người tỏ vẻ tương đắc như đôi bạn tâm giao.

Thường hay tháp tùng ông Nhu đi săn cọp tại khu rừng già Phan Rang, chưa có lần nào Đại Úy Hạp thấy ông cố vấn Nhu tiếp xúc với VC tại vùng này. Song sự tiếp xúc với Cộng Sản Bắc Việt đã diễn ra ngay tại Saigon và trong mấy tháng liền. Cuộc tiếp xúc gần như định kỳ mỗi tháng 2, 3 lần. Có lần khi trở về Dinh ông Nhu rất tươi vui. Có lần ông đăm chiêu cau có.

Lần tiếp xúc cuối cùng với đại diện của Bắc Việt đã diễn ra vào ngày 21, 22 tháng 10-1963. Khoảng 7 giờ tối hôm đó, ông Cố Vấn Nhu cho gọi Đại Úy Hạp vào Dinh bảo sửa soạn để ông đến dùng cơm chiều với ông Đại Sứ Ấn Độ Ram Chundur Goburdhun tại Ủy Hội Quốc Tế. Ông Goburdhun khoảng 50 tuổi (người đảo Maurice Ấn Độ tốt nghiệp cử nhân luật khoa tại đại Học Lille, cùng là bạn học cũ của ông Nhu khi hai người còn du học tại Pháp). Đại Sứ Ấn Độ vốn là một nhà ngoại giao khôn khéo, lanh lợi, ăn nói rất bặt thiệp đã từng phục vụ tại Rabat (Maroc) Tunis (Tunisie) cũng như tại Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.

Từ khi đến Saigon, tân Đại Sứ Ấn trở thành trục nối giữa Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi khi đi Hanoi về, có tin tức gì, ông Đại Sứ Ấn lại vội vã đến thông báo cho ông Nhu. Hoặc mỗi lần có mang theo “khách lớn” từ Hà Nội thì ông Đại Sứ Ấn Độ lại tổ chức bữa cơm chiều tại tư dinh, ông cố vấn Nhu trở thành thượng khách.

Đại Úy Hạp tò mò theo dõi thì lần nào cũng chỉ có ba người dùng cơm với nhau: Ông Nhu Đại Sứ Ấn và một nhân vật quan trọng theo Đại Úy Hạp.

Nhân vật này, mặt mũi rất sáng sủa, rất trí thức, có lần mặc complet, có lần mặc áo lãnh tụ Cộng Sản song lần nào ông ta cũng gài ở trên túi áo ngực một ngôi sao vàng trên nền đỏ.

Bữa cơm vào cuối tháng 10 kéo dài đến 11 giờ khuya, khi ông Nhu ra về thì chỉ có Đại Sứ Ấn ra tiễn chân ông ở cửa.

Trước đó trong dịp đi săn cọp ở Phan Rang, ông Nhu đã nói thẳng với ông Phước mà Đại Úy Hạp nghe được đại khái: “Mỹ họ gây cho mình nhiều khó khăn quá. Ngoài Bắc Việt họ tính chuyện hòa hoãn với mình. Mình cũng nên tìm cách hòa hoãn với họ trong một giai đoạn xem sao”. Ông Cố vấn Nhu cũng tỏ ý như vậy với Trung Tá Đường vào một lần giữa năm 1963 khi ông đến Bình Tuy săn cọp.

Ngày 26-10-63, phe đảo chánh không ra tay được vì ông Nhu đã được báo trước, ông Nhu phàn nàn:

– “Cứ dùng dằng mãi nó làm tới bây giờ đây này Nó làm tới thì trở tay không kịp chết hết cả đám” Ông Nhu lại uống từng ly Martell, lạnh lùng: “Tất cả những người chung quanh mình yếu quá”. Rồi ông Nhu lại phàn nàn: “Nói mãi mà ông Cụ không nghe, biết làm thế nào?”

Một số kế hoạch của ông Nhu đệ trình lên Tổng Thống Diệm không được chấp thuận kể cả việc thay thế Đại Tá Đỗ Mậu, TT Diệm cũng không chịu.

Về việc này TT Diệm nhăn mặt nói với mấy người thân cận như Đại Úy Bằng: “Các người chỉ lắm chuyện… Đỗ Mậu nó có lỗi gì đâu” Về kế hoạch hòa hoãn với Bắc Việt, Tổng Thống Diệm vì nể ông Nhu tuy công khai phản đối song Tổng Thống Diệm lại nói “Cứ để đấy xem tình hình như thế nào hẵng hay”.

Sau ngày 26-10-1963, ông Nhu quyết định xuất ngoại, ông bắt đầu uống nhiều Martell trong một đêm, một hiện tượng chưa từng thấy. Mặt ông nặng chĩu lo âu và bẳn gắt. Vẫn đường giây đặc biệt đã gửi đến ông một bản báo cáo đặc biệt và khá đầy đủ trong đó khuyến cáo ông nên tạm thời xuất ngoại. Những ngày cuối chế độ, giới thân cận chưa từng thấy ông Nhu lầm lì như vậy. Bao nhiêu toan tính song vẫn đành khoanh tay trước cơn bão táp.

Cuối tháng 10-1963, nhân ngày lễ, các con ông như Trác và Quỳnh, nội trú trường D’Adran Lasan về Saigon nghỉ. Sáng 30 thì chúng phải trở lại Đà Lạt.

Trong khi đó, ông Nhu cũng sửa soạn xong hành lý để ra đi, không hiểu lộ trình của ông sẽ đi đến đâu. Ấn Độ, Tunis, Rabat… Luân Đôn rồi Paris, ông Nhu đã sắm sửa 12 bộ quần áo mới kể cả áo pardessue.

Nếu không có sự cản trở của Tổng Thống Diệm vào phút chót, có thể ông đã lên đường vào ngày 28. Theo Đại Úy Hạp cũng như một số người thân cận quanh ông, ông Nhu bắt đầu lo lắng, kể từ giữa tháng 10, ông thường nói với một số Bộ Trưởng thân tín như Bộ Trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu: “Bọn Mỹ nó muốn mình như Cao Ly. Âm mưu của nó là dựng lên một chính phủ quân sự. Nếu đảo chánh thì nó sẽ cho mấy anh tướng lên cầm quyền từ đây đến 15 năm sau là ít. Nếu có khá lắm thì cũng như chế độ của Phibul Songram của Thái Lan. Rồi các anh coi”. Những ngày cuối cùng, ông Nhu bắt đầu cởi mở.

Đêm 30-11, Trung Úy Sung thuật lại: ông Nhu bảo gọi Đại Úy Hạp vào ngay để ông biểu. Khi nhân chứng gọi điện thoại cho ông Hạp, ông này còn lừng khừng “Cơm đã chứ, tôi ăn xong vào được không?” Hỏi lại ý ông Nhu, ông bảo phải vào ngay, khỏi cần ăn cơm nhà.

DÙNG DẰNG NỬA Ở NỬA ĐI

Khi Hạp cùng mấy anh em vào phòng riêng của ông Nhu thì ông chỉ ghế mời ngồi rồi gọi ông già Tường, quản gia:

– Làm hai ly Martell cho các chú ấy uống đi.

Tay ông Nhu vẫn cầm ly rượu. Trán ông thỉnh thoảng nhăn lại, cằm ông bạnh ra. Đây là lần thứ nhất, nhân chứng cũng như Đại Úy Hạp được cái hân hạnh cụ Nhu chỉ ghế mời ngồi và cùng nhay “cụng ly”. Chưa ai dám lên tiếng. Ông Nhu đã than thở: “Quyết định đi thì ông Cụ không cho đi. Giữ ở lại thì ông cũng không chịu nghe…”

Rồi ông Nhu yên lặng một lúc lâu. Đại Úy Hạp lên tiếng: “Ông cố vấn kêu chúng cháu vô đây có việc gì?” Ông Nhu khẽ thở dài rồi yên lặng nhìn hai người một lúc lâu, mới nói: “Sáng mai, các anh đưa mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt dùm tôi.” Hạp hỏi: “Ông Cố vấn không đi?” Suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Chắc là không đi được“. Rồi lại yên lặng hàng 10 phút ông Nhu mới lên tiếng, bảo Đại Úy Hạp: “Lấy hết quần áo về chưa? Cứ sắp xếp sẵn… khi nào cần thì bảo”

Đại Úy Hạp hỏi: “Bao giờ chúng cháu đưa hai cậu và em Quyên về?” Ông Nhu thủng thẳng đáp nhát gừng: “Bao giờ gọi điện thoại thì về

Rồi lại yên lặng… lát sau ông nói một mình vu vơ: “Nghe thì không nghe, đi thì không cho đi. Tụi nó làm tới bây giờ rồi tính sao. Khó cho tao quá đi”.

Đại Úy Hạp ngồi yên lặng vì không biết phải nói gì hơn. Ông Nhu ngồi lặng thinh khoảng 30 phút như một pho tượng. Tay vẫn cầm ly Martell. Ông Nhu nằm ngả người ra ghế tựa, uống đến ly Martell thứ ba, ông ngồi như thế lặng lẽ từng giờ.

Bỗng ông Nhu ngồi nhổm dậy, nét mặt chảy dài nói vu vơ: “Chà… mẹ con nó đi hết rồi”. Ông Nhu quay lại hỏi Đại Úy Hạp:

– Mười ngàn tôi đưa Đại Úy còn không? Hạp đáp: “Thưa ông Cố vấn đã hết từ lâu rồi“. Đại Úy Hạp vẫn thường tâm sự với ông già Tường, Trung Úy Sung: “Ông cố vấn tiêu xài kỹ quá đi. Từ khi bà đi ngoại quốc thì ông ở nhà lo việc chi tiêu. Đưa cho ai đồng nào, ông Cố Vấn bắt ghi từng mục”. Đưa cho Hạp mười ngàn. Hạp tiêu xong lại phải trình bản kết toán đầy đủ chi tiết.

Ông Nhu hỏi Hạp:

– Bây giờ đưa bọn nhỏ lên Đà Lạt thì cần bao nhiêu mới đủ chi dùng? Hỏi rồi ông Nhu đáp liền: “Thôi đưa Đại Úy 15 ngàn đủ chứ?”

Hạp hỏi ông Nhu: “Thưa ông các cậu đi bằng máy bay nào? Đi AirVN cho tiện được không?” Ông Nhu trầm ngâm rồi lắc đầu: “Đi Air VN nguy hiểm lắm. Nó đi thẳng, bắt mấy đứa nhỏ làm con tin thì sao?”

Ông Nhu bảo Hạp liên lạc với Đại Tá Hiển để lấy máy bay của KQVN cho chắc chắn.

Lặng thinh một lúc lâu bỗng ông Nhu đứng lên lấy hai khẩu súng kiểu 22 loại không gây tiếng nổ trao cho Hạp, ông Nhu khoe: “Họ mới biếu moa. Cho Hạp một khẩu. Loại súng này đặc biệt lắm. Để ở nhà sợ thằng Trác nó bắn bậy bạ”. Rồi ông Nhu lại con cà con kê một lúc lâu.

ĐỨA TRẺ THƠ

Tình hình Đà Lạt vào ngày 1-11 vẫn như vô sự. Đại Úy Hạp và Hữu vẫn đi phố xem xét tình hình như thường lệ. Ông Hạp cho 4 chiếc Thiết Giáp đi tuần tiễu quanh phố. Tình hình biến chuyển đột ngột. Sáng ngày 2, Trường Võ Bị Đà Lạt trở thành Tổng Hành Dinh của phe đảo chánh gồm Trung Tá Trần Ngọc Huyến và Thiếu Tá Ngô Như Bích. Ông Trần Văn Phước vẫn trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm.

Rút kinh nghiệm vụ đảo chính hụt 11-11-1960, ông Huyến chỉ “ra tay” khi được tin thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long thất thủ. Ngay sau đó, ông Trần Văn Phước, Thị Trưởng Đà Lạt bị phe Trung Tá Trần Ngọc Huyến bắt giữ tại trưởng Võ Bị. Điều quan trọng đối với phe ông Huyến là làm thế nào bắt được ba đứa con của ông Nhu. Một vài người khác thì có máu tham thì lại đặc biệt lưu ý đến chiếc valise mà Đại Úy Hạp mang từ Saigon lên từ ngày 30.

Phía đầu giây bên kia ông Phước gọi cho Đại Úy Hạp: “Anh mang Quỳnh, Trác, Quyên vào đây cho tôi” Ông Hạp quay lại nói với Đại Úy Hữu: “Không hiểu như thế nào, giọng ông Phước lại hơi run run, ngắt quãng. Có lẽ đã bị bắt”. Tuy vậy, ông Hạp cũng hứa sẽ đưa ba đứa nhỏ vào ngay. Mặt khác, ông Hạp lại cho người lên trường Võ Bị do thám và xin gặp ông Phước thì ở đây cho biết không thể gặp ông Phước được. Đại Úy Hạp bắt đầu nao núng.

Đại Úy Hạp và Hữu cùng quyết định đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu đi trốn. Để làm kế nghi binh, nhân chứng cho xe Mercedes chạy vòng quanh thành phố cứ làm như trên xe có ba đứa nhỏ. Trong khi đó, Hạp, Hữu cùng đoàn cận vệ đem 3 đứa nhỏ con ông Nhu tẩu thoát, lẩn trong rừng thông đi từ Dinh số 1 về Dinh số 2 rồi men theo đường rừng xuống Đơn Dương. Đại Úy Hạp định tâm xuống Phan Rang tìm đến Trung Tá Khánh Tỉnh Trưởng tỉnh này.

Lặn lội trong rừng suốt buổi chiều cho đến đêm, nhân chứng và đoàn tùy tùng mới đến vùng Danhim. Phần thì đói, khát… lại mệt mỏi vì đường trường.

Đoàn lữ hành cả bọn phải dừng lại cho dựng lều và phân phối lo cận vệ lo việc bố phòng. Lúc ấy, Đại Úy Hạp lo ngại nhất là đám người chung quanh và Việt Cộng trong vùng. Nhưng biết làm thế nào hơn. Các con ông Nhu vẫn chưa được tin báo về cha mình bị giết. Đi mỗi ngày đường lại trải qua một đêm nằm giữa rừng nên con bé Quyên chịu không nổi, bắt đầu đau. Đại Úy Hạp cố tìm cách bắt liên lạc với Saigon nhưng đều bặt tin.

Phe đảo chánh cũng đang xua quân đi lùng bắt đám con ông Nhu. Trưa ngày mùng 3, máy bay của quân đoàn II lượn quanh vùng Danhim phát thành kêu gọi Đại Úy Hạp đem theo 3 đứa bé về trình diện HĐQNCM. Đại Úy Hạp và Hữu đều lo ngại.

Tổng Thống Diệm và ông Nhu còn bị giết huống chi 3 đứa nhỏ. Đại Úy Hạp đề nghị đoàn lữ hành sẽ băng qua rừng xuống Phan Rang rồi một là tìm cách về Xuân Lộc ấn náu nếu thuận tiện thì về thằng Saigon nếu không sẽ qua Phước Long và rồi sang Cao Miên.

Nhưng cuối cùng, đoàn lữ hành phải khoanh tay vì hết tiền. Mấy bữa liền, bọn con ông Nhu phải ăn đồ hộp và uống nước lạnh. Con bé Quyên đã đuối sức. Quyên cũng như Quỳnh tỏ ra ngạc nhiên trên bước đường lưu lạc. Cận vệ thì anh nào cũng tay cầm súng, sẵn sàng đối phó . Hai ông Hạp và Hữu không dám rời bọn nhỏ một phút.

Mãi đến ngày 3, Đại Úy Hạp mới cho Trác biết tin Bác và Ba của Trác đã chết. Lúc đầu Trác không tin. Sau cho Trác theo dõi radio, bấy giờ Trác mới tin. Đôi mắt chú bé rưng rưng nhưng không nói một lời nào.

SĂN ĐUỔI

Phi cơ vẫn bay lượn trên nền trời Danhim, phát thanh kêu gọi Hạp và Hữu đưa bọn nhỏ trở về Đà Lạt. Trác nói với Đại Úy Hạp: “Đại Úy đưa các em tôi về” Hạp nói: “Cậu và các em về thì không sao nhưng còn bọn chúng tôi, họ đâu có tha”. Trác lại nói: “Hai em tôi nó mệt quá, ở trong rừng lạnh chết mất. Đi làm sao được nữa…” Đại Úy Hữu đáp: “Nếu ý cậu muốn như vậy cũng được. Đại Úy Hạp sẽ tìm cách thu xếp để cậu về“.

Sau đó “đoàn lữ hành” kéo nhau băng rừng trở về thành phố. Cho chắc hơn, ông Hạp vẫn để bọn nhỏ ở trong rừng thông. Ông cho người về phố quan sát đồng thời gọi cho phe đảo chánh báo tin với một điều kiện ông Hạp chỉ nộp 3 đứa nhỏ cho Tướng Khánh. Gọi máy xong, ông Hạp lại cho di chuyển 3 đứa nhỏ đến một địa điểm khác sợ bị lộ mục tiêu. Phe đảo chánh vẫn xua quân đi tìm rất ráo riết.

Ngày 3-11, Tướng Khánh đã có mặt ở Đà Lạt nhận lãnh 3 đứa con ông Nhu. Tướng Khánh nắm tay Đại Úy Hạp, giọng buồn: “Tụi nó làm không có ra cái gì hết. Giết người ta, thảm hại quá!”

No comments:

Post a Comment