Saturday, April 22, 2023

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẾT MỘT TỔNG THỐNG - CHƯƠNG 1

 MỤC LỤC

TẬP I
Chương 1: ĐỊNH MỆNH ĐÃ AN BÀI
  • Giây Phút Cuối Cùng
  • Tiếp Khách Lần Cuối
  • Thiện Chí Nhà Giàu
  • Đao Phủ
Chương 2: NGƯỜI SỐNG VÀ NGƯỜI CHẾT
  • Anh Đi Đường Anh, Tôi Đi Đường Tôi
  • Mộng Công Hầu
  • Bàn Tay Phù Thủy
  • Tuồng Mới Kép Cũ
  • Chế Độ DIỆM không DIỆM
  • Bàn Tay Móc Nối
  • Địa Phương
  • Tướng Không Quân
  • Nước Với Lửa
  • Tới Lui Đúng Lúc
  • Ngày Trở Về
  • Nỗi Buồn Nho Nhỏ
  • Ngồi Chơi Xơi Nước
  • Ngài Ngoại Trưởng
  • Cháy Nhà Ra Mặt Chuột
  • Cái Gai Cần Nhổ
Chương 3: TRONG THẾ GIỚI CỦA QUYỀN UY VÀ CÔ ĐƠN
  • Câu Hỏi Giao Du
  • Hành Hương Vĩnh Long
  • Chữ Lễ Trong Tinh Thần Nho Gia
  • Làm Lớn
  • Uy Quyền
  • Định Mệnh An Bài
  • Con Người Tình Cảm
  • Mối Tình Bí Mật Của TT Diệm
  • Mon Cœur A Son Secret
Chương 4: TỔNG THỐNG DIỆM VÀ CÔNG GIÁO
  • Hậu Quả
  • Cá Nhân và Tập Thể
  • Chùm Mâu Thuẫn và Ngộ Nhận – Kỳ Thị
Chương 5: TỪ CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐẾN CÁI CHẾT CỦA NGÔ ĐÌNH CẨN
  • Người Em Út
  • Sét Đánh Ngang Đầu
  • Tẩu Vi Thượng Sách
  • Ông Lãnh Sự
  • Chết Vì Của
  • Phú Hộ Đồng Quê
  • Người Tử Tù
  • Đảng Là Ta
Chương 6: TRƯỜNG HỢP BÀ NGÔ ĐÌNH NHU
  • Ảnh Hưởng Của Bà Nhu Đối Với Đức Cha Thục
  • Ảnh Hưởng Của Bà Nhu Đối Với Ông Chồng
  • NGÔ ĐÌNH NHU: Một Học Giả Uyên Thâm
Chương 7: CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NGƯỜI MỸ
  • Mộng Ước Hiệp Thương Hai Miền Nam Bắc
  • Bắt Tay Với CS Chỉ Là Chiến Thuật Trả Đũa Hoa Kỳ
  • Chắp Nối Duyên Xưa
  • NGÔ ĐÌNH NHU – TƯỞNG KINH QUỐC và Gã Chủ Nợ Keo Kiệt
  • Người Mỹ “NÓ” Viện Trợ Có Điều Kiện Như Rứa
  • Chính Hoa Kỳ Đã Đẩy Ông Nhu Vào Thế Chân Tường
  • Không Thể Làm Tay Sai Một Cách Trơ Trẽn
  • Mỹ Muốn VN Có Một Thứ CIA Kiểu Mỹ
  • Cái Thế Của Kẻ Khó Ăn Đong
  • Chính Quyền NGÔ ĐÌNH DIỆM – SIHANOUK VÀ MỸ
  • SIHANOUK Thoát Chết – Kế Hoạch Của Ông Nhu Bất Thành
  • Chủ Trương Của Hoa Kỳ – Theo NGÔ ĐÌNH NHU – Là Một Sự Lừa Gạt Xấu Xa
  • Được Nhập Việt Tịch, Người Miên 1959 Coi Đó Như Là Một Thắng Lợi
  • SIHANOUK Tranh Đấu cho Phật Giáo Việt Nam
  • Mối Thù Biên Giới
  • NGÔ ĐÌNH NHU Và Vụ Đảo Chính Hụt Của DAP CHOUN
  • Tướng DAP CHOUN Và 100 Kilo Vàng của Việt Nam Cộng Hoà
  • Trước Khi Bị Tử Hình, 2 Điệp Viên Việt Nam Hô Lớn:”VIỆT NAM MUÔN NĂM”
  • Con Số 80%: Sự Thực hay Huyền Thoại
TẬP II
Chương 8: PHẬT GIÁO VÀ TỔNG THỐNG DIỆM
  • Ngày Lịch Sử 7-5-1963 (âm lịch)
  • Bài Thuyết Pháp Nảy Lửa
  • Tiếng Nổ Rung Chuyển Cả Nước
  • Ai Là Thủ Phạm?
  • Thủ Phạm Mang Tên Scott
  • “Cú SCOTT”
  • Cuộc Hoà Giải Âm Thầm
  • Đổ Thêm Dầu Vào Lửa
  • Lửa Đã Thực Sự Bùng Lên
  • Bản Thông Cáo Chung
  • Cái Chết Của Một Nhà Văn
  • Vụ Án 11-11-1960
  • Khi Huyền Thoại Như Cát Gặp Mưa
  • Khi Mỹ và CS Quyết Tâm Nhảy Vào Cuộc
  • Từ Chiến Dịch TỰ THIÊU Đến Kế Hoạch NƯỚC LŨ
  • Chuẩn Bị Dư Luận Ra Tay

Chương 9: DIỄN TIẾN CỦA MỘT CUỘC BINH BIẾN

  • 3 Phiên Họp Lịch Sử
  • Từ BRAVO I Đến BRAVO II
  • Ngày N và Giờ G
  • Giấc Mơ Trở Về
  • Bắt Đầu Nổ Súng
  • Giờ Đã Điểm
  • Mời Cụ Xuống Hầm
  • Đánh Nhau Bằng Mồm
  • Dưới Hầm
  • Đảo Chánh Giả
  • Phá Đổ Liên Tục
  • Đài Phát Thanh Saigon
  • Trên Lầu, Dưới Nhà
  • Trong Cơn Đau
  • Từ Đà Lạt Đợi Lệnh
  • Dùng Dằng Nửa Ở Nửa Đi
  • Đứa Trẻ Thơ
  • Săn Đuổi

Chương 10: TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG

  • Chết Vì CHỦ QUAN hay Chết Vì PHẢN BỘI?
  • Trong Dinh
  • Đường Giây Đã Dứt
  • Thành Bại Trong Gang Tấc
  • L’état C’est Moi
  • Ra Đi Khi Trời Chưa Sáng
  • Từ Hầm Dinh GIA LONG Đến Nhà Mã Tuyên
  • Ruột Thịt
  • Giờ Thứ 25
  • Đêm Đài Nhất
  • Giây Phút Cuối Cùng
  • Nhổ Cỏ Nhổ Tận Gốc
  • “JE RESTE NEUTRE”
  • Trước Giờ Lâm Chung
  • Bước Chân Cuối Cùng
  • “C’EST COMME ÇA”
  • Chưa Phải Là Hết
Chương 11: BẢY NĂM SAU CUỘC PHONG TRẦN

Chân Thành Ghi Ân

Quý thượng tọa, linh mục, đại đức, quý nhân sĩ, quí vị tướng lãnh và sĩ quan, quí văn nhân ký giả cùng các nhân chứng trong biến cố và thân hữu của chúng tôi đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu sống và quan yếu nhất để hoàn thành thiên Bút Ký này.

Lương Khải Minh

Cao Vị Hoàng tức Cao Thế Dung

Vài nét về Sử Gia Cao Thế Dung

Sử gia Cao Thế Dung, giáo chức lâu năm của hệ thống giáo dục Lasan Taberd Sài Gòn , nguyên Phụ Tá Viện Trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn , nguyên Phó Khoa Trường Đại Học Bách Khoa Nông Nghiệp Viện ĐHHH tại Sài Gòn. Năm 1973, GS Dung làm Tổng Quản Trị Hiệp Hội Nông Dân Trung Ương thuộc Bộ Canh Nông, một tổ hợp nông doanh lớn vào bậc nhất của VNCH. Di cư qua Mỹ năm 1975, GS Dung được cơ quan văn hóa THE FORD FOUNDATION cấp cho học bổng toàn thì (Research Fellowship) để nghiên cứu thị trường lúa gạo (1975-1977), đồng thời trở lại trường theo học tại đại học Georgetown, Columbia. Sau khi tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ (Ph.D), GS Dung trở thành chuyên gia phân tích thị trường, chuyên biệt về phó sản và gạo lúa, hiện là Tham Vấn Viên cho Tổ Hợp Khảo Sát Tài Nguyên Kinh Tế Đông Nam Á.

Về văn nghệ và báo chí: 1959 GS Dung cùng với nhà văn Thế Phong thành lập nhóm Đại Nam Văn Hiến. Từ 1966, ông trở thành một trong mấy cây viết trụ cột của nhật báo Chính Luận. Cùng với nhà thơ Nguyên Sa, phụ trách mục “Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ” trên báo Sống của nhà văn Chu Tử. Chủ bút tạp chí tranh đấu Quần Chúng (SG 1968-1970), thư ký tòa soạn tạp chí Giáo Dục (Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn 1970-1972), chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Hành Trình ( Hoa Kỳ 1978-1979)

tap1-1

ĐỊNH MỆNH ĐÃ AN BÀI

Sáng sớm ngày 2-11-1963, sau một đêm dài nhất, một đêm không ngủ, trong lúc tiếng súng vẫn còn nổ lẻ tẻ đâu đây, với nhiều đám khói tại trung tâm Thủ Đô còn bốc lên nghi ngút, từ các máy thu thanh phát ra lời loan báo của phe đảo chánh đã hạ được Dinh Gia Long thủ phủ cuối cùng của chế độ họ Ngô Đình Diệm nhưng anh em ông Diệm đã trốn thoát khỏi Dinh Gia Long.

Khoảng 10 giờ cùng ngày, đài phát thanh Sài Gòn loan một tin vắn tắt: “Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ Lớn, và đã tự tử”! Dư luận bàn tán xôn xao, phần đông nghi ngờ: Không tin anh em ông Diệm đã chết, và nhất là không tin anh em ông Diệm tự sát. Vì ai cũng biết: Cố Tổng Thống Diệm là một người ngoan đạo, mà đạo Thiên Chúa cấm tự sát. Phe đảo chánh không cho biết thêm tin tức nào về cái chết, trong khi báo chí thì không dám nói rằng anh em ông Diệm bị giết.

Ngày 6 tháng 11 năm 1963, nhật báo New York Times in hình xác Tổng Thống Diệm bị còng tay với lời chú thích “Suicide with no hand” (tự sát không có tay) có ý mỉa mai lời thông báo của phe đảo chánh rằng anh em ông Diệm tự sát. Về sau, người ta có thể công khai nói rằng anh em cố Tổng Thống bị giết. Nhưng ai giết? Và ai ra lệnh giết? Đó là một nghi vấn cho đến nay vẫn chưa được hoàn toàn phơi bày ra ánh sáng.

Thời gian như chiếc lá bay vèo. Mọi việc tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua thế mà đã sáu năm. Vào thế kỷ trước khi tốc độ còn tính bằng chục cây số thì 6 năm qua là quãng thời gian quá ngắn chưa đủ một khoảng cách không gian cần và đủ để có thể phơi bày tất cả mọi sự thật về một biến cố lịch sử. Nhưng ngày nay, tốc độ tính bằng ngàn cây số, 6 năm là thời gian quá đủ để nói thật, nói hết về một biến cố lịch sử. Mỗi biến cố lịch sử có một giá trị riêng của nó, vào thời đại của nó. Mỗi giai đoạn lịch sử, cũng có một giá trị khác nhau. Chỉ riêng sự thật có giá trị muôn đời. Và cái gì là sự thật, phải trả về với sự thật.

Viết về một giai đoạn cầm quyền suốt 9 năm của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không nhằm mục đích biện minh cho ai, hoặc kết tội ai, mà chỉ muốn nói lên một sự thật.

Sự thực sẽ ghi tội và công trạng của những người có công. Người viết không dám làm việc của một sử gia, mà chỉ muốn góp phần nhỏ vào việc soi sáng cho một giai đoạn gay go của lịch sử, một giai đoạn đầy những biến chuyển và bí mật.

Cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đơn giản như một vụ thanh toán chính trị và thoán đoạt quyền hành ở cấp lãnh đạo thượng tầng quốc gia.

Cái chết của Ông đã biểu hiện trọn vẹn thân phận của người dân nhược tiểu Á Phi và gần hơn nữa, thân phận của một người Việt Nam yêu nước dù có phạm những lỗi lầm nào vẫn còn giữ được lòng tự ái quốc gia và cả danh dự của dân tộc. Trước hết, cái chết của ông dù cách nào cũng chỉ là kết quả của một lòng yêu nước và chỉ không chịu cúi đầu khuất phục trước những thế lực ngoại bang, nhằm khuynh đảo đất nước này và tạo ra những hoàn cảnh tan rã và mỗi ngày càng thêm tan rã.

Tổng Thống Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị bắn chết vào sáng ngày 2-11-1963, tức là đã 6 năm qua. Thời gian này quả là ngắn ngủi so với giòng lịch sử. Nhưng với thời đại của tốc độ không gian như hiện nay thì 6 năm cũng không phải là quãng đường quá ngắn. Nhận định về cái chết của anh em Tổng Thống Diệm ngay bây giờ cũng không phải là vấn đế quá sớm, vội vàng vì hiển nhiên trong sáu năm qua, miền Nam đã trải qua bao nhiêu biến cố, bao nhiêu lần thay chủ đổi ngôi. Nhưng sự kiện diễn biến của thời cuộc cũng đã đủ cung ứng chất liệu cho ta có thể bình tâm nhận định về cái chết của T.T Diệm cùng sự sụp đổ của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Vấn đề công và tội của Cựu Hoàng Bảo Đại, của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đều thuộc thẩm quyền phê phán của lịch sử dân tộc sau này. Song sự nhận định phê phán nào cũng không thể bỏ qua thực tại bi thảm của dân Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua. Sự nhận định phê phán xuất phát từ quan điểm nào cũng phải đặt lên lập trường dân tộc như một lập trường căn bản. Từ thực tại Việt Nam và trong hoàn cảnh bi thảm của xứ xở, chúng tôi trình bày ở đây chỉ nhằm sáng tỏ những sự thực từ mắt thấy tai nghe và kinh nghiệm tang thương của xứ sở.

Trước và sau ngày 1-11-1969 (ngày Quốc Khánh của Đệ II Cộng Hòa) trong quốc dân đã trỗi dậy một vài khuynh hướng và phong trào đòi phục hồi danh dự cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và làm sống lại cái chết bi thảm của ông và các bào đệ ông. Đồng thời lại có một vài khuynh hướng khác không đồng ý như vậy vì nếu phục hồi danh dự cho cố T.T Diệm tức là đã công khai phủ nhận ý nghĩa của ngày 1-11-1963 mà khuynh hướng trên vẫn còn coi đó là một ngày cách mạng với niềm tự hào phát xuất từ danh nghĩa cao đẹp này.

Cái chết của TT Diệm hiển nhiên không thể so sánh với cái chết của Hoàng Đế Louis XVI đối với cách mạng Pháp 1789. Dù cách nào cái chết của ông đã được nhiều người Việt Nam thắp nén hương lòng để tưởng niệm. Giả dụ TT Diệm chết vì mưu toan của ngoại bang thì cái chết của vị tử vì đạo vì quyền tự quyết dân tộc.

Nhưng khuynh hướng và phong trào trên đây chung quanh vấn đề phục hồi danh dự cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm dù cách nào cũng chỉ là phản ứng nhất thời của từng tập thể. Do đó sẽ thiếu trung thực và vô tư cần có.

Nhận định về cái chết của TT Diệm cũng như vấn đề công hay tội của chế độ Ngô Đình Diệm trước hết phải tách rời tinh thần chủ quan phe phái và phải vượt trên và ở ngoài phương vị tôn giáo cũng như các chính kiến dị biệt.

Trước mắt và trong tâm hồn người viết sẽ chỉ thấy một con người Việt Nam.

Ngô Đình Diệm trên đoạn đường lịch sử 9 năm (1954-1963) Con người ấy như thế nào? Đã làm được gì cho Việt Nam? Đã tranh đấu như thế nào cho nền độc lập trong thời Pháp thuộc và đã bảo vệ chủ quyền danh dự của dân tộc như thế nào trước thế lực Mỹ cùng những ưu khuyết điểm của ông như thế nào trong suốt 9 năm nắm giữ giềng mối quốc gia với một uy quyền chói sáng? Và ai là thủ phạm chính trong âm mưu hạ sát Ngô Đình Diệm?

Từ phía Cộng Sản khi còn sinh thời, cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nhận định Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc.

Ái quốc theo cách thức của Tổng Thống Diệm. Vậy cách thức đã thể hiện như thế nào trong cuộc đời của ông và chế độ Đệ I Cộng Hòa.

GIÂY PHÚT CUỐI CÙNG

Trước khi nhận định toàn bộ về con người Ngô Đình Diệm và chế độ của ông chúng tôi xin ghi lại ở đây những giây phút cuối cùng cuộc đời của một Tổng Thống đã một thời tiêu biểu cho uy quyền của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp tiếp các phái đoàn quân dân chính trong ngày Quốc Khánh 26-10-1963, Tổng Thống Diệm, bằng một giọng ai oán, thoáng buồn ông nói:

” Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm, cũng còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê là độc tài nhưng chỉ ngại còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Tôi tiến thì theo tôi, tôi lui thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi.”

(theo Đoàn Thêm- Những ngày chưa quên trang 236-238)

Trong thời gian này, tinh thần của TT Diệm đang trải qua cơn dao động cực độ. Những nhân vật gần ông, đều nhận thấy ông trở nên nóng nẩy bất thường, hay thở dài, nét mặt đăm chiêu thoáng buồn. Có lẽ TT Diệm đã linh cảm được tai họa sắp đến với ông và gia đình và chế độ. Ông Ngô Đình Nhu lại càng biểu linh một cách nhanh chóng, Ông Nhu già hẳn đi, nét mặt chảy dài. Bức hình của ông Nhu đăng trên tuần báo Express số 909 (15-12-1968) chính là một trong mấy bức hình chụp vào những ngày cuối cùng trong đời ông. Khuôn mặt ông Nhu càng in một vẻ căm hận cùng với vẻ đẹp của đường nét điêu khắc.

Tuy nhiên ông Nhu vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh và sẵn sàng đối phó.

Theo tác giả Đoàn Thêm, sớm ngày 30-11-1963, ông Diệm lững thững xuống vườn hoa trước của Dinh Gia Long, coi mấy chậu non bộ nhỏ mới đắp xong và đặt ở gốc cây. Ông bận đồ xám lạt, đội mũ len, chống cây ba trong như khi đi thăm địa điểm Dinh Điền. Ông ngắm vài phút ngó lên bức ảnh lớn của ông treo cao đằng sau bàn giấy của ông Đổng Lý Bộ Phủ Tổng Thống rồi mỉm cười, lên lầu.

Bốn hôm sau, khi được chính phủ cách mạng cho trở lại dinh để dọn đồ, thì thấy ảnh kia bị bắn vỡ tan tành.

TIẾP KHÁCH LẦN CUỐI

Ngày 31-10, hầm trú ẩn xây trong Dinh Gia Long đã hoàn tất có thể chịu đựng loại bom 500 ký lô. Cũng vào ngày đó, ông Ngô Đình Nhu tiếp kiến các đại diện Ủy Ban Hiệp Hội Bảo Vệ Phật Giáo. Cùng ngày các phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ Phật Giáo VN đáp máy bay ra Huế để tiếp tục cuộc điều tra. Đại Sứ Cacbot Lodge đã nhận được đầy đủ tin tức về kết quả và thái độ của phái đoàn này tại Sài Gòn và thấy rằng sẽ bất lợi cho những toan tính và âm mưu của ông Lodge. Vụ đàn áp Phật Giáo phải được duy trì để lấy cớ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm như ông Lodge mong muốn.

Sáng 1-11-1963 nhằm vào ngày lễ Thánh, công sở đều được nghỉ, Tổng Thống Diệm đã tiếp người bạn “đồng minh” Hoa Kỳ cuối cùng trong cuộc đời ông. Đó là Đô Đốc Harry D. Felt, Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. Đô Đốc Harry D. Felt chắc chắn biết rõ những gì sắp xảy tới trong mấy giờ nữa kết thúc chế độ của Tổng Thống Diệm mà ông ta theo lễ nghi vẫn xưng tụng như một nhà lãnh đạo anh minh của miền Nam.

Hồi 13 giờ 30 súng bắt đầu từ nhiều nơi trong đô thành….Ai gây ra tiếng súng đó? Bắt đầu từ một thế lực nào? Tướng lãnh? Quần chúng? Mỹ?

Thực ra, những âm mưu lật đổ Tổng Thống Diệm đã sắp đặt từ tháng 5-1963 rồi âm thầm tiến hành… Buổi tối ngày 28-10, do sự sắp xếp từ trước Trung Tướng Trần Văn Đôn đã tiếp xúc bí mật với giới chức Mỹ tại nhà một Nha Sĩ (Theo tài liệu của Robert Shaplen- The Lost Revolution). Tướng Đôn luôn nhắc nhở xin người Mỹ giữ bí mật hoàn toàn và không thảo luận vấn đề này với bất cứ một ai, ông đã cố gắng thuyết phục ĐS Cabot Lodge chấp nhận chương trình hành động của nhóm ông và làm như thế nào để Hoa Thịnh Đốn đồng ý cho bật đèn xanh càng sớm càng hay.

Lúc đầu nhóm đảo chánh dự định khai hỏa vào ngày 31-10 (sự tiết lộ của Đại Tá Lu Conein).

Trước nữa, nhóm đảo chánh cùng với sự đạo diễn của mấy chuyên viên CIA đã dự định đảo chánh nhân ngày kỷ niệm Quốc Khánh 26-10. Nhưng đêm 26-10, ông Nhu đã nhận được báo cáo đầy đủ: nhóm đảo chánh với tướng Đôn, Minh, sẽ ra tay hành động trong cuộc duyệt binh tại đường Thống Nhất vào sáng 25-10 (Theo báo cáo mật của Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc thẩm quyền của ông Dương Văn Hiếu- Phó Tổng Giám Đốc CSQG). Dịp này sẽ bắt sống Tổng Thống Diệm và ông Nhu sau đó sẽ thanh toán Dinh Gia Long và thành Cộng Hòa. Vào phút chót, ông Smith, trưởng phòng CIA tòa Đại Sứ Mỹ (người thay thế Đại Tá Richardson) đã thông báo kịp thời cho Lu Conein biết là chưa thể bật đèn xanh vì đã có kẻ trong Tòa Đại Sứ tiết lộ cho ông Nhu. Kể từ ngày Đại Sứ Lodge sang Việt Nam thay thế Nolting cũng không ngoài nhiệm vụ đặc biệt là làm thế nào lật đổ được chế độ Ngô Đình Diệm đồng thời thi hành kế hoạch của Mỹ trong giai đoạn mới. Hiển nhiên là Cabot Lodge đóng vai trò một nhà lãnh đạo đứng bật đèn cho cuộc đảo chánh 1-11-63. Cabot Loge được coi như tiếng nói có thẩm quyền của phe “Tự Do” Harriman Hilsman và tổ chức Việt Nam Task Force.

Những nguyên nhân nào khiến cho Mỹ phải gấp rút tìm mọi cách lật đổ chế độ TT Diệm? Hẳn nhiên, về phía Mỹ không phải là nguyên nhân Phật Giáo. Đơn giản là vì quyền lợi Mỹ trước hết.

Cái gai chính yếu của Đại Sứ Lodge cũng như Smith Conein và nhóm đảo chánh là Tướng Tôn Thất Đính. Làm sao nhổ được cái gai này? Tuy nhiên, cho đến ngày 28-10 Tướng Đôn có thể tạm thời yên tâm về tướng Đính. Điều mà phe đảo chánh lo ngại nhất là Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung, lực lượng này vẫn được coi như thành phần nòng cốt của chế độ TT Diệm. Ngày 29-11, Tướng Tôn Thất Đính với tư cách Tư Lệnh Quân Đoàn III (và từng là Tổng Trấn Sài Gòn-Gia Định) ông ra lệnh cho các đơn vị thuộc LLĐB di chuyển ra khỏi Sài Gòn. Đó cũng là một phần kế hoạch nhằm vô hiệu hóa những lực lượng trung thành với chế độ. Hơn nữa, Tướng Đính đang đươc lòng tin cậy của ông Nhu. Theo dư luận đồn đại sau ngày đảo chính 1-11-1963 thì chính ông Nhu đã trao phó cho Tướng Đính thực hiện một cuộc đảo chánh giả hiệu Bravo III nhằm phá vỡ kế hoạch đảo chánh thực của nhóm tướng lãnh đang liên kết với Cabot Lodge.

Nếu thực sự cuộc đảo chính sẽ xảy ra, ông Nhu chấp nhận một cách không nghi ngờ việc Tướng Đính “móc nối” với nhóm Minh, Đôn. Chính ông Nhu đã từng nói với Tướng Huỳnh Văn Cao “Khánh với Đính là chỗ người trong nhà cả. Không lo”. Ông Nhu tuy cao tay ấn nhưng đâu có thể học được chữ ngờ qua trường hợp Tướng Đính! Tương kế tựu kế, Tướng Đính nắm lấy cơ hội này để quật lại thế cờ cuối cùng của ông Nhu…Không có sự tham dự của Tướng Đính, cuộc đảo chính 1-11-63 không thể thành công.

Cái lối của ông Nhu là cái lối của một nhà chiến thuật và chiến lược nhìn tiên liệu quá xa phạm vi hạn hẹp của chiến thuật, giai đoạn. Hơn nữa vì lòng tin cậy, ông Nhu đã chọn nhầm một người mà chính ông Nhu trước đây cho là “khó xài“. Nhưng vẫn xử dụng vì tự cho mình là cao tay ấn.

Mặt khác, trước đó Đại Tá Đỗ Mậu, quyền giám đốc Nha An Ninh Quân Đội, một môn đệ tin cậy của TT Diệm đã phúc trình cho hai ông Nhu, Diệm hay là hiện VC đang tập trung tại ven đô và âm mưu đánh phá Sài Gòn. Dĩ nhiên đây chỉ là bản phúc trình giả với mục đích làm lạc hướng theo dõi của chính quyền và đồng thời có cớ để phân tán một số đơn vị trung thành của ông Diệm ra khỏi Sài Gòn. Nhờ vậy phe đảo chánh sẽ giảm được nhiều sức chống đối của phe chính phủ.

Hồi 12 giờ 30 ngày 1-11, Tướng Trần Văn Đôn cùng một số tướng tá nòng cốt triệu tập Hội Nghị trong Bộ Tổng Tham Mưu với sự tham dự hầu hết các tướng lãnh và một số Tư Lệnh Quân Binh Chủng. Tướng Tôn Thất Đính không có mặt trong hội nghị này và lúc đó ông đang phải túc trực tại Tổng Hành Dinh Quân Đoàn III. Người thì cho rằng đến giờ phút quyết liệt, phe đảo chánh vẫn chưa tin hẳn Tướng Đính và có lẽ đó cũng là lý do Tướng Đính không có mặt trong buổi hội nghị quan trọng đó?

THIỆN CHÍ NHÀ GIÀU

Theo tiết lộ của Georges Chaffard qua bài báo tựa đề La paix manquée en 1963 (tuần báo Express số 909-đdch) để lôi kéo Tướng Đính vào phe đảo chánh, Mỹ đã trao cho Tướng Đính một số tiền ứng trước là 1 triệu dollars kết quả do sự thương lượng giữa tướng Đôn và ĐS Cabot Lodge vào ngày 24-10. Số tiền ứng trước này được coi là thiện chí cụ thể của Mỹ giúp phe đảo chánh có chút phương tiện để thực hiện kế hoạch hoàn thành cách mạng.

Tưởng cũng nên nhắc lại khoảng cuối tháng 10, dư luận trong chính giới và ngoại giao đoàn đã đồn đại về những hoạt động của nhóm mãi vụ Pháp thuộc Sở “Hành Động” (Action) do Tướng De Gaulle gởi qua Sài Gòn với nhiệm vụ bảo vệ anh ninh cho 2 anh em ông Diệm.

Sáng 1-11, ĐS Cabot Lodge hướng dẫn Đô Đốc Felt đến Dinh Gia Long thăm xã giao TT Diệm. Nhân dịp này TT Diệm đã cho ĐS Cabot Lodge biết là đang có dư luận về một cuộc đảo chánh nhằm lật đổ TT Diệm. Ông Diệm đã nói như thế là có ý bảo cho ông ĐS Cabot Lodge biết, ông luôn luôn theo dõi đường đi nước bước của Mỹ trong âm mưu lật đổ chế độ hiện hữu. Đại Sứ Cabot Lodge vẫn nở một nụ cười vồn vã hứa chắc với TT Diệm, nếu có sự chẳng hay xảy ra như dư luận đồn đại, người Mỹ sẽ bảo đảm cho cá nhân Tổng Thống. Cũng vào giữa khoảng thời gian đó, Đại Tá Lu Conein đã đến gặp Tướng Đôn và túc trực bên phe đảo chánh trong suốt ngày 1 và 2 ngay tại Bộ Tổng Tham Mưu. Ông ta là trung gian giữa Tòa Đại Sứ Mỹ và phe đảo chánh. Hay đúng hơn, ông ta thủ vai trò của kẻ điều động và thực hiện kế hoạch đã được thảo luận và quyết định chung giữa tòa Đại Sứ Mỹ và phe đảo chánh? (Theo sự tiết lộ của Lu Conein thì ông được mời đến với tư cách cố vấn Mỹ tại Bộ Nội Vụ tham dự phiên họp thường lệ của Bộ TTM và sau khi đảo chánh xảy ra thì Tướng Đôn giữ khéo Lu Conein ở lại Bộ TTM như một thứ con tin và một bảo đảm an ninh cho các tướng lãnh.)

Khi ở dinh gia Long trở về, ĐS Cabot Lodge đã nhận được đầy đủ tin tức từ Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo cho biết kế hoạch đang tiến hành…

Rồi một ngày trôi qua như mọi người Việt Nam đều biết, cuộc đảo chánh hoàn toàn thành công với sự xuất hiện của các tướng lĩnh mang danh xưng là những con người cách mạng và ở trong tổ chức mới lúc đầu mệnh danh “Hội Đồng Các Tướng Lãnh” sau đổi thành “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng”.

Nhằm đúng vào ngày lễ các đấng linh hồn, một trong những lễ quan trọng nhất của tín đồ Thiên Chúa Giáo, hai anh em Tổng Thống Diệm cùng bị thảm sát sau khi đã dâng trọn những lời cầu nguyện cuối cùng tại nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn, với sự chứng kiếm của Linh Mục Jean- một linh mục thuộc hội Thừa Sai Ba Lê (MEP)

Chi tiết về cái chết của TT Diệm đến nay tuy không còn là một điều bí mật song có quá nhiều những chi tiết mâu thuẫn nhau.

Trong những giờ phút cuối cùng, Tổng Thống Diệm đã tỏ ra hoàn toàn mệt mỏi và không còn tin tưởng bao nhiêu khi phe đảo chánh báo cho anh em ông biết đã bắt Đại Tá Tung và ông này cùng lực lượng Đặc Biệt của ông đã đầu hàng phe cách mạng, Tổng Thống Diệm bây giờ chỉ còn đặt tin tưởng vào Quân Đoàn IV của Tướng Huỳnh Văn Cao và nhất là Quân Đoàn II của Tướng Khánh mà ông Nhu hoàn toàn tin cậy. Song Tướng Cao đã không làm được gì khác hơn. Sư Đoàn 7 nằm trong tay Đại Tá Nguyễn Hữu Có, phụ tá Tư Lệnh Quân Đoàn III. Anh em ông Diệm chỉ còn lại lực lượng phòng vệ trong Dinh. Tất nhiên là lực lượng này không còn phương thế nào hành động khác hơn là đành thúc thủ trong 4 bức tường thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Trước một tình thế bi đát như vậy, ông Nhu quyết định ra đi. Tổng Thống Diệm mặc nhiên chiều theo quyết định của ông em: “Đi mô…đi thì đi…” Đó là lời gió cuốn mây trôi của Tổng Thống Diệm.

8 giờ 30 Tổng Thống Diệm, ông Nhu, Đại Úy Đỗ Thọ và Đại Úy Bằng rời khỏi dinh Gia Long trên bước đường của định mệnh.

Khi tiếp thu Dinh Gia Long, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo không tìm thấy anh em TT Diệm và cấp báo cho Tướng Trần Thiện Khiêm rõ. Tướng Khiêm ra lệnh cho Trung Tá Thảo phải đi tìm kiếm. Theo tiết lộ của những người trong cuộc, Tướng Khiêm dặn Phạm Ngọc Thảo phải tìm mọi cách đón anh em TT Diệm, phải bảo vệ an ninh cho anh em ông có được như vậy thì Tướng Khiêm và phe của Trung Tá Phạm Ngọc Thảo mới có thể thực hiện kế hoạch lật ngược thế cờ.

Khi được tin Dinh Gia Long đã thất thủ thì lúc ấy chính là lúc Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và nhóm tướng tá đảo chánh cũng đã chia thành năm bảy phe qua những xu hướng chính trị và quyền lợi trái ngược nhau.

Riêng Trung Tá Phạm Ngọc Thảo từ trước ngày đảo chánh đã có những liên lạc mật thiết với Đại Tá Đỗ Mậu và Tướng Khiêm, ông Thảo là người được Tướng Khiêm tin cẩn và cả hai đều là những Tướng Tá được chế độ tin dùng. Riêng Tướng Khiêm sau vụ đảo chánh hụt 11-11-1960, ông trở thành vị tướng lãnh thân cận của Tổng Thống Diệm và được coi như “người con tin cẩn” trong gia đình Tổng Thống.

Đường lối và trong thâm tâm của phe Phạm Ngọc Thảo chỉ muốn thay đổi cơ cấu của chế độ mà thôi…

Song tình thế đã biến chuyển khác hẳn và trái với ước mong trong thâm tâm Thảo từ buổi ban đầu, ông Thảo hẳn đã biết rõ những xu hướng khác nhau trong HĐCM trong đó đã có một xu hướng chủ trương phải giết hai anh em ông Diệm để trừ hậu hoạn và đó cũng là chủ trương của một số nhân vật Mỹ mà ông Fisthel là đại diện. Ông này vẫn chủ trương: Chế độ Ngô Đình Diệm phải được cải tổ toàn bộ nếu TT Diệm không ưng chịu thì TT phải ra đi hoặc bị thủ tiêu.

Xu hướng thanh toán TT Diệm quy tụ mấy tướng lãnh sẵn lòng bất mãn với chế độ từ lâu. Đó là các Tướng Trần Tử Oai, Mai Xuân Hữu. Mặc dầu những người như Trung Tướng Trần Văn Đôn từng được chế độ của TT Diệm đặc biệt ưu đãi, tin cẩn trong suốt 9 năm của chế độ.

Tướng Đôn liên tiếp được trao phó những chức vụ quan trọng, từ Tư Lệnh Vùng I đến Tư Lệnh Lục Quân, rồi quyền Tổng Tham Mưu Trưởng. Ba Tướng Đôn, Kim, Oai được coi là thành phần nòng cốt của HĐQNCM. Người Mỹ tin cẩn vào Tướng Đôn hơn cả. Sở dĩ Tướng Dương văn Minh được trao phó vai trò chính vì đối với quân đội lúc ấy và trong hàng Tướng lãnh thì uy tín của Tướng Minh trỗi bật hơn cả.

Ta có thể nói năm Tướng Minh, Đôn, Kim, Oai, Xuân đứng riêng một phe. Chưa có chứng cớ nào rõ rệt để nói rằng Tướng Khiêm, Đại Tá Mậu, Trung Tá Thảo đứng về một phe khác không mấy thân hữu và tin cẩn đối với phe kia. Nhưng dù sao tướng Khiêm vẫn là người tỏ ra ôn hòa đối với chế độ Ngô Đình Diệm mà chính ông đã trưởng thành trong chế độ ấy. Còn Trung Tá Phạm Ngọc Thảo – một tín đồ Thiên Chúa Giáo có đầu óc tiến bộ và quốc gia cực đoan, kể từ biến cố Phật giáo, ông quyết liệt chủ trương phải thay đổi thành phần và cơ cấu của chế độ. Trung Tá Thảo là người thứ nhất đã can đảm trình bày với Tướng Khiêm tất cả ước vọng và kế hoạch của ông khi Tướng Khiêm đang nắm quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cái trục liên lạc thân hữu của Trung Tá Thảo có thể mô tả: Thảo, Mậu, Tuyến. Thảo là bạn tâm tình của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến và chính Thảo cũng đã thẳng thắn bầy tỏ ước vọng và kế hoạch của ông cho Bác Sĩ Tuyến rõ.

Kể từ tháng 5 năm 1963 theo sự lượng tính và tiên liệu của Bác Sĩ Tuyến nếu không cấp thời có một chương trình hành động để cứu nguy chế độ thì khó lòng ngăn ngừa được cuộc đảo chánh. Trung Tá Thảo cũng lo âu như thế. Từ khi ông Tuyến ra đi thì Thảo không còn gì ràng buộc mật thiết với chế độ. Song Thảo vẫn tiếp tục móc nối một số tướng tá vẫn được coi là người của chính quyền nhằm thực hiện một cuộc đảo chánh cốt sửa sai, hơn là san bằng, đồng thời có thể ra tay trước phe Tướng Minh và vô hiệu hóa mọi âm mưu trong kế hoạch của họ và lật ngược thế cờ để nắm chủ động.

Thảo đã đóng một vai trò quan hệ trong cuộc đảo chánh 1-11-63 và Thảo được đặt dưới quyền xử dụng của Tướng Khiêm.

Dù chủ trương như thế nào, Trung Tá Thảo cũng đã là một trong mấy người thân tín của chế độ TT Diệm đã trực tiếp lật đổ chế độ này. Ông Thảo đã được HĐQNCM trao phó phần vụ phát thanh. Đây mới là thứ khí giới sắc bén nhất để xô đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ví dụ như không có phần phát thanh từ lúc đầu thì cục diện chưa chắc đã thay đổi mau lẹ.

Khi phe Tướng Minh, Kim, Đôn nhận được tin ông Diệm đang ở Chợ Lớn đã cấp tốc ra lệnh cho Đại Tá Dương Ngọc Lắm đem thiết quân vận M.113 vào đón bắt. Đai Tá Lắm lúc ấy đang nắm quyền Tổng Giám Đốc Địa Phương Quân (một trong số tướng tá được chế độ đặc biệt ưu đãi, tin dùng). Ông Lắm là người theo đảo chánh vào phút chót. Công tác đầu tiên mà ông được phe đảo chánh trao phó là đem quân vào Chợ Lớn đón bắt anh em TT Diệm. Tất nhiên là ông đã không được lòng tin cậy của phe chủ chốt. Do đó, Tướng Mai Hữu Xuân được Tướng Minh chỉ định đi theo giám sát Đại Tá Lắm.

Tóm lại, đã có hai toán quân vào Chợ Lớn tìm bắt anh em TT Diệm. Mỗi toán có thể nói thuộc một phe, nhằm mục đích riêng. Thay vì Trung Tá Thảo nếu biết rõ anh em ông Diệm đang ở nhà thờ Cha Tam thì cái chết đã không đến với anh em ông Diệm, ít nhất là cũng cứu thoát được ông Diệm. Song Thảo lại chỉ đến lục soát nhà Mã Tuyên trong lúc đó anh em TT Diệm đang dâng lễ ở nhà thờ Cha Tam. Ông Thảo trở về tay không đồng thời cũng mang theo sự thất bại của nhóm ông.

Và có phải chính ông Diệm đã báo tin cho Tướng Khiêm để nhận sự đầu hàng và cho biết đang ở nhà thờ Cha Tam không? Một nghi vấn cho rằng: Có lẽ viên sĩ quan tùy viên của ông vào phút chót đã phản phúc vào báo cho phe đảo chánh biết nơi anh em đang trú ẩn. Sự thực không phải Đỗ Thọ đã phản phúc Tổng Thống Diệm. Đại Úy Đỗ Thọ được TT Diệm bảo đi gọi điện thoại về Bộ Tổng Tham Mưu cho Tướng Khiêm nhưng Thọ lại gọi điện thoại trực tiếp cho Đại Tá Đỗ Mậu là chú ruột của ông.

Vậy thì anh em ông Diệm có đầu hàng đảo chánh không? Những diễn biến tại dinh Gia Long và tại nhà Mã Tuyên từ 12 giờ 30 ngày 11-11-63 đến 4 giờ đêm ngày 2-11-63 sẽ giúp cho sử gia sau này đi đến một kết luận rõ rệt hơn.

Khi Đại Tá Lắm đem quân đến nhà thờ Cha Tam thì lúc đó HĐQNCM vẫn chưa dám quyết định chung là dứt khoát về số phận của anh em TT Diệm. Một người trong cuộc cho biết: Anh nào cũng run hết trước một quyết định dứt khoát và tối quan hệ đến sự thành bại của cuộc đảo chánh, Hội Đồng chia thành ba, bốn phe: Một phe nhất định phải thanh toán ngay. Tuy nhiên phe này chỉ rỉ tai bàn kín với nhau mà thôi. Phe khác chủ trương để anh em ông Diệm lưu vong ra ngoại quốc. Phe thứ ba giữ thái độ dè dặt…Phe quyết định thanh toán lấy cớ rằng, nếu anh em ông Diệm còn sống thì cuộc đảo chánh sẽ bất thành vì tay chân của ông không sớm thì muộn cũng sẽ phản công. Vả lại, phe này thấy rằng ngay trong HĐQNCM cũng đã quá phân nửa từng là người thân tín của TT Diệm và ông Nhu. Điều lo ngại hơn nữa là họ vẫn chưa nắm được Tướng Tôn Thất Đính và binh quyền lại đang nằm gọn trong tay Đính cũng như một số tướng tá khác như Tướng Nguyễn Khánh Quân Đoàn II, tướng Huỳnh Văn Cao Quân Đoàn IV, Đại Tá Cao Văn Viên Tư Lệnh Nhảy Dù và Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền Tư Lệnh Không Quân (hai sĩ quan cấp tá này thẳng thắn từ chối tham gia phe đảo chánh). Giả sử, nếu đưa anh em TT Diệm về trình diện HĐQNCM thì biết đâu sự hiện diện của anh em ông lại không thể làm nản lòng và gây xúc động lương tâm những người thân tín cũ của ông. Nếu chỉ nhằm đến mục đích hoàn thành cuộc đảo chánh và tránh mọi hậu họa thì phe này khi ra tay hạ sát TT Diệm cũng không có gì khó hiểu.

ĐAO PHỦ

Ai giết anh em TT Diệm? Theo Robert Shaplen trong cuốn The Lost Revolution thì có hai dữ kiện: Dữ kiện thứ nhất theo đó chính Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh giết anh em ông Diệm. Dữ kiện thứ hai và có đủ yếu tố thì chính Tướng Dương Văn Minh chủ tịch HĐQNCM đã trực tiếp ra lệnh hạ sát. Người thi hành lệnh đó là Đại Úy Nhung.

Trước vụ thảm sát này, một số tướng lãnh trong HĐQNCM đã phản đối và đặc biệt tướng Đính đã nổi giận dữ dằn, đập điện thoại và gục đầu khóc ngay tại văn phòng của ông ở trại Lê Văn Duyệt (mặc dù theo ký giả David Habertam của tờ New York Time số ra ngày 6-1-1963 thì ông Đính là người phản bội ông Diệm, nếu không có sự phản bội của tướng Đính thì cũng chưa có cuộc đảo chánh 1-11-1963)

Thi hài anh em TT Diệm được đặt trong hai bộ quan tài thuộc loại trung bình rồi được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ Tổng Tham Mưu với sự hiện diện của người cháu gái. Hai anh em ông được làm thủ tục khai tử tại quận Tân Bình. Về nghề nghiệp của Tổng Thống Diệm được ghi là Tuần Vũ và ông Nhu là Quản Thủ Thư Viện.

Khi tướng Nguyễn Hữu Có làm Tổng Tham Mưu Trưởng đã nghe lời một thầy địa lý và bói Số cho rằng, nếu không cải táng anh em ông Diệm đến một nơi khác thì sẽ còn đảo chánh. Do đó di cốt anh em Tổng Thống Diệm được đưa ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

No comments:

Post a Comment