CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NGƯỜI MỸ
Sau vụ biến cố đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế 4 ngày, ông Nhu đã cho nổ một trái bom làm rung động ngoại giao Mỹ. Khi ông tuyên bố với phái viên tờ Washington Post: “Cho đến lúc này Chánh Phủ VNCH không thấy cần thiết một số cố vấn quân sự quá lớn, cho nên VNCH có thể yêu cầu chính Mỹ cho rút một nửa số cố vấn quân sự Mỹ, tức là chỉ nên duy trì khoảng 7, 8 ngàn là đủ”. (Washington Post 12-5-1963) Cũng vào thời gian này ông Nhu nói với GS Bửu Hội: “Đã đến lúc mình phải xét lại sự hợp tác và viện trợ của Mỹ. Anh có thể giúp tôi tìm sự ủng hộ thân hữu của Pháp và các quốc gia Bắc Phi. Trong tình thế này chúng ta phải đi đến một modus vivendi thỏa ước với Bắc Việt”. Sáng chủ nhật hôm ấy ông Nhu cũng lập lại như vậy với một vài cộng sự viên thân cận. Nhưng ai nấy đều cho rằng con đường mà ông Nhu sắp đi tới nguy hiểm. Nhưng ông Nhu vẫn chủ quan cho rằng kế hoạch Ấp Chiến Lược và đường lối ngoại giao mới qua trục Ba Lê và Á Phi sẽ tạo cho miền Nam đủ tư thế chấp thuận thỏa ước với miền Bắc. Nhưng ông Nhu quên mất rằng với 16000 cố vấn Mỹ và mỗi ngày Mỹ phải chi trên một triệu đô la cho cuộc chiến tại Việt Nam (63) thì không dễ dàng gì Mỹ có thể để cho ông Nhu tự do hành động khác với đường lối của họ
MỘNG ƯỚC HIỆP THƯƠNG HAI MIỀN NAM BẮC
Trước đây năm 1961 Ngoại Trưởng Pháp Couve De Murville sau cuộc tiếp xúc với ông Nhu tại Ba Lê (61) đã phê bình “Ngô Đình Nhu là một người có nhiều ảo tưởng”. Ông Murville cũng như BS Trần Kim Tuyến cho rằng phê bình như vậy cũng có phần đúng. Theo BS Tuyến “ông Nhu là một chính khách có suy tư về chính trị, có khám phá sáng tạo trên bình diện chiến lược. Nhưng thực tại chính trị miền Nam chính nó đã làm cho những suy nghĩ của ông Nhu trở nên ảo tưởng”. Một buổi sáng trời trong xanh, ông Nhu mỉm cười mô tả một cách đầy thi vị nói với ông Tuyến: “Buổi sáng Việt Nam trời mầu pha lê, toa thấy chiến tranh phi lý quá hỉ? Nhưng bọn nó (tức Cộng Sản) có bao giờ muốn hòa bình đâu. Chiến lược chiến tranh cách mạng vô sản mà. Nhưng nếu bọn nó ngưng bắn hiệp thương thì mình cũng chấp nhận, mấy thằng tư bản phiêu lưu nó sẽ phá moa, toa thấy thằng Nghị Sĩ Mansfield gầm thét chưa. Bọn nó (tức Mỹ), như con hổ bị thương, chúng sẽ cho dollar để Phật Giáo phá moa…Nhưng chế độ này phải tồn tại.”
Khi ông Nhu toan tính bắt tay với Bắc Việt thì trước hết ông đã gặp phản ứng hết sức bất lợi cho kế hoạch của riêng ông. Phản ứng đó xuất phát ngay từ tập thể Thiên Chúa Giáo và nhất là khối di cư.
Khối người đó từng hậu thuẫn vô giá cho chế độ Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu năm 1954-1955. Tuy toan tính của ông Nhu không mấy ai biết nhưng hẳn nhiên không thể qua mắt được các Đức Giám Mục Thiên Chúa Giáo. Đức Cha Lê Hữu Từ có thể là người được biết khá thông suốt về những toan tính của ông Nhu. Điều này Cha Jean (một Linh Mục người Pháp hiện sống tại Sài Gòn) đã có nhiều cơ hội được am tường một cách tương đối rành rẽ. Sau cuộc biểu tình dữ dội của Phật giáo ngày 17-7, phản ứng của Mỹ hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Đài VOA thông tin và bình luận một cách có thiện cảm hay đúng hơn đã gián tiếp ca ngợi cuộc tranh đấu của Phật Giáo. Cha Jean được mời vào gặp ông Nhu. Cuộc gặp gỡ kéo dài trong trong 2 tiếng đồng hồ. Ông Nhu đề cập về cuộc xuống đường của Phật Giáo ngày 17, ông nói: ” Tôi có bằng chứng là hiện nay Cộng Sản đã thao túng Phật Giáo. Rất nhiều cán bộ Cộng Sản cải trang vào đó với tư cách Phật tử hay các nhà sư”.
Cha Jean chỉ lắng nghe mà không đáp. Ông Nhu với thái độ giận dữ: “Tôn giáo là tôn giáo, quốc gia là quốc gia. Tổng Thống không thể nào nhượng bộ họ được nữa. Đã đến lúc chính phủ phải có biện pháp mạnh. Nếu chính phủ hạ lệnh thì chỉ trong vòng một ngày, Quân đội và cảnh sát có thể dẹp tan phong trào đấu tranh này “.
Cha Jean đáp: “Thưa ông Cố Vấn, đây là vấn đề nguy hiểm và tế nhị. Ông Cố Vấn có thể nào tìm cách giải quyết tốt đẹp hơn là đàn áp không? Theo tôi đàn áp thì dễ, Cộng Sản sẽ chỉ mong chính phủ đàn áp Phật Giáo”.
Ông Nhu lừ mắt nhìn Cha Jean, ông lắc đầu: “Đến nay thì không còn cách nào giải quyết tốt đẹp nữa. Hiện các Tướng lãnh và Sĩ Quan cao cấp đang bất mãn với Phật Giáo, họ đang xúi Tổng Thống hạ lệnh cho họ được phép dẹp cho yên” Cha Jean không còn biết nói gì hơn. Ông Nhu lại tiếp tục: “Tôi hiểu, CS cũng như Hoa Kỳ đang âm mưu gây rối miền Nam theo tư lợi của họ… chính phủ không thể tha thứ bất cứ một cuộc nổi loạn nào”.
Bất chợt ông Nhu hỏi Cha Jean: “Phía Hoa Kiều Chợ Lớn cha thấy thái độ chung của họ như thế nào?” Cha Jean đáp: “Hoa Kiều tại Việt Nam như ông Cố Vấn đã rõ họ chỉ biết làm ăn buôn bán”. Ông Nhu nói: “Cha có thể giúp tôi một việc riêng?” Cha Jean đáp: “Tôi sẵn sàng nếu thấy có khả năng“. Ông Nhu ngần ngại rồi đi thẳng vào câu chuyện: “Cha có thể giúp tôi một việc quan trọng này mà ngoài Cha, Tổng Thống không muốn ủy thác cho một ai”.
Ông Nhu lại yên lặng hút thuốc lá lâu hàng 5, 7 phút. Đoạn ông nói: “Cha sang Đài Loan giúp chính phủ được không?” Cha Jean chưa trả lời, ông Nhu nói tiếp: “Cha có đủ uy tín nói chuyện với chính phủ Đài Bắc, Cha làm sáng tỏ cho họ rõ là chính phủ Việt Nam không bao giờ chủ trương và kỳ thị tôn giáo. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đang bị Cộng Sản sách động giật giây!!” Cha Jean đáp: “Thưa ông Cố Vấn, tôi nghĩ việc này ông Cố Vấn nên tiếp xúc thẳng với Đại Sứ THDQ hoặc nếu không ông Cố Vấn có thể ủy thác cho ông Bộ Trưởng Ngoại Giao”.
Sự từ chối khéo của Cha Jean làm ông Nhu mất bình tĩnh: “Bộ Trưởng Ngoại Giao ấy à? Ông ta không làm được cái chi hết. Còn ông Đại Sứ THDQ cũng đang bị dư luận đầu độc. Tôi muốn Cha sang Đài Loan nói cho chính phủ của Tưởng Giới Thạch biết rõ sự thực và cha nói dùm chính phủ Đài Bắc phải chấm dứt ngay chiến dịch báo chí ở Đài Loan hiện đang xuyên tạc chính phủ Việt Nam và họ đang cổ võ cho cuộc tranh đấu của Cộng Sản dưới chiêu bài tôn giáo”.
Cha Jean nói: “Xin ông Cố Vấn cho tôi trình bày ý kiến. Theo tôi, có thể CS len lỏi vào hàng ngũ đấu tranh của Phật Giáo nhưng tôi tin rằng cuộc đấu tranh này vẫn có tính cách tôn giáo đó chứ. Tôi không tin Thượng Tọa Tâm Châu hay ông Mai là CS. Đại Sứ THDQ cũng đã nói với tôi như thế. Xin ông Cố Vấn thông cảm sự khó khăn của tôi, tôi không thể nói gì khác hơn là như vậy”.
Ông Nhu hỏi: “Ngay cha cũng tin vào dư luận là Tổng Thống sẽ thương thuyết với CS Bắc Việt?” Cha Jean đáp: “Đó là điều tôi ngạc nhiên“. Cha hỏi lại: “Chắc chắn ông Cố Vấn có theo dõi hoạt động của Ủy Ban Hòa Bình phục Hưng Miền Nam” (Comite pour la Paix et Renovation du Sud VN) Ông Nhu “à” một tiếng khá lớn lắc đầu với thái độ khinh miệt. “Tôi biết tổ chức ấy là một con số không do một số người Pháp đỡ đầu. Trần Văn Hữu chắc Cha đã biết rõ?” Cha Jean đáp: “Tôi có gặp mặt ông ấy một vài lần.” Ông Nhu bỗng cao hứng nói một hơi thật dài. Đến nay Cha Jean chỉ còn nhớ lại vài nét chánh, đại cương ông Nhu nói “Trần Văn Hữu hiện nay đang được nhóm Paul Devinat Bolaert, Pignon đỡ đầu, hắn đòi gì biết không? Hắn đòi phải lật đổ chánh phủ này nghĩa là xóa bỏ chế độ này sau đó tổ chức một chánh phủ liên hiệp có Mặt Trận Giải Phóng tham gia và miền Nam sẽ trung lập”. Cha Jean lại hỏi: “Thưa ông Cố Vấn ông cố vấn nghĩ như thế nào về đề nghị của ông Hữu?” Ông Nhu đáp: “đó là một đề nghị trẻ con tôi không quan tâm nếu có nói chuyện trung lập thì chỉ nói với CS Bắc Việt thôi chớ MTGP chỉ là một tổ chức phiến loạn.” Cha Jean nhân cơ hội này lại hỏi: “Thưa ông Cố Vấn ông có nghĩ đến vấn đề nói chuyện với Bắc Việt không?” Ông Nhu mỉm cười: “Đó là vấn đề chính mà hôm nay tôi cần gặp Cha và nhờ Cha giúp tôi”.
BẮT TAY VỚI CỘNG SẢN CHỈ LÀ CHIẾN THUẬT
TRẢ ĐŨA HOA KỲ
Qua cuộc tiếp xúc với ông Nhu, Cha Jean nhận thấy ông Nhu đang trải qua cơn giao động với một thái độ quyết liệt. Về vấn đề bắt tay với Cộng Sản Bắc Việt ông Nhu tỏ ra hết sức dè dặt. Ông vẫn không tin tưởng vào thế trung lập mà liên hiệp với CS lại càng không thể có. Ông Nhu nhắc đi nhắc lại với Cha Jean “Cha đã hiểu rất nhiều về Cộng Sản… Cha cũng rõ Tổng Thống ghét CS như thế nào“. Sau đó ông rất dè dặt tâm sự: “Trong tình thế này Hoa Kỳ cứ gây khó khăn mãi cho chánh phủ Việt Nam tôi phải lựa chọn” Ý ông Nhu nói là ông phải lựa chọn một thế đứng mới làm điều kiện trả đũa áp lực của Hoa Kỳ. Cha Jean cũng nhận thấy chưa bao giờ ông Nhu tỏ vẻ tức giận Hoa Kỳ như vậy. Trong cuộc gặp gỡ hôm ấy ông Nhu muốn nhờ Cha Jean qua Đài Loan rồi trở qua Ba Lê. Về việc qua Đài Loan ông Nhu cho biết ông muốn nhờ Cha Jean nói với nhà cầm quyền Đài Loan biết rằng TT Diệm vẫn giữ vững lập trường chống Cộng không có vấn đề trung lập liên hiệp tuy nhiên ông Nhu nhấn mạnh: “Tuy nhiên nếu quốc gia chống Cộng như Trung Hoa Dân Quốc không giúp đỡ tích cực VNCH và không làm cách nào cho Hoa Kỳ bớt gây rối miền Nam thì buộc lòng VNCH phải chọn lựa nghĩa là sẽ có nói chuyện ngưng bắn và thiết lập quan hệ bình thường với Bắc Việt” Cha Jean đã tìm cách từ chối không qua Đài Loan.
Điểm sau cùng mà ông Nhu nhấn mạnh “Chánh phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ THDQ và chính vì thế Hoa Kiều tại Việt Nam đã hưởng mọi ân huệ. Nếu tình thế thay đổi nghĩa là khi chánh phủ Việt Nam buộc lòng phải bắt tay với CS Bắc Việt thì lúc ấy Hoa Kiều không còn được hưởng ân huệ như vậy và các tổ chức chìm nổi của chánh phủ Đài Loan tại Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn rồi tự nó tan rã”.
Trước khi ra về ông Nhu nắm chặt tay Cha Jean tiễn ra tận hành lang ông nhắc đi nhắc lại: “Bất cứ một người Công Giáo nào cũng không thể nghi ngờ được lập trường chống Cộng của Tổng Thống”. Ông Nhu ngập ngừng khẽ nhún vai dáng điệu ấy cho đến nay Cha Jean vẫn chưa thể quên. Ông Nhu nói: “Lập trường chống Cộng phải đi song song với lập trường dân tộc. Nếu Hoa Kỳ không tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam thì buộc lòng Tổng Thống sẽ phải xét lại công cuộc viện trợ. Chắc Cha cũng đã rõ, nhiều quốc gia sẵn sàng viện trợ cho Việt Nam, Tổng Thống sẽ cân nhắc lựa chọn”. Trong buổi tiếp xúc này, ông Nhu có vẻ muốn thanh minh hai điểm quan trọng:
1/ Không có chuyện đàn áp Phật Giáo.
2/ Tập thể Công giáo cứ yên tâm và tin tưởng vào lập trường chống cộng của Tổng Thống Diệm.
Từ Cha Jean đến BS Trần Kim Tuyến và giới lân cận ông Nhu đều nhận định rằng ông Nhu muốn thoát ảnh hưởng của Mỹ, muốn tìm một thế đứng mới nhưng chuyện mưu đồ bắt tay với CS chỉ là chiến thuật trả giá với Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ lại dùng “gậy ông lại đập lưng ông” quật ngã ông Nhu, khi họ cố tình cho rằng ông Nhu định bắt tay với CS. Một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp Việt Nam đã bị Hoa Kỳ lung lạc tinh thần bằng cái dư luận: Ông Nhu định điều đình với CS. Thực sự cơ quan CIA không thiếu gì phương tiện, nhất cử nhất động của ông Nhu không qua khỏi con mắt CIA. Có lẽ vấn đề ông Nhu bắt tay với CS không làm Mỹ lo ngại bằng cho vấn đề bang giao Việt Pháp mỗi ngày càng thêm tốt đẹp sau nữa là thái độ quá cứng rắn của TT Diệm trước những đề nghị của Mỹ mà TT Diệm cho rằng xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam (như vụ Cam Ranh. Đề nghị đặt Cố Vấn Mỹ cạnh Tỉnh Trưởng Việt Nam, lập phòng Dân Vụ Mỹ cạnh tòa Đại Biểu Chánh Phủ. Sau năm 1963 những đề nghị này được hậu các chánh phủ sau đảo chánh thỏa mãn ngay)
Trước năm 1962, bang giao Việt Pháp vẫn tẻ lạnh như buổi chợ chiều. Chánh phủ De Gaulle không một chút thân thiện nào đối với VNCH. Theo những tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu thì TT Diệm do sự thúc đẩy của ông Nhu đã gián tiếp ngỏ ý muốn qua hành hương tại Lourder và nhân cuộc hành hương này Tướng De Gaulle sẽ chính thức mời TT Diệm thăm viếng Ba Lê. Song điều đó bất thành.
CHẮP NỐI DUYÊN XƯA
Theo Cha Jean thì không phải chỉ năm 1963 ông Nhu mới nghĩ đến chuyện bang giao phát triển Việt Pháp và tìm mọi điểm tựa mới trong chính phủ De Gaulle. Năm 1961 trong chuyến du hành qua Maroc dự lễ đăng quang đức vua Hanssan II ông Nhu nhân dịp này ghé qua Ba Lê với tư cách riêng. Tuy vậy ông Nhu cũng đến thăm xã giao Ngoại Trưởng Pháp Couve De Murrville. Tuy với tư cách riêng Ngoại Trưởng Couve De Murrville cũng mở dạ tiệc khoản đãi ông Nhu với sự hiện diện của Đại Sứ Lalouette và ông Étienne Manach đặc trách Á Châu sự vụ tại Bộ Ngoại Giao Pháp. Tuy không đạt được một kết quả nào cụ thể nhưng chuyến thăm viếng Ba Lê lần này ông Nhu đã phá được bầu không khí tẻ lạnh giữa Pháp Việt. Kể từ năm 1961, ông Étienne Manach trở thành nhịp cầu thông cảm giữa hai quốc gia Việt Pháp. Hơn nữa vấn theo Cha Jean, ông Étienne Manach rất có thiện cảm với ông Nhu – một cựu sinh viên trường Cổ Học Ba Lê – đó cũng là một điểm hào quang dễ dàng thu hút sự cảm phục của giới ngoại giao Pháp. Trước năm 1960, các cha thừa sai Pháp (MEP) từng tỏ ra lạnh nhạt đối với chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng năm 1960 thái độ đã thay đổi. TT Ngô Đình Diệm trở lại ưu ái các cha thừa sứ Ba Lê đặc biệt những cha hoạt động trên vùng Cao Nguyên thì Tổng Thống mỗi ngày thêm tín nhiệm và kính phục. Đó cũng là tia sáng soi đường cho giai đoạn thân thiện với Pháp. Một trí thức cỡ như Ngô Đình Nhu tất nhiên dễ dàng thông cảm với Pháp hơn. Cái văn minh cơ khí của Mỹ có tiền dollars viện trợ dù to tát như thế nào cũng khó lòng đè bẹp được cái tinh hoa văn hóa Pháp đã tiêm nhiễm quá sâu xa trong con người trí thức như Ngô Đình Nhu.
Đó cũng là điều dễ hiểu khi ông Nhu giơ bàn tay tiếp nhận người bạn Pháp. Đó cũng là lý do đễ hiểu tại sao những năm 1960-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm cho mở hàng loạt tòa Đại Sứ tại các quốc gia Á Phi thuộc ảnh hưởng Pháp. Trong một bài báo nhan đề “La Paix manquée , của ký giả Georger Chaffard (express số 909) nhận định rằng trong cuộc gặp gỡ Couve De Murrville – Ngô Đình Nhu (1961) đã không đạt được kết quả vì ông Nhu quá tự ái. Couve De Murrville lại tỏ ra lạnh nhạt. Chaffard viết: ” Ông Couve De Murrville tin rằng thế nào chuyến sang Pháp lần này ông Nhu cũng ve vãn Pháp nhưng ông Couve De Murrville đã thất vọng vì trong suốt bữa tiệc ông Nhu chỉ đề cao chánh sách của anh em ông, ca ngợi khu trù mật và tự hào chế độ Ngô Đình Diệm đang mạnh. Vẫn theo Chafffard thì ông Étienne Manach linh cảm rằng, ông Nhu sang Pháp không phải chỉ để nói những lời “suông” như vậy… Ông Étienne Manach lại bố trí cuộc hội đàm Ngô Đình Nhu – Couve De Murrville từ Ratbat (Maroc) trên đường về ghé qua Ba Lê. Cuộc hội đàm không đi đến đâu… nhưng đó là cái mốc lớn mở đầu cho giai đoạn mới mà Đại Sứ Labouette đóng vai trò quan trọng. Đại sứ Labouette đã hiểu rõ sự rạn nứt trong mối tình đồng minh Việt Mỹ. Sự mâu thuẫn giữa Việt Mỹ càng ngày càng gia tăng và ông Nhu đã hơn một lần gián tiếp ngỏ ý cho Đại Sứ Labouette hay rằng đã đến lúc Pháp Việt phải cải thiện bang giao tại Bán Đảo Đông Dương. Đại Sứ Labouette trở thành người bạn thân của TT Diệm lẫn ông Nhu. Labouette đóng vai trò biện hộ cho chế độ Ngô Đình Diệm trước thái độ nghi ngờ của tướng De Gaulle – vì De Gaulle vẫn chưa quên bài học đau đớn 1954-1955, một mặt bị Mỹ đá khỏi Việt Nam một mặt chính quyền Ngô Đình Diệm tẩy chay Pháp. Theo George Chaffard nhận định thì theo ông Đại Sứ Labouette anh em TT Diệm quá nhiều tự ái dù anh em ông Diệm có muốn ve vãn Pháp đến mức nào chăng nữa, anh em TT Diệm cũng không nói thẳng ra được. Dần dần, tướng De Gaulle ngã theo hướng thuyết phục của Đại Sứ Labouette.
Nghĩa là: Với sựu mâu thuẫn Việt Mỹ, khi mà ông Nhu muốn dân Mỹ tìm một thế đứng mới thì đây là cơ hội tốt nhất để Pháp nhẩy vào Đông Dương, đóng vai trò mới.
Tưởng cũng nên ghi lại một số biến cố ngoại giao đáng cho Hoa Kỳ lo ngại. Tháng 2-63 một phái đoàn Dân Biểu Việt Nam chính thức sang thăm viếng Pháp quốc do ông Trưỡng Vĩnh Lễ hướng dẫn gồm có các dân biểu Nguyễn Hữu Chỉnh, Hà Như Chi, Nguyễn Quốc Hưng, Trần Văn Thọ. Phái đoàn Dân Biểu Việt Nam được đón tiếp một cách khác thường, Tổng Thống De Gaulle đã tiếp phái đoàn tại điện Elysée và cuộc hội kiến kéo dài 35 phút. Báo chí Pháp trong ngày 14-2-63 đã nhận định về cuộc hội kiến này. Tờ Le Monde cũng như France Soir coi đây như một biến cố lớn, một khúc quanh quan trọng trong cuộc bang giao Việt Pháp. Ngày 15-2, Thủ Tướng Murrville đã thảo luận rất lâu với phái đoàn Dân Biểu Việt Nam về chương trình hợp tác và viện trợ kinh tế văn hóa. Phòng thương mại Ba Lê cũng mở dạ hội khoản đãi phái đoàn DBVN với sự tham dự gần như đủ mặt giới doanh thương và kỹ nghệ Pháp. Người hoan hỉ nhất trong dịp này là Đại Sứ Labouette. Ông Đại Sứ đã thành công trong chặng đầu… Từ đó trở đi Đại Sứ Labouette trở thành một Đại sứ quan trọng sau Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon. Phản ứng của Hoa Kỳ như thế nào? Dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể công khai phản đối mối tình Việt Pháp nhưng Hoa Thịnh Đốn bắt đầu phản công lại.
Đại Tá Lansdale cũng như Fishel người đã từng ủng hộ hết lòng TT Diệm trong thời gian 1954-1955 thì 1963, ông lại là người tích cực vận động lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Fishel từng lưu ngụ tại Việt Nam đã từng cộng tác với chính quyền Ngô Đình Diệm thì 1963 ông lại chủ trương phải lật đổ ngay Ngô Đình Diệm dù phải dùng biện pháp máu sắt kể cả việc thanh toán cá nhân TT Diệm.
NGÔ ĐÌNH NHU – TƯỞNG KINH QUỐC
và
GÃ CHỦ NỢ KEO KIỆT
Trong 9 năm dấn thân vào hành động, Ngô Đình Nhu vẫn chỉ là con người cô đơn. Ông lại có quá nhiều kẻ thù. Kẻ thù nguy hiểm đối với ông vẫn là Cộng Sản nhưng sau CS thì người bạn Hoa Kỳ tuy vẫn có cái tình đồng minh nhưng cuộc hôn nhân Việt Mỹ theo tháng ngày trôi qua cùng với áp lực nặng nề thì cái tình ấy đã mong manh như giây tơ cuối cùng “còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi”. Đến nay bao nhiêu biến cố thăng trầm Cha Jean vẫn thấy lời ông Nhu nói vừa hữu lý vừa thấm thía.
“Thưa cha, người thông cảm sự đớn đau của Việt Nam không ai hơn TT Tưởng Giới Thạch và Lý Thừa Vãn. Đối với người Mỹ, chúng tôi chỉ là những kẻ đi vay nợ lãi”. Cha Jean cho biết sau cái chết của TT Diệm và ông Nhu, TT Tưởng Giới Thạch than thở: “Người Mỹ có trách nhiệm về vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Quốc Gia mất đi những đồng chí tâm đầu hợp ý”. Tướng Tưởng Kinh Quốc vẫn không thể quên hình ảnh một Ngô Đình Nhu, ông ta bàng hoàng trước tin Ngô Đình Nhu bị giết và sau này gặp Cha Jean Tưởng Kinh Quốc than thở: “người Mỹ đã lầm lỗi lớn ở Miền Nam, ông Nhu, là người chống Cộng có suy nghĩ, có chiến lược… Tôi đã khâm phục ông Nhu là một lãnh tụ lớn” (Viết theo lời Cha Jean)
Ở đây chúng tôi trình bày một vài điểm nhỏ để độc giả thấy rõ cái gọi là tình đồng minh giữa Việt Nam và Trung Hoa Dân Quốc đã thông cảm nhau đến mức độ nào. Và cũng là nguyên do làm cho ông Nhu phát ngán “người bạn” Mỹ.
Riêng Trung Hoa Dân Quốc và miền Nam trải qua cơn khủng hoảng vào nhưng năm 1956-1957 vì vụ TT Diệm ký sắc lệnh cấm Hoa Kiều không được hành nghề hai loại nhất là vụ Hoa Kiều nhập tịch Việt. Nhưng sau đó chính phủ Đài Loan đã cải thiện thái độ và thông cảm Chánh phủ Việt Nam. Năm 1957 Phó TT Trần Thành qua viếng thăm Việt Nam thì hai quốc gia đã tạo được một cơ hội tốt đẹp nhất để cùng phát triển tình huynh đệ. Hơn nữa chuyến công du của TT Diệm qua Đài Loan đã được TT Tưởng Giới Thạch mô tả như một biến chuyển lịch sử của tình huynh đệ trong cùng một chiến tuyến chống Cộng. Nhưng đây mới là hành động cụ thể của Chính Phủ Đài Loan để chứng tỏ tình huynh đệ ấy:
Năm 1959 BS Trần Kim Tuyến theo lời mời của Đại Tướng Chủ Nhiệm Quốc Gia An Toàn Cuộc (cơ quan Tình Báo) qua thăm viếng Đài Loan. Dịp này đôi bên đã trao đổi kinh nghiệm chuyên môn cũng như kỹ thuật tình báo chiến lược.
Quan điểm của Đài Loan là công cuộc chống Cộng phải đặt lên hàng đầu vượt khỏi những bất đồng về quyền lợi. Đại Tướng Chủ Nhiệm Quốc Gia An Toàn Cuộc cũng hướng dẫn phái đoàn thăm trung tâm kiểm thính (Service d’écouter) một trung tâm vĩ đại đặt dưới lòng đất có chiều dài cả cây số và được coi là một trung tâm tối tân nhất ở Á Châu. Phái đoàn Việt Nam ngỏ ý muốn được một trung tâm như thế nhưng đành bất lực không đủ tiền bạc. Lời ngỏ ý này được Đài Loan đặc biệt lưu tâm. Một chi tiết làm cho phái đoàn Việt Nam hết sức cảm động là Tướng Tưởng Kinh Quốc đã tiếp phái đoàn không bằng hình thức nghi lễ. Ông đã cư xử với phái đoàn VN như những đồng chí từ một trận tuyến trở về gặp nhau. Ngày đầu lưu ngụ tại Đài Bắc, Tướng Tưởng Kinh Quốc mời BS Trần Kim Tuyến ra nhà hàng dùng cơm một cách thân thiện và đôi bên cũng trao đổi kinh nghiệm về Cộng Sản. Tướng Tưởng Kinh Quốc cho rằng Đài Loan tự thấy có bổn phận phải sát cánh với Việt Nam. Sau đó Tướng Tưởng Kinh Quốc đã bất chấp khó khăn và quyết định giúp Việt Nam một trung tâm kiểm thính.
Quyết định này làm cho Hoa Kỳ tức giận không ít và có thể nói “chiến tranh lạnh” Việt Mỹ âm thầm mở màn từ vụ này (xin gọi là vụ kiểm thính)
NGƯỜI MỸ “NÓ” VIỆN TRỢ CÓ ĐIỀU KIỆN NHƯ RỨA
Tại sao Hoa Kỳ lại tức giận trước sự giúp đỡ tận tình của Đài Loan đối với Việt Nam? Sự thực thì không có gì khó hiểu bởi người Mỹ vẫn quen thói chủ nhân. Vụ kiểm thính tuy rất nhỏ nhưng đã nói lên một phần nào cái nguyên nhân mà ông Nhu nóng lòng muốn bứt bỏ người chủ nợ khó tính Hoa Kỳ.
Trước khi Pháp triệt thoái khỏi Việt Nam thì Phòng Nhì Pháp vẫn có một sở kiểm thính nhưng quá cổ lỗ nghèo nàn. Và sở kiểm thính này chỉ hoạt động theo một tầm mức hạn hẹp. Trước sự tiến bộ vượt bực của ngành kỹ thuật tính báo chiến lược thì một cơ sở kiểm thính như vậy không thể nào thỏa mãn được những đòi hỏi cấp bách và hữu hiệu. Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần ngỏ ý với Hoa Kỳ yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ cho một trung tâm nhưng Hoa Kỳ đều từ chối vì họ thấy không cần thiết có nghĩa là không có lợi gì cho họ vì lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã có một trung tâm kiểm thính tối tân. Hơn nữa Hoa Kỳ chỉ chỉ đồng ý đặt tại VN một trung tâm kiểm thính tối tân với điều kiện phải có chuyên viên của họ và dưới quyền điều khiển của họ. Điều kiện này TT Diệm bác bỏ ngay. Sự thực lúc ấy Hoa Kỳ cũng lơ là không mấy sốt sắng cho nên vấn đề “trung tâm kiểm thính” rơi vào quên lãng.
Sau trận chiến tranh Cao Ly ngoài Mỹ và Anh, Trung Hoa Quốc Gia là nước (ngoài Cộng Sản) có một trung tâm kiểm thính tối tân ngoại hạng. Nhờ trung tâm kiểm thính này với máy móc điện tử tuyệt hảo, Đài Loan có thể kiểm soát được toàn bộ các làn sóng điện trên Hoa Lục. Một sư đoàn của Trung Cộng di chuyển từ điểm A đến điểm B cũng không qua khỏi kiểm soát của Trung Tâm kiểm thính Đài Bắc (nhờ khả năng bắt các làn sóng điện từ hệ thống vô tuyến điện của địch). Chính quyền VN ao ước thèm thuồng có được một trung tâm như thế thì khả năng tình báo chiến lược sẽ gia tăng vượt mức. Nhưng Hoa Kỳ từ chối viện trợ, VN đành bó tay.
Sau chuyến thăm viếng Đài Bắc của BS Trần Kim Tuyến thì Quốc Gia An Toàn Cuộc của Trung Hoa Dân Quốc quyết định viện trợ vô điều kiện cho VN cả chuyên viên lẫn máy móc để thành một trung tâm kiểm thính (gồm một số đài cỡ nhỏ máy móc tối tân). Hành động này đã chứng tỏ sự giúp đỡ thực tâm của Đài Loan nhưng Hoa Kỳ nhất là phía CIA tuy không công khai phản đối nhưng ngấm ngầm đã phát tức giận.
Sự tức giận của Hoa Kỳ cũng có lý vì máy móc kiểm thính của Đài Loan đưa sang Việt Nam lại chính là những máy móc do Mỹ viện trợ cho Đài Loan. Những máy móc ấy được đóng thùng rồi bí mật gởi qua Saigon mà không có một lời nào thông báo cho Mỹ, khi người Mỹ biết được thì sự đã rồi. Hơn nữa dù không bằng lòng cũng không thể nói gì khác hơn là im lặng. Hơn nữa, ai cũng biết Tướng Tưởng Kinh Quốc là một nhân vật uy quyền của Đài Loan vừa với tư cách Tổng Thư Ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia lại vừa là Tổng Thanh Tra Quân Đội (1959) nên ông có đủ thẩm quyền quyết định viện trợ đặc biệt cho Việt Nam như vậy và qua mặt Mỹ “cái vù“. Vả chăng Tưởng Kinh Quốc vẫn nổi tiếng là con người không ưa gì Mỹ.
CHÍNH HOA KỲ ĐÃ ĐẨY ÔNG NHU VÀO THẾ CHÂN TƯỜNG
Kể từ khi Trung Hoa Quốc Gia thiết lập một số đài kiểm thính tại Việt Nam (chẳng hạn đài kiểm thính Phú Bài Huế) thì hiệu năng tình báo gia tăng mạnh mẽ. Điều đáng kể những đài kiểm thính này đều đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Sở Nghiên Cứu Chính Trị. Nhân viên Trung Hoa Quốc Gia tự coi như nhân viên của Sở Nghiên Cứu Chính Trị Việt Nam. Không những đài kiểm soát được toàn bộ các làn sóng điện của Bắc Việt, Lào Quốc mà còn bao trùm cả miền Hoa Nam. Tuy nhiên có một điều Hoa Kỳ không vừa ý là vì kết quả khai thác của Đài Kiểm Thính đã không được chuyển giao cho Hoa Kỳ. Mãi sau này, khi chiến cuộc bộc phát mạnh, Hoa Kỳ mới thiết lập một trung tâm kiểm thính khác (1962) gần Bộ Tổng Tham Mưu để họ xử dụng riêng trong phạm vi cơ quan MACV. Qua vụ đài kiểm thính ta cũng thấy rõ một phần nào bản chất của viện trợ Mỹ tại xứ này. Rồi vụ đài Phát Thanh Sài Gòn nữa. Khoảng đầu năm 1960 TT Diệm muốn gia tăng hiệu năng vô tuyến thanh mà Đài Saigon lại quá yếu. Ngân sách không cho phép phát triển theo ý muốn hầu có thể đương đầu với hiệu năng quá lớn mạnh của Đài Phát Thanh Hà Nội. Tất nhiên là phải yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ. Song người Mỹ chỉ đồng ý viện trợ máy móc tối tân cùng với chuyên viên điều khiển của họ. TT Diệm cho rằng đây là một trò chơi nguy hiểm. Ông Nhu cũng lo ngại vì nếu như máy móc đặt trong tay chuyên viên Hoa Kỳ thì nếu có một biến cố lớn nào xảy ra, Hoa Kỳ có thể chơi xấu và phá đám bằng khả năng kỹ thuật của họ. Phía Việt Nam có đề nghị Hoa Kỳ huấn luyện chuyên viên Việt Nam và chỉ cần viện trợ máy móc cũng đã quá đủ. Đề nghị này không được Hoa Kỳ chấp thuận, cuối cùng TT Diệm bỏ qua không nhắc nhở đến nữa.
Kể từ năm 1962 thế lực Mỹ mỗi ngày một gia tăng và bao trùm nhiều ngành sinh hoạt quốc gia, chiến tranh càng lan rộng thì thế lực Mỹ cũng có nhiều cơ hội thuận tiện nhất để khống chế chính quyền Ngô Đình Diệm. Theo BS Tuyến ông Nhu tâm sự rằng: “Ngân sách Quốc Phòng tăng như rứa viện trợ như rứa…buộc phải tìm lại thế quân bình. Chiến tranh càng kéo dài càng bất lợi cho chế độ”. Theo ông Nhu (thường thổ lộ với BS Trần Kim Tuyến cũng như một số cộng sự viên thân cận) thì chiến tranh sẽ phải sớm chấm dứt. Một là dốc toàn lực để đè bẹp Cộng Sản. Nếu hai bên còn nghiêng ngửa và chiến tranh chiều hướng kéo dài thì phải tìm cách chấm dứt bằng giải pháp chính trị. Ông Nhu tin tưởng Ấp Chiến Lược là một căn bản và một ưu thế cho giải pháp chính trị để chấm dứt chiến tranh. Khi khả năng quốc phòng và chiến tranh phải tùy thuộc vào viện trợ Mỹ thì sự mất mát chủ quyền là một điều khó có thể tránh được. Theo Lương Khải Minh cũng như những nhân vật trọng yếu gần TT Diệm thì vấn đề chủ quyền quốc gia đối với TT Diệm là vấn đề số I. Chủ quyền quốc gia gắn liền với tính tự ái quá cao của ông Tổng Thống. Bằng chứng là năm 1961-1962 các cố vấn quân sự Mỹ khuyến cáo chính quyền Ngô Đình Diệm bãi bỏ ngành Hiến Binh. Lúc đầu TT Diệm có vẻ thuận ý qua lời trình bày của Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần. Ông Thuần cũng chỉ trình theo đề nghị của cố vấn quân sự Mỹ. TT Diệm có một do dự là ngành Hiến Binh đang phục vụ đắc lực, ông TT vẫn tin tưởng vào Hiến Binh vì cho rằng Hiến Binh “làm việc đúng đắn rành pháp luật“. Nhưng sau đó, TT Diệm cho xếp lại và vẫn duy trì ngành Hiến Binh. TT Diệm bảo ông Thuần: “Cứ thư thả, không có thay đổi gì hết, họ (tức Hoa Kỳ) nói sao mình cũng làm vậy thì còn gì là thể thống quốc gia”. Sự thực lúc đầu TT Diệm cũng nghiêng theo lời trình bày của ông Thuần nhưng bỗng hầm hầm nổi giận khi ông Thuần cho biết, Cố vấn quân sự Mỹ muốn bãi bỏ ngành Hiến Binh chỉ vì quân đội Hoa Kỳ không có ngành này (MP đảm trách mọi việc). Cố vấn quân sự Mỹ cho rằng đã có Quân Cảnh rồi thì Hiến Binh không cần thiết và sẽ có riêng loại Quân Cảnh Hiến Binh. Cố vấn quân sự Mỹ cho biết, nếu không bãi bỏ ngành Hiến Binh thì Hoa Kỳ không để dành một ngân khoản viện trợ cho một ngành không cần thiết như vậy. TT Diệm coi đây là một áp lực và vô tình xúc phạm đến tự ái của một vị Tổng Thống cai trị dân theo quan niệm “thiên mệnh”. Do đó mà ngành Hiến Binh bao nhiêu lần có tin đồn bãi bỏ rút cuộc vẫn được duy trì cho đến sau ngày đảo chánh 1-11-1963.
Trên đây là một vài sự kiện trong bao nhiêu những sự kiện đau lòng khác và đó cũng là một nguyên nhân đẩy ông Nhu vào một lựa chọn mới.
KHÔNG THỂ LÀM TAY SAI MỘT CÁCH TRƠ TRẼN
Mâu thuẫn Mỹ Việt càng trầm trọng khi chiến cuộc mỗi lúc càng gia tăng. Trước hết Việt Mỹ đã xung khắc ngay từ buổi đầu của cuộc hôn nhân. Nói đúng hơn, miền Nam trở thành một phận gái hẩm hiu do cảnh ngộ của lịch sử mà phải ép duyên gán nợ cho anh chồng trọc phú. Xin trở lại vụ Đài Phát Thanh để dễ dàng sáng tỏ tính chất xung khắc qua cuộc hôn nhân miễn cưỡng này. TT Diệm khao khát có được một Đài Phát Thanh tối tân và hiệu năng của nó có thể tương đương với đài Hà Nội, trước hết vì đòi hỏi có một chiến lược chính trị trường kỳ tại Bắc Việt với hiệu năng lớn mạnh của Đài Saigon thì chính quyền miền Nam mới để dành một chương trình đặc biệt hướng về toàn thể miền Bắc và xa hơn nữa là đi Ai Lao, Bắc Thái Lan là những nơi có hàng ngàn Việt Kiều cư ngụ. Đài Saigon không đủ khả năng hoạt động trong một khu vực rộng lớn như vậy. Chính quyền miền Nam đành bó tay vì Hoa Kỳ từ chối lời yêu cầu tối tân hóa Đài Saigon. Trong khi đó thì Hoa Kỳ sẵn sàng viện trợ cho Việt Nam một đài tiếp vận địa phương (mà ngân khoản tổn phí có thể gấp đôi ngân khoản tối tân hóa Đài Saigon).
Tại sao lại có vụ mâu thuẫn kỳ cục như vậy? Điều giản dị là Hoa Kỳ muốn độc quyền truyền thanh “tiếng nói chống cộng” của họ qua bức màn sắt, Hoa Kỳ không muốn miền Nam được quyền “chia xẻ”… Cho đến nay, Đài Saigon không có gì khả quan hơn xưa. Điều mà trước năm 1963 TT Diệm ước ao có một một chương trình phát thanh đặc biệt hướng về miền Bắc (với một hiệu năng tối đa) thì nay đã có (1964-1970) nhưng chương trình ấy lại nằm trong hệ thống đài VOF (Voice of Freedom) tuy Đài đặt ngay tại Thủ Đô Saigon và do nhân viên người Việt đảm trách nhưng thực chất nó là của Hoa Kỳ qua miệng người Việt.
Tóm lại, Hoa Kỳ quan niệm Đài Phát Thanh Sài Gòn chỉ có một nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong lãnh thổ miền Nam , còn miền Bắc đã có Hoa Kỳ lo liệu (trước hết là Đài VOA sau là Đài VOF). Trí thức Ngô Đình Nhu thúc thủ trong một thực tại viện trợ như vậy thì chỉ còn một con đường là cam phận làm tay sai một cách thiếu thông minh trơ trẽn. Ông Nhu lựa chọn một thế đứng mới tức là lựa chọn một con đường giải thoát anh bạn chủ nợ keo kiệt. Tiếc thay con đường đó lại đem đến sự giải thoát vĩnh viễn cả ba anh em ông Nhu. Nói ra những mâu thuẫn Việt Mỹ thì nhiều lắm, mâu thuẫn về quan điểm lập trường… mâu thuẫn về chiến lược, chiến thuật. Khi ông Nhu trở lại thân thiện với Pháp, thì chỉ một chiến thuật tạo thế chân vạc và cũng là điều kiện dọa Hoa Kỳ “Nếu anh bắt bí tôi quá tôi bỏ anh”…
“Tôi sẽ không cô đơn. De Gaulle đã sẵn sàng”. Một khi De Gaulle thân thiện với miền Nam thì lẽ tự nhiên Sihanouk sẽ không thể theo đuổi chính sách thù nghịch với miền Nam nữa và cũng là con đường đưa đến thỏa hiệp với miền Bắc. Trước sau cái gút của vấn đề chỉ là Pháp. CIA không khi nào để cho miền Nam một mặt sống vì viện trợ Mỹ, một mặt lại đưa tay nắm bàn tay De Gaulle (vẫn bị coi là kẻ thù của Mỹ) CIA không e ngại nhưng toan tính của ông Nhu trong việc tìm thế thỏa hiệp với Cộng sản Bắc Việt nhưng CIA coi việc Miền Nam thân thiện với Pháp là một biến cố nguy hiểm và phải đập vỡ ngay từ trong trứng nước.
MỸ MUỐN VIỆT NAM CÓ MỘT THỨ CIA KIỂU MỸ
Năm 1963 Hoa Kỳ chủ trương phải leo thang chiến tranh mạnh và quyết liệt .
Trong một chiều hướng như vậy thì làm sao ông Nhu có thể lựa một thế đứng mới ? (dựa vào Pháp để cân bằng thế lực Mỹ và giảm thiểu thế lực ấy sau mới tính chuyện với Cộng Sản) nhưng nực cười thay, giai đoạn mà chế độ Ngô Đình Diệm toàn thịnh, miền Bắc đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và hậu quả của cuộc đấu tố đẫm máu thì Hoa Kỳ lại chủ trương không can thiệp vào miền Bắc, duy trì sự bình thường giữa hai miền Nam Bắc như hai quốc gia !!!
Đây là những sự kiện rõ rệt chứng tỏ chủ trương của Hoa Kỳ trong giai đoạn 1957-1958 .
Khi Sở Nghiên Cứu Chính Trị được thành lập do ông Vũ Tiến Huân làm Chánh sở thì Hoa Kỳ muốn đặt sở này vào vai trò tính báo chiến lược tương tự như CIA của họ. Với vai trò như CIA thì Sở Nghiên Cứu Chính Trị chỉ có nhiệm vụ hoạt động tại quốc ngoại, nhưng thân phận của một nhược tiểu như Việt Nam thì vai trò ấy quả không cần thiết. Chả lẽ Sở Nghiên Cứu lại gửi người qua Ấn Độ để gây xáo trộn và lật đổ chính phủ Ấn Độ? Chả lẽ Sở Nghiên Cứu lại cho nhân viên qua Indonesia để âm mưu lật đổ Sukarno? Dù có muốn thế chăng nhưng phương tiện ở đâu và để làm gì? Theo phương thức của Hoa Kỳ thì Sở Nghiên Cứu Chính Trị Việt Nam là một thứ CIA lo phần quốc ngoại. Cảnh sát Công an là một thứ FBI lo phần quốc nội. Quốc ngoại là những đâu? Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy quốc gia láng giềng như Thái Lan, Ai Lao, Cambodge. Thái lan và Ai Lao thì chỉ có Việt Kiều là phạm vi hoạt động đáng kể. Vậy thì hoạt động quốc ngoại của Sở này chỉ có Cambodge là đáng kể nhất – nếu không muốn nói là duy nhất sau đó là đến miền Bắc vẫn được tạm coi là một “quốc gia” (về mặt chuyên môn và thực tại chánh trị của nó)
Ở đây chúng tôi chỉ nói sơ qua về công tác tính báo tại Cambodge và Bắc Việt để một lần nữa thấy rằng, người Mỹ khó hiểu lắm và chớ lầm tưởng họ dại khờ. Cá nhân họ có thể dại khờ nhưng cả một hệ thống cộng đồng Mỹ thì vô cùng tinh xảo và khôn lanh tuyệt mức dưới cái lớp vỏ dại khờ của mỗi cá nhân.
Đó cũng là lý do dễ hiểu tại sao Đại Tướng Hakkins (Tư Lệnh MACV 1963) cũng như Đại Tá Richardson (Giám đốc CIA tại Việt Nam 1963) ủng hộ TT Diệm và dành cho Tổng Thống một cảm tình nồng hậu nhưng cuối cùng chế độ Ngô Đình Diệm vẫn bị lật nhào. Bởi chính tổ chức này được coi là nguy hiểm chỉ vì bản chất tồn tại của nó được phát biểu bằng năng biểu “tồn tại từ mâu thuẫn cá nhân cực độ trong đồng nhất tổ chức và toàn bộ” .
CÁI THẾ CỦA KẺ KHÓ ĂN ĐONG
Riêng những công tác tính báo tại miền Bắc (phần đầu đã nói sơ qua) thì Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đã bất đồng sâu xa. Chính quyền miền Nam muốn chú trọng về tình báo chiến lược. Hoa Kỳ ngược lại chỉ chấp thuận những hoạt động có tính cách tình báo chiến thuật. Phương tiện hoạt động của Sở Nghiên Cứu lúc đầu đều tùy thuộc vào khả năng viện trợ Mỹ. Mà Mỹ viện trợ cho từng điệp vụ và những “vụ” này phải là những công tác phối hợp tay đôi (Việt Mỹ). Năm 1957, chính quyền miền Nam rất muốn thực hiện một kế hoạch tình báo chiến lược tại miền Bắc, trước hết nhằm vào các vùng Thượng Du (Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Lai Châu, Hòa Bình) sau là hai miền Bùi Chu, Phát Diệm. Nếu kế hoạch này được thực hiện cùng với phương tiện dồi dào thì sẽ tiến đến sự thành lập một Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc làm động cơ phát động du kích chống Cộng từ mỗi cục bộ địa phương nhằm đến toàn bộ miền Bắc.
Muốn được như thế thì phải đòi hỏi một ngân khoản quá lớn lao và một sự đài thọ liên tục và dồi dào. Cuối cùng kế hoạch ấy chỉ còn là ảo mộng vì Hoa Kỳ chỉ thỏa thuận tài trợ cho những điệp vụ phối hợp có tính cách trắc nghiệm khả năng tình báo (cả miền Bắc lẫn miền Nam) Những điệp vụ phối hợp đó chỉ nhắm thả người ra Bắc với nhiệm vụ thâu lượn tin tức, gây rối phá hoại như phá hoại đường xe lửa, ném lựu đạn đặt chất nổ, nghĩa là hoàn toàn có tính cách chiến thuật giai đoạn. Chống Cộng mà lại chống ngay trong vùng Cộng Sản (Bắc Việt) thì như thế quả là ngây ngô lố bịch vì không khác gì kẻ cho ăn đong giữa khi đói kém, khốn nỗi miền Nam lại ở vào tư thế của kẻ khó ăn đong mà Hoa Kỳ thì nắm hầu bao rất chặt.
Đại cương sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và miền Nam là nhu vậy. Giai đoạn 1957-1958… Hoa Kỳ chỉ chủ trương chống Cộng tại miền Nam mà thôi .
CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM
SIHANOUK VÀ MỸ
Trong khi Hoa Kỳ cố loại bỏ ảnh hưởng của Pháp tại miền Nam thì ngược lại họ vẫn củng cố Sihanouk mặc dầu ai cũng biết Sihanouk chỉ là con cờ của Pháp phải duy trì bằng bất cứ giá nào tại Đông Dương.
– Năm 1956, ông Ngô Đình Nhu qua Nam Vang cùng với chủ trương ve vãn Sihanouk. Lúc ấy Hoa Kỳ chưa phải là thế lực đáng kể tại bán đảo Đông Dương. Và Hoa Kỳ tán trợ đường lối ve vãn Sihanouk của ông Nhu. Theo BS Trần Kim Tuyến thì ông Nhu được Sihanouk đón tiếp một cách trọng thể. Tuy không có nghi lễ chính thức nhưng Sihanouk đã dành cho ông Nhu một ngoại lệ nghĩa là tiếp ông như một Quốc Trưởng. Sau đó Sihanouk chính thức được mời qua thăm Việt Nam và dịp này Sihanouk được tiếp đón hết sức trọng thể. Cuộc hội đàm Sihanouk Ngô Đình Nhu được coi là rất tốt đẹp. Nhưng TT Diệm vốn là người không khéo léo trong sự giao tế qua hình thức nghi lễ. Vẫn theo Bác Sĩ Tuyến, trong cuộc gặp gỡ Sihanouk, TT Diệm vẫn giữ vẻ nghiêm trang đạo mạo . . . Do đó mà thiếu sự thân mật cởi mở cần phải có đối với một người xảo quyệt và có tài”diễn xuất” như Sihanouk .
Kết quả là khi trở về nước Sihanouk lại tiếp tục chính sách ve vãn CS và bất thân thiện với miền Nam. Cũng từ đó VNCH và Cambodge giữ miếng nhau. Theo BS Tuyến, ông Nhu chủ trương “phải triệt hạ cho bằng được Sihanouk ” Khi ông Nhu chủ trương như vậy thì Hoa Kỳ tiếp tục ve vãn Sihanouk. Một xa lộ thênh thang nối liền Nam Vang với Sihanoukville được Mỹ thực hiện để làm quà dâng cho ông vua xứ Chùa Tháp. Rồi một bệnh viện lớn cũng được Hoa Kỳ xây cất tại Nam Vang. Nhưng Sihanouk vẫn tiếp tục công kích Mỹ. Xa Lộ Nam Vang Sihanoukville do Mỹ viện trợ khánh thành chưa được bao lâu thì Trung Cộng lại nhảy vào viện trợ cho Cambodge và dựng lên cả một hệ thống cột điện chạy dài trên xa lộ của Mỹ. Bệnh viện tai Nam Vang do Mỹ xây cất thì lại do Nga Sô viện trợ máy móc cùng các đồ trang thiết bị thuốc men với một số bác sĩ Nga. Dù ve vãn, Mỹ vẫn bị Sihanouk đá bay khỏi Cambodge .
Tuy vậy, Mỹ vẫn cố gắng tìm mọi cơ hội ve vãn Cambodge và đồng thời ngăn chặn không cho miền Nam phá Sihanouk. Hậu quả là Mỹ vẫn “tay trắng” tại Cambodge. Nhưng Mỹ muốn tách biệt Miền Nam với Cambodge. Chúng tôi kể lại đây một câu chuyện mưu sát Sihanouk do miền Nam chủ động nhưng Mỹ lại chịu tai bay vạ gió và nồng độ chống Mỹ của Sihanouk lại càng tăng. Đây cũng là thí dụ cho biết rằng đối với Mỹ thì đừng có do dự, khúm núm và phải đặt Mỹ vào việc trước đã rồi và phải trói chặt chân họ vào biến cố. Và ta phải làm chủ biến cố đó. Chính sách chủ nhân ông độc quyền. Dân nhược tiểu phải biết điều đó. Tháng 8 năm 1963, bà Ngô Đình Nhu nói trong phiên họp Phụ Nữ Liên Đới rằng “Phải trói chân trói tay mấy thằng phiêu lưu (ám chỉ Mỹ) mà hành hạ”. Câu nói đó tuy có đại ngôn nhưng nghĩ lại cũng đáng cho ta suy nghĩ. Trở lại câu chuyện ám sát Sihanouk năm 1961 thì đó cũng là “trước ám sát Sihanouk” “sau hành hạ Mỹ cho vui” . Số là, sau khi ông Ngô Trọng Hiếu rời khỏi chức vụ đại diện Việt Nam tại Cambodge thì tòa đại diện Việt Nam vẫn duy trì cơ sở như cũ. Việt Nam Căm Bốt tuy rất căng thẳng nhưng chưa đến nỗi đoạn giao. Dù vậy cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống vẫn nhận được chỉ thị phải “hạ” Sihanouk bằng bất cứ cách nào. Âm mưu này muốn đạt được kết quả thì trước hết phải canh chừng Mỹ. Xử lý chức vụ đại diện lúc ấy là ông Phạm Trọng Nhơn, một điệp viên của Việt Nam hoạt động tại Nam Vang có biết được một kỹ sư Mỹ (có trách nhiệm thiết lập xa lộ Nam Vang Sihanoukville) là chỗ thân quen của họ Sihanouk. Bà mẹ Sihanouk lại nổi tiếng là người nhận hối lộ và quà biếu. Điệp viên này được mật lệnh của Phủ Tổng Thống là phải bám sát viên kỹ sư Mỹ và tìm cách “khai thác” ông ta nếu có thể được. Điệp viên kể trên báo cáo cho cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống biết là viên kỹ sư Mỹ sắp lên đường về Mỹ qua ngả Hongkong . Ngày lên đường về nước viên kỹ sư Mỹ có đến chào cáo biệt Quốc Trưởng Sihanouk và Hoàng Thái Hậu. Đó cũng là ngày Saigon bật đèn xanh cho phép các điệp viên hành nghề. Réseau tại Nam Vang có chuyển về Saigon một tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ này cùng bút tích ông ta. Lập tức cơ quan tình báo phủ Tổng Thống in lại một số danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ (rập đúng y khuôn) và trao phó cho một chuyên viên nghiên cứu tuồng chữ của ông ta và sẽ giả mạo tuồng chữ này cho công tác điệp vụ. Kế hoạch được trình bày lên ông Nhu và ông hoàn toàn tán thành. Sau đó, hai chiếc vali tuyệt đẹp được dùng giết Quốc Trưởng Sihanouk. Chiếc vali thứ nhất thì bình thường trong đựng một số kỷ vật quý giá xuất xứ tại Hongkong. Chiếc thứ hai chính nó sẽ quyết định số mạng của Sihanouk ngoài một số kỷ vật còn có một cái hộp ngà hảo hạng xuất phát từ Đài Loan, một loại chất nổ ghê gớm cực mạnh (dành cho các điệp viên) được cho vào cái hộp cùng một bộ phận cơ bấm tinh vi khác và bộ phận này được nối với nắp vali, khi mở vali thì tự động chất nổ bộc phát ngay. Sau khi hóa trang và làm dấu cẩn thận… hai chiếc vali này được giải lên lên xe mang biển số ngoại giao của ông Xử lý đại diện Phạm Trọng Nhơn. Chính ông Phạm Trọng Nhơn có nhiệm vụ chuyển hai chiếc vali này lên Nam Vang nhưng ông cũng không được biết “nội dung” ra sao và ông Nhơn cũng chỉ “cảm thấy” có chuyện gì khác lạ sắp xảy ra.
SIHANOUK THOÁT CHẾT
KẾ HOẠCH CỦA ÔNG NHU BẤT THÀNH
Nhờ mang xe số ngoại giao đoàn của ông Phạm Trọng Nhơn nên hai chiếc vali “nguy hiểm” đã vượt qua biên giới và đến tòa Đại Diện hoàn toàn tốt đẹp.
Tại Sài Gòn, cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống theo dõi từng giây phút với bao nhiêu lo âu hồi hộp. Nếu như bị tình báo Cambodge khám phá thì bang giao Miên – Việt lần này sẽ đứt đoạn luôn không còn gì hàn gắn đươc nữa. Ông Ngô Đình Nhu cùng mấy cộng sự viên thân cận đã tính toàn thế này, nếu giết được Sihanouk thì việc đầu tiên là phải đưa Sơn Ngọc Thành về Nam Vang để làm chủ tình hình.
Ngoài mấy điệp viên chủ chốt thì Tòa Đại Diện Việt Nam không một ai hay biết gì về âm mưu này kể cả ông Đại Lý Phạm Trọng Nhơn cũng chỉ được “rỉ tai” sơ qua sẽ là có một vụ nổ lớn tại Nam Vang.
Theo kế hoạch đã dự định, điệp viên Nguyễn Nhơn cải trang thành một nhân viên của nhà thầu Mỹ nơi mà viên kỹ sư Mỹ phục vụ. Khoảng 9 giờ sáng, điệp viên Nhơn dùng xe hơi vào Hoàng Cung để trao tặng phẩm của viên kỹ sư Mỹ. Nhơn nói là viên kỹ sư Mỹ khi ghé qua Hongkong đã mua hai vali tặng phẩm này để gửi tặng Quốc Trưởng Sikanouk và ông Giám Đốc Nghi Lễ.
Giám Đốc Nghi Lễ Hoàng cung Cambodge cũng là chỗ bạn thân của viên kỹ sư Mỹ nên không do dự gì cả và ông vui vẻ nhận hai chiếc vali quý giá. Chiếc vali thứ nhất tặng viên Giám Đốc Nghi Lễ cùng với danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ và trên danh thiếp không quên viết mấy hàng hỏi thăm viên Giám Đốc Nghi Lễ.
Sau vụ ám sát hụt này, báo chí Cambodge đã có dịp tường thuật khá đầy đủ. Riêng về phía tình báo Phủ Tổng Thống lúc bấy giờ được báo cáo nội vụ như sau: Khi viên Giám Đốc Nghi Lễ mở chiếc vali phần tặng của ông ta thì chiếc vali này toàn chứa đựng những tặng phẩm đắt tiền. Sau đó ông ta đem chiếc vali vào phòng khách riêng của Sihanouk. Chiếc vali này niêm phong kỹ càng đề chữ “Kính tặng Hoàng Thái Hậu và Quốc Trưởng Khmer” cùng với phong thư đựng tấm danh thiếp của viên kỹ sư Mỹ với những lời lẽ rất đẹp “kính thăm” và chào cáo biệt Hoàng Thái Hậu và Quốc Trưởng Sikanouk. Phòng khách lúc ấy có mặt cả hai mẹ con Sihanouk. Nhưng lại nhằm đúng vào giờ Thái tử Sihanouk và Hoàng Thái Hậu phải ra đại sảnh để tiếp đón phái đoàn sinh viên Trung Quốc cùng đi với một số sinh viên Cambodge.
Thái tử Sihanouk vừa cất lời khuyên nhủ sinh viên thì một tiếng nổ kinh hoàng làm rung động cả Hoàng Cung. Số là, khi Thái tử Sihanouk và Hoàng Thái Hậu ra đại sảnh tiếp sinh viên thì có nhẽ, viên giám đốc mở vali lấy quà tặng để dâng Thái Tử nên chiếc vali phát nổ, viên giám đốc Nghi Lễ chết tan thây. Cả thủ đô Nam Vang náo động. Buổi phát thanh vào lúc 12 giờ trưa đài VOA cũng như Mạc Tư Khoa đều loan tin và cho biết vắn tắt Thái tử Sihanouk thoát hiểm, nhưng dân Nam Vang lại không tin và cho rằng Sihanouk đã chết tan thây.
12 giờ trưa nghe tin đài VOA, cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống đã lấy làm mừng và sửa soạn thực hiện giai đoạn hai nghĩa là đưa Sơn Ngọc Thành về Nam Vang nhưng chỉ ít phút sau, một tài liệu từ Nam Vang gửi về Saigon cho biết, âm mưu bất thành. Cho đến lúc ấy, tòa Đại Sứ Mỹ vẫn chưa được biết tình báo Việt Nam chủ động vụ này. Nhưng chỉ một ngày sau thì báo chí Cambodge đều chĩa mũi dùi vào Mỹ và cả quyết Mỹ âm mưu sát hại Thái tử Sihanouk. Bang giao Mỹ Cambodge lại một lần nữa thêm căng thẳng. Có một điều lạ Cambodge không hề nghi ngờ là Saigon. Hoa Kỳ lãnh đủ cơn tai bay vạ gió này. Dư luận báo chí Cambodge lại có dịp ồn ào và mạt sát Mỹ thậm tệ nhất là mấy nhật báo như La Dépeche Cambodge, Bang Khoeum Monous. Sau đó ít lâu một người Việt Nam bị bắt vì Cambodge tình nghi ông ta là nhân viên tình báo CIA có liên quan đến vu mưu sát Thái tử Sihanouk. Thực ra, Phạm Thanh Tòng (tên thật Phan Vinh Tòng) (tên đương sự) hết sức oan uổng vì ông ta chỉ làm nghề viết báo. Đương sự bị kết án tử hình. Mãi gần đến sau cuộc đảo chánh của Lon Nol ông mới được trả tự do.
Cuộc mưu sát Sihanouk bất thành nên kế hoạch đưa Sơn Ngọc Thành về Nam Vang đành xếp lại. Miền Nam bắt đầu nghiên cứu một kế hoạch mới mà Sơn Ngọc Thành sẽ giữ một vai trò chủ chốt.
Trước vấn đề nan giải này, ông Nhu hỏi BS Tuyến xem có cắt xén ngân sách và ngoại viện được không. Điều này không thể được vì sẽ lộ ngay và khi tòa Đại Sứ Mỹ biết được thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận dùng khoản tiền ngoại viện để viện trợ cho họ Sơn. Do đó chỉ còn cách trích trong ngân quỹ đen của Phủ Tổng Thống. Nếu dồi dào phương tiện thì Sơn Ngọc Thành có đủ khả năng phát triển tổ chức của ông đến mức độ lớn mạnh. Nhưng rút cuộc, ông ta đành thúc thủ trong một hoàn cảnh hết sức thiếu thốn. Mỗi tháng Phủ Tổng Thống chỉ có thể viện trợ cho Sơn Ngọc Thành vài ba trăm ngàn bạc mặt.
Tuy có điều số tiền này được trao tận tay cho họ Sơn và ông ta có thể chi tiêu như thế nào tùy ý. Điều đó theo BS Tuyến đã làm cho Sơn Ngọc Thành cảm động vì tuy nhận tiền của Việt Nam ông vẫn không bị xúc phạm vì lòng tự ái quốc gia của một lãnh tụ lớn.
Nơi ăn chốn ở và sự đi lại di chuyển của Sơn Ngọc Thành hoàn toàn bí mật. Cơ quan CIA của Mỹ cũng biết nhưng không có một phản ứng nào vì lẽ tiền mà Việt Nam tài trợ cho Sơn Ngọc Thành không thuộc ngân sách ngoại viện. Đầu năm 1960 lực lượng họ Sơn quy tụ vào khoảng 400 tay súng phân tán trong hai vùng mật khu Châu Đốc và Bình Long. Sĩ Quan Việt Nam trực tiếp đảm nhận và huấn luyện và làm cố vấn cho lực lượng võ trang này. Tuy họ có tính thần chiến đấu hoàn toàn gan dạ nhưng lại thiếu thốn về mọi phương diện nhất là vũ khí, quân trang, quân dụng. Trong khi đó Hoa Kỳ thì vũ khí đổ đi không hết nhưng tuyệt nhiên Hoa Kỳ không viện trợ cho lực lượng Sơn Ngọc Thành lấy một cây súng Garant. Chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ còn cách vơ vét một số khí giới thuộc loại phế thải của Pháp, như MAT 49, MAS 36 để giúp họ Sơn. Nếu nói rằng Mỹ viện trợ vũ khí cho Việt Nam và Việt Nam có toàn quyền xử dụng số vũ khí ấy thì không đúng. Cố vấn Mỹ kiểm soát một cách khắt khe nên Phủ Tổng Thống không thể dùng một khẩu Garant MI của Mỹ để tặng họ Sơn. Bởi nhất nhất đều không thể qua con mắt nhóm ngó của tình báo Mỹ. Về phía Tây, Sơn Ngọc Thành được Thái Lan yểm trợ nhưng bản doanh vẫn là Saigon.
Trên đây cũng tạm đủ nói lên sự mâu thuẫn và bất đồng giữa Việt Mỹ.
CHỦ TRƯƠNG CỦA HOA KỲ
THEO NGÔ ĐÌNH NHU LÀ MỘT SỰ LỪA GẠT XẤU XA
Kể từ năm 1959, theo Bác Sĩ Trần Kim Tuyến thì ông Ngô Đình Nhu chủ trương quyết hạ cho bằng được Sihanouk vì nếu không thì chính Sihanouk sẽ là một mũi dùi đâm ngang hông VNCH. Biên giới Việt Miên nếu còn Sihanouk thì rồi đây sẽ trở thành vùng chiến lược bất khả xâm phạm của Cộng Sản. Đối với Sihanouk, ông Nhu chỉ có hai giải pháp một là lật nhào ông ta hai là trở lại ve vãn thân thiện với ông ta. Giải pháp ve vãn thân thiện đã bất thành cho nên miền Nam chỉ còn một cách là đương đầu quyết liệt với Cambodge.
Con đường này lại đi ngược với chủ trương của Mỹ. Kể từ năm 1960 khi cuộc chiến gia tăng và nhất là trận đánh kiến phong (tháng 10-60) giữa lực lượng chính quy của Cộng Sản với tiểu đoàn I Nhảy Dù, người Mỹ mới bắt đầu nhận ra sự thực: Cambodge đã trở thành căn cứ địa an toàn của MTGPMN. Lực lượng CS đã xuất phát từ phía bên kia lãnh thổ Cambodge tiến qua đánh Kiến Phong. Tuy biết sự thật như vậy nhưng vẫn giữ chủ trương ve vãn o bế Sihanouk. Không phải là các chiến lược gia Mỹ không hiểu rõ tầm mức quan trọng của lãnh thổ Cambodge đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng lúc ấy Hoa Thịnh Đốn vẫn còn giới hạn cuộc chiến trong cục bộ miền Nam. Đầu năm 1963, với trận Ấp Bắc tuy không có gì đáng gọi là một trận thua lớn (sự thiệt hại giữa VNCH và MTGPMN được coi là cân bằng), nhưng Hoa Kỳ lại lợi dụng trận đánh này và ồn ào áp lực mạnh với Tổng Thống Kennedy buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải thay đổi chiến lược và chiến thuật. Cũng từ năm 1963, VN Task Force mà chủ chốt là Hilsman nhận định rằng, phải thay đổi thái độ với Sihanouk nghĩa là chấm dứt thái độ o bế ve vãn. Trong khi đó thì ông Ngô Đình Nhu lại làm ngược lại nghĩa là bắt tay với Pháp tìm ở De Gaulle một điểm tựa. Ông Nhu đồng thời cũng muốn hâm nóng lại mối bang giao Việt – Miên đã nguội lạnh từ lâu. Hoa Kỳ coi chủ trương này như một đe dọa cho thế đứng của họ tại Bán Đảo Đông Dương. Bởi vì khi Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh cuộc chiến, muốn mở rộng địa bàn hoạt động thì toan tính của ông Nhu lấy Pháp làm thế tựa, tìm ở Cambodge một động thái trung lập tích cực (nghĩa là trung lập giữa VNCH và CS Bắc Việt) thì chủ trương ấy tự đã nói lên tính cách đe dọa nguy hiểm đối với toan tính Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do khiến người Mỹ nóng lòng muốn thanh toán Ngô Đình Diệm. Ngày 19-7-1963, Nghị Sĩ Wayne L. Morse thuộc Ủy Ban ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Việt Nam không đáng nhận được sự hy sinh của một trẻ em Hoa Kỳ”. Ông còn nói rằng, không đồng ý cho một đô la nào nữa để ủng hộ một chế độ độc tài tàn bạo của TT Ngô Đình Diệm. Tại Sao như thế?
ĐƯỢC NHẬP TỊCH VIỆT, NGƯỜI MIÊN 1959
COI ĐÓ NHƯ MỘT THẮNG LỢI
Trong vụ tranh đấu Phật giáo 1963, Cambodge là nước được ghi nhận là nước công kích chính quyền Ngô Đình Diệm mãnh liệt nhất. Ngay từ tháng 7 năm 1963, khi cuộc tranh đấu Phật giáo trở nên mãnh liệt thì Sihanouk đã tìm mọi cách vận động khối người Việt gốc Miên tham gia cuộc tranh đấu này với chủ ý lật đổ cho kỳ được chế độ Ngô Đình Diệm.
Nhưng Sihanouk đã không thành công như ý muốn. Bởi cộng đồng người Việt gốc Miên tại miền Tây vốn có cảm tình đặc biệt với cựu Thủ Tướng Sơn Ngọc Thành và dĩ nhiên trong hoàn cảnh lúc ấy Sơn Ngọc Thành phải giữ thế trung lập giữa chính quyền Việt Nam và Phật Giáo. Nói đến cộng đồng người Việt gốc Miên thì không thể nào bỏ qua thế lực của các sư sãi Miên. Các vị sư sãi này luôn là các thủ lãnh có uy quyền với đồng bào của họ và đa số lại có cảm tình với Sơn ngọc Thành. Khi phái đoàn Phật Giáo đến yết kiến Tổng Thống Diệm vào ngày 15-5 (sau vụ nổ đài Phát Thanh Huế) Hòa Thượng Lâm Em đã phát biểu: “Được gặp Tồng Thống như thế này, tôi thấy tốt đẹp lắm”. Từ đó, tuy có tiếng trong Ủy Ban Liên Phái nhưng Hòa Thượng Lâm Em cũng như Cư Sĩ Sơn Thái Nguyên vẫn giữ thái độ ôn hòa đối với chính quyền Ngô Đình Diệm nếu không muốn nói là họ vẫn giữ sự thân thiện với chính quyền. Nhờ vậy trong suốt cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 người Việt gốc Miên tại miền Tây vẫn thụ động. Những tỉnh có nhiều người Việt gốc miên (chiếm đa số) như Trà Vinh, Sóc Trăng đều không có một phản ứng nào đáng ghi nhận… Trong 4 vùng chiến thuật thì vùng 4 và nhất là miền Tây kể từ tháng 5 đến ngày 1-11-1963 được coi là yên tĩnh về mặt Phật Giáo. Mặc dù Sihanouk với sự hỗ trợ đắc lực của tổ chức giáo vận thuộc MTGPMN song ông vẫn không sao kích động được cộng đồng người Việt gốc Miên để họ đứng lên chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm. Được như vậy là nhờ ảnh hưởng của Sơn Ngọc Thành và uy quyền lớn lao của Hòa Thượng Lâm Em, vị thủ lãnh của các sư sãi Miên tại miền Nam. Điều đáng kể là chính quyền Ngô Đình Diệm nắm vững cộng đồng người Việt gốc Miên chính là nhờ trục Lâm Em, Sơn Thái, Sơn Ngọc Thành. Năm 1959 đã có đề nghị yêu cầu Tổng Thống Diệm đặt người Việt gốc Miên thành thiểu số (như đồng bào Thượng) các thủ lãnh của họ phản đối. Hòa Thượng Lâm Em cũng như sư sãi Miên cho như thế là “hạ nhục” người Miên. Đề nghị này được hủy bỏ, các thủ lãnh người Miên coi đó như một chiến thắng và một ân huệ mà TT Diệm dành cho họ.
Với chính sách ve vãn Cambodge và nắm vững cộng đồng Miên tại miền Tây, TT Diệm đã dành cho họ nhiều ưu tiên và đó cũng là cách nhằm nâng cao uy tín của thủ lãnh Sơn Ngọc Thành và vuốt ve lòng tự ái dân tộc của cộng đồng người Miên vốn có nhiều mặc cảm với người Việt. Có điều rất khó hiểu là năm 1969 người Miên lại muốn trở thành dân thiểu số tại miền Nam. Theo sự tiên liệu thì đây cũng chỉ là một chiến thuật nằm trong sách lược của ngoại bang muốn biến người Việt gốc Miên thành dân thiểu số rồi từ nhãn hiệu thiểu số sẽ dễ dàng bước qua một giai đoạn khác tức giai đoạn phát động phong trào tự trị của người Miên tại miền Tây.
Năm 1963 Sihanouk được dịp trả thù. Kể từ năm 1959 Thái Tử Sihanouk tìm mọi cách phát triển uy tín và cơ sở mật tại hạ tầng cộng đồng người Việt gốc Miên nhưng như trên đã viết uy tín của Thái Tử Sihanouk vẫn mờ nhạt trước một Sơn Ngọc Thành, và Lâm Em. Vụ tranh đấu Phật Giáo 1963 là một thất bại lớn của Sihanouk tại miền Tây vì Sihanouk không đạt được âm mưu khuấy động tại miền Tây với anh nghĩa tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo.
Trong khi đó thì tại Nam Vang Shihanouk dùng mọi nỗ lực để yểm trợ tinh thần cho cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nma. Báo chí từ phe Miên hữu đến phe tả đều nhất loạt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Điển hình là nhật báo Neak Cheat Niyum, (tờ báo của chính phủ) kể từ 19-5 cho đến 1-11-1963 nhật báo này mở cả một chiến dịch tấn công chính quyền Ngô Đình Diệm về vụ gọi là “kỳ thị và tàn sát Phật giáo”. Ngôi chùa Onnalum, một ngôi chùa lớn mới được xây cất tại Nam Vang đã trở thành trung tâm tranh đấu của Phật giáo tại Miên. Trong buổi lễ khánh thành ngôi chùa này vào đầu tháng 6-1963, Thái Tử Sihanouk đã tuyên bố những lời nảy lửa lên án chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sihanouk cũng đã dự lễ cầu siêu cho Phật Tử Việt Nam mà ông cho rằng “nạn nhân của chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính phủ Diệm sau khi tàn sát nhiều sư sãi và Phật Tử Miên tại miền Nam nay lại ngược đãi tàn sát cả đồng bào họ theo Phật Giáo”. Ngày 6-9-1963 chính phủ Miên tổ chức một cuôc mít tinh tại chùa Onnalum để gọi là biểu dương tinh thần đoàn kết với Phật tử Việt Nam để phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm về sự đàn áp Phật Giáo. Hội Việt Kiều Phật Giáo do ông Trần Văn Được làm chủ tịch cũng được Cambodge dành cho mọi sự dễ dãi trong công cuộc vận động Việt Kiều chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 16-6-1963 chính phủ Cambodge lại cho phép hội này được tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ trước Đại Diện VNCH tại Nam Vang để lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và Đế Quốc đàn áp Phật Giáo Việt Nam. Trước đó 3 ngày tức là ngày 13-6, Cambodge bày tỏ lòng căm phẫn của chính phủ và nhân dân Cambodge tại miền Nam và cũng bày tỏ niềm âu lo trước các biện pháp đàn áp Phật Giáo và Phật Tử của chính phủ VNCH. Trong văn thư kể trên chính phủ Cambodge đòi hỏi chính phủ VNCH phải tôn trọng các nguyên tắc của bàn tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Tổng trưởng Ngoại Giao Cambodge đã chánh thức mời viên Đại Lý tòa Đại Diện Việt Nam đến Bộ Ngoại Giao và trao cho ông này một văn thư gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao VNCH. Trong văn thư ngày 16-6 Sihanouk lại tuyên bố hỗ trợ chính phủ Tích Lan của bà Sikimawo Bandaranaike về việc vận động với U-Thant, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc để đưa vụ Phật Giáo Việt Nam ra trước Đại Hội Đồng LHQ.
SIHANOUK TRANH ĐẤU CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Đối với Sihanouk thì vụ Phật Giáo 1963 là một cơ hội ngàn vàng để ông có dịp tố cáo VNCH về một điều giả tạo nhưng Sihanouk vẫn cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp giết hại người Miên và các sư sãi Miên tại miền Nam.
Sihanouk gắn liền lới tố cáo này với chiêu bài “ủng hộ triệt để cuộc tranh đấu phật Giáo Việt Nam”. Sihanouk không ngừng phát động cả một chiến dịch báo chí tấn công và bôi đen chính quyền Ngô Đình Diệm trong khi đó cộng đồng người Việt gốc Miên lại tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt. Nhờ vậy mà vùng 4 Chiến Thuật không gặp một khó khăn nào trong vụ tranh đấu ngoại trừ một vài địa phương như Bến Tre và Mỹ Tho nhưng lại không đáng kể. Căn cứ theo tài liệu thì trong suốt thời gian đấu tranh của Phật Giáo, vùng 4 Chiến Thuật chỉ phải đối phó với áp lực quân sự mạnh mẽ của MTGPMN.
Miền Tây coi như không có vụ tranh đấu của Phật Giáo nếu không theo dõi báo chí và đài VOA và BBC. Khi yết kiến TT Diệm cũng như Bộ Trưởng Bùi Văn Lương, ông đại biểu Nguyễn Văn Vàng đã trình bày rõ ràng như vậy và Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Vùng 4 cũng xác nhận như vậy trong tập hồi ký của ông mới xuất bản gần đây.
Tại Nam Vang ngày 2-11-1963 tức sau ngày đảo chánh và trước cái chết của anh em TT Diệm, Thái Tử Sihanouk đã biểu lộ niềm hân hoan chưa từng có. Đêm 2-11 Sihanouk mở tiệc liên hoan trong Hoàng Cung. Tờ La Dépeche du Cambodge ra số ngày 3 cho rằng, cái chết của Diệm, Nhu đã đem lại cho nhân dân Cambodge một niềm vui mừng vô hạn. Thái Tử Sihanouk chính thức tuyên bố: “Ngô Đình Diêm, kẻ thù của nhân dân Cambodge và Phật Giáo đã đến tội… đó là ngày lớn của lịch sử Đông Dương“. Liên tiếp trong 3 ngày liền, Sihanouk mở tiệc liên hoan làm như chính ông ta đã ra tay hạ đươc kẻ thù không đội trời chung của Sihanouk .
Sihanouk biết rất rõ chính quyền Ngô Đình Diệm đã tài trợ và dung dưỡng tổ chức Khmer tự do của Sơn Ngọc Thành. Chỉ một điều này đã đủ khiến Sihanouk căm thù chính quyền Ngô Đình Diệm vì Sơn Ngọc Thành đối với Sihanouk vốn là kẻ thù bất cộng đái thiên. Sihanouk đã dùng đủ cách để hạ sát Sơn Ngọc Thành kể cả âm mưu dùng bàn tay của phòng nhì Pháp và MTGPMN. Nhưng Sihanouk không thể làm gì được họ Sơn bởi vì chính cái uy tín lớn lao của họ Sơn trong Cộng Đồng người Miên ở miền Nam đã tạo nên bức tường thành bảo vệ Sơn và tổ chức Khmer tự do.
MỐI THÙ BIÊN GIỚI
Trong chuyến công du Việt Nam năm 1957 Thái Tử Sihanouk đã đặt vấn đề biên giới Việt Miên với ông Nhu. Kết quả là Sihanouk và ông Nhu đã thỏa thuận như thế này: “Hai chánh phủ Việt Miên sẽ không đặt vấn đề biên giới như một tiên quyết cho việc thiết lập bang giao Việt Miên. Tuy nhiên hai nước vẫn mặc nhiên công nhận thỏa hiệp Dupré- Norodom 1873” Theo thỏa hiệp Dupré- Norodom ký kết giữa Thống Đốc Nam Kỳ (Đô Đốc Dupré) và Miên Hoàng Norodom thì biên giới Việt Miên được phân định bằng 124 cột trụ kéo dài từ ngã ba biên giới cho đến phía Bắc Kinh Vĩnh Tế qua sông Tonly tree, Sóc Stroc tum, Ban Churung, Paplan.
Kết quả cuộc hội đàm giữa Sihanouk và Ngô Đình Nhu là Cambodge sẽ không công nhận chính quyền miền Bắc, nhưng vì tôn trọng tinh thần hiệp ước Genever 1945, Cambodge chỉ thiết lập bang giao với Việt Nam trên hàng Đại Diện Ngoại Giao (với cấp bậc Đặc Sứ).
Ít lâu sau Sihanouk lại làm ngược lại lời cam kết khi ông ta tính chuyện kết thân với chính quyền Bắc Việt và Trung Cộng.
Sihanouk đưa ra hai mục tiêu để gây hấn với chính quyền Ngô Đình Diệm. Trước hết là vấn đề biên giới Sihanouk lại phủ nhận thỏa hiệp Dupré.
Sihanouk thường lên tiếng tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đã vi phạm và đã lấn qua lãnh thổ Cambodge, sau nữa, Sihanouk lại phủ nhận các nghị định mà các toàn quyền Đông Dương của Pháp trước đây đã ký ấn định ranh giới các tỉnh Tây Ninh và PreyVeng, Thủ Dầu Một và Kompong Chàm, Châu Đốc…Những năm 1959-1960-1961 tại các vùng biên giới Việt- Miên, lính Miên được lệnh nhổ cột trụ cắm sâu vào lãnh thổ Việt Nam cả 6, 7 cây số. Quân đội Việt Nam lại phải mở cuộc hành quân nhổ cột trụ đem vào vị trí cũ. Cứ mỗi lần như thế Shihanouk lại hô hoán là quân đội Việt Nam vi phạm biên giới. Vấn đề thứ hai là người Miên tại miền Nam, Shihanouk chống lại việc Việt tịch hóa người Miên, ông ta còn “bắn tiếng” sẽ đòi lại một số tỉnh miền Tây. Khi TT Diệm đặt tên tại một số địa danh của các tỉnh miền Tây là có ý biểu dương uy quyền quốc gia trên một số lãnh thổ còn mang nhiều di tích của người Miên (như Sóc Trăng chẳng hạn) và đó cũng là cái cách TD Diệm muốn làm sống lại một quá khứ xa xưa dưới thời Minh Mạng, Tự Đức với những địa danh như Kiên Giang, An Giang, Phong Dinh… giai đoạn vinh quang kết thúc cuộc Nam Tiến.
Trên đây chúng tôi trình bày sơ qua về mối cừu hận của Sihanouk đối với chế độ NĐD và đó cũng là lý do khiến cho Sihanouk vô cùng hân hoan trước cái chết của anh em TT Diệm. Sihanouk hận thù chính quyền Ngô Đình Diệm vì chính quyền này đã dung dưỡng và hỗ trợ Sơn Ngọc Thành. Một điều khác nữa là đã có một lần chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu lật đổ chế độ Sihanouk vào tháng giêng năm 1959
Giai đoạn đầu TT Diệm vẫn giữ vững chủ trương giao hảo tốt đẹp với Sihanouk (1957-1959). Vào cuối năm 1956 Việt-Miên đồng ý thiết lập bang giao trên cấp bậc Đặc Sứ. TT Diệm hỏi ý kiến PTT Thơ về việc này và yêu cầu ông chọn một nhân vật giữ chức vụ Đặc Sứ Việt Nam đầu tiên tại Cambodge. TT Diệm đưa ra ba tiêu chuẩn để ông Thơ dễ dàng lựa chọn. 1- Viên Đặc Sứ phải ăn nói hoạt bát lanh lẹ và giỏi về Pháp Ngữ. 2 Am tường nội tình Cambodge. 3- Có mưu mẹo tháo vát và quen biết nhiều các giới chức Miên, Pháp. Phó TT Thơ đề bạt người bạn tâm giao của ông tức Ngô Trọng Hiếu lúc ấy đang giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Cũng nên ghi thêm là suốt 9 năm cầm quyền TT Diệm rất tin cẩn ông Thơ. Khi muốn tìm một người giữ chức quan trọng nào thì thường thường TT Diệm hỏi ý kiến ông Thơ. Một khi ông Thơ đề bạt ai thì người đó rất nhiều hy vọng được bổ nhậm. Mặc dầu bổ nhậm một Đặc Sứ đáng lý ông Tổng Thống phải hỏi ý kiến ông Bộ Trưởng Ngoại Giao, nhưng TT Diệm vẫn có thành kiến là Phó Tổng Thống Thơ am tường về miền Nam và nội tình Cambodge. Khi TT Diệm nói: “Người cụ Phó giới thiệu“. Câu nói này có nghĩa là người đó đáng tin cẩn của chế độ. Người duy nhất mà ông Thơ đề bạt giữ chức vụ đặc sứ tại Miên là ông Hiếu (hai người này được coi như đôi bạn cố tri, khi ông Thơ lãnh Tỉnh Trưởng Long Xuyên thì ông Hiếu giữa chức Trưởng Ty Ngân Khố) Phó TT Thơ có trình bày với TT Diệm là Ngô Trọng Hiếu hội đủ nhưng tiêu chuẩn mà TT Diệm đưa ra. Ông Thơ cũng nhấn mạnh là Ngô Trọng Hiếu nói được tiếng Miên rất thông thạo, từng sống nhiều năm tại Cambodge và là một viên chức của ngành Ngân Khố Pháp tại Cambodge. TT Diệm đồng ý nhưng sau đó lại hỏi ý kiến ông Nhu thì ông Nhu cho rằng “Tùy Tổng Thống, cắt cử ai cũng được ăn thua là chính sách của mình, tôi thấy Ngô Trọng Hiếu cũng được“. Ông Nhu thắc mắc : “Hiếu còn hơn là dân Tây mà?” TT Diệm nói một hơi dài như thể biện minh cho ông Hiếu: “Hắn hồi Việt Tịch rồi“. Ông Nhu đáp nhát gừng: “Như vậy cũng được“.
Trước khi chính thức bổ nhậm, Ngô Trọng Hiếu phải trải qua một cuộc “thi vấn đáp” mà giám khảo là TT Diệm. Sau khi hỏi kỹ về nội tình Cambodge TT Diệm chất vấn Ngô Trọng Hiếu: “Tình hình như vậy thì đối với Miên bây giờ sẽ tính sao” – Vốn là người nói năng lưu loát, ông Hiếu đáp ngay: “Trình cụ, đối với Miên thì tôi có hai điều căn bản, môt là dùng tình cảm, hai là hối lộ mua chuộc họ” TT Diệm hỏi: “Dùng tình cảm như thế nào” Ông Hiếu đáp: “Người Miên có nhiều mặc cảm với người Việt lắm vậy ta phải làm mọi cách thân thiện với họ, đề cao họ và để họ thấy rằng ta coi họ như bạn bè”. TT Diệm lại căn vặn: “Lúc nẫy ông nói hối lộ vậy hối lộ như thế nào?” Ông Hiếu đáp: “Thưa cụ xin được tùy cơ ứng biến, bà mẹ của Sihanouk ham được hối lộ lắm”.
TT Diệm hỏi: “Ông có quen ai ở bên đó không?” Ngô Trọng Hiếu đáp: “Dạ thưa quen nhiều, tôi có quen thân ông Hoàng Monireth” TT Diệm hỏi tiếp: “Ông ta là người như thế nào?” Ông Hiếu đáp: “Theo thứ tự trong Hoàng tộc Miên thì Hoàng Thân Monireth mới là người nối vua Cao Miên chứ không phải Sihanouk” TT Diệm lại hỏi: “Ông ta với Sihanouk như thế nào?” Ông Hiếu đáp: “Hoàng Thân Monireth là cậu ruột của Sihanouk. Thời Pháp Hoàng Thân Monireth là Trung Úy trong quân đội Lê Dương của Pháp, ông ta rất được mẹ Sihanouk tin cẩn” TT Diệm hỏi lại: “Bà ta như thế nào?” Ông Hiếu đáp: “Thưa Cụ, bà ta nổi tiếng là tham lam hay nhận hối lộ”. TT Diệm lại hỏi: “Ông còn quen ai khác nữa không?” Ông Hiếu đáp: “Thưa Cụ còn một vài bạn thân như Samsary Yam Sambaur”. TT Diệm gật đầu: “Thôi được ông về lo thu xếp rồi sang bên đó giúp tôi“. TT Diệm thắc mắc: “Ông đi sang bên đó ai có thể thay ông làm Tổng Giám Đồc Ngân Khố” Ông Hiếu đáp: “nhân viên cao cấp của ngành ngân khố hiện nay hầu hết còn giữ Pháp Tịch vậy xin Cu cho Trần Văn Minh tạm thời thay quyền Tổng Giám Đốc” TT Diệm nói vắn tắt: “Thôi được, ông sang bên đó cố gắng làm sao cho tốt đẹp“. Trước khi ra về ông Hiếu được TT Diệm chỉ thị thêm: “Mình phải tạo được thế liên minh với Miên Lào thì hai nước ấy cùng một khối với mình thì mình sẽ đủ sức chống Cộng Sản”.
NGÔ ĐÌNH NHU
VÀ
VỤ ĐẢO CHÍNH HỤT CỦA DAP CHOUN
Khi Tòa đại diện VN được thiết lập chính thức mở đầu cho giai đoạn bang giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Miên thì Pháp cũng như chính Hà Nội bắt đầu lo ngại. Tòa Đại Diện Việt Nam đã thành công qua giai đoạn “thân thiện và mua chuộc theo đúng chỉ thị của TT Diệm ” Tốn phí thế nào cũng được miễn sao mua chuộc được Miên, rồi lần về Sài Gòn, Ngô Trọng Hiếu lại mua sắm đủ thứ của ngon vật lạ để dưa lên Nam Vang “hối lộ” Hoàng Hậu Kossamack. Bà ta cũng như Hoàng Thân Monireth đều có cảm tình tốt đẹp với người Việt.
Từng giỏ soài, cam, ổi sá lị của ông Hiếu dâng tặng Hoàng Hậu Kossamack đã có tác dụng ngay. Sihanouk qua ảnh hưởng của người mẹ đã có một thái độ tốt đẹp và cởi mở đối với chính quyền Sài Gòn. Tòa Đại Diện Việt Nam xử dụng phương thuật “phóng tài hóa thu nhân tâm” nên không những hối lộ quà cáp với Hoàng Hậu Kossamack mà còn mua chuộc các giới chức cao cấp của Miên cũng như Hoàng Thân Monireth bằng cách biếu quà, tổ chức tiệc tùng, săn bắn… Nhờ vậy, Ngô Trọng Hiếu móc nối được tướng Dap Choun, mệnh danh là phó vương Cao Miên, một mình ông ta thống lãnh cả vùng Siemreap miền Tây Cambodge.
Giữa năm 1958, Shihanouk thay đổi chính sách ngoại giao…việc đầu tiên là Sihanouk chấp thuận cho Trung Cộng đặt tại Nam Vang một đại diện thương mại. Đồng thời Sihanouk cũng tìm cách mở rộng bang giao với khối Cộng Sản và bắt tay với chính quyền Hà Nội. Năm 1858, Sihanouk thiên hẳn về Cộng Sản.
Sự thực Sihanouk chủ tâm gây hấn về vấn đề biên giới Việt-Miên, về Việt Tịch hóa người Miên cũng như đòi lại mấy tỉnh miền Tây chẳng qua chỉ là một chiến thuật gây rối và tạo áp lực trước hết để chính quyền Ngô Đình Diệm không tạo được cơ hôi gây rối nội bộ Miên sau nữa là nhắm đến việc sửa soạn đón tiếp “ông bạn” Bắc Việt. Sihanouk đã từng tuyên bố “Cộng Sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa đều nguy hiểm như nhau” Nhưng Bắc Việt là mối nguy hiểm đằng xa – Việt Nam Cộng Hòa mới là mối nguy hiểm trực tiếp đối với Cambodge.
Rõ rệt nhất là sự tài trợ và dung túng tổ chức Khmer tự do của Sơn Ngọc Thành, họ Sơn là một ám ảnh lớn đối với Sihanouk đó cũng là mối thù của Sihanouk đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng không có mối thù nào lớn cho bằng vụ Dap Choun đã gây nên mối cừu hận giữa Sihanouk và chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó cũng là lý do cho ta thấy tại sao liên tiếp trong 3 ngày sau đảo chánh 1-11-1963 Sihanouk đã tổ chức liên hoan như đại hội hoa đăng để ăn mừng Diệm Nhu bi thảm sát.
TƯỚNG DAP CHOUN
VÀ 100 KILO VÀNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Vụ Dap Choun diễn tiến như thế nào? Ông Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu trở về Sài Gòn trong chiều hướng mới của Sihanouk đối với Cộng Sản Bắc Việt và Cambodge với chiều hướng này sẽ là mối de dọa lớn cho VNCH. Ông Ngô Đình Nhu chỉ thị nếu không kéo được Sihanouk về phe mình và nếu Sihanouk trung lập thân Cộng thì chỉ còn cách mưu đồ hạ bệ ông ta. Ông Ngô Trọng Hiếu đề nghị nên làm một “cú” đảo chính Sihanouk. Về đề nghị này, TT Diệm hỏi: “Ai có thể làm được” Ngô Trọng Hiếu đáp: “Trình Cụ, tướng Dap Choun có thể làm được” TT Diệm lại hỏi ông Hiếu: “vai trò của Dap Choun hiện nay ra sao?” Ông Hiếu trình bày: “Tướng Dap Choun nắm hết quyền bính tại miền Tây Cambodge, lực lượng phòng vệ Hoàng Cung tại Nam Vang đều là tay chân của Dap Choun” TT Diệm đồng ý “ông cứ làm đi, liên lạc với Dap Choun xem sao”.
Trở lại Cambodge, ông Ngô Trọng Hiếu bắt liên lạc ngay với Tướng Dap Choun. Trong một chuyến săn tại khu rừng phía Bắc Siemrreap, ông Hiếu cùng đi với Dap Choun và tìm lời ngỏ ý…Tướng Dap Choun đang có chuyện bất mãn với Sihanouk và cho rằng Sihanouk chưa đủ trưởng thành để lãnh đạo. Dap Choun thuộc phe quân Phiệt cực hữu Cambodge và ông ta chống lại chủ trương trung lập thân Cộng của Sihanouk. Dap Choun lại có cô vợ bé người Việt mà ông ta đang sủng ái, chính người vợ bé này đã giúp Tòa Đại Diện Việt Nam trong nhiệm vụ giao liên để thuyết phục Dap Choun.
Sau nhiều lần găp gỡ thảo luận, Tướng Dap Choun đã đồng ý với Đặc Sứ Ngô Trọng Hiếu về kế hoạch đánh chiếm Nam Vang và lật đổ Shihanouk.
Tướng Dap Choun ngỏ ý, ông cần một số dollars hoặc vàng để làm phương tiện dưỡng quân trong vòng hai tháng. Điều kiện này không có gì quá khó khăn và ông Ngô Trọng Hiếu lại trở lại Saigon trình lại với TT Diệm và ông Nhu. TT Diệm nói đơn giản: “nếu thấy làm được thì cứ làm, tổn phí cũng ráng phải chịu cho nó xong việc”.
Ông Nhu cho mời bác sĩ Tuyến vào phòng để thảo luận cho kỹ lưỡng, cân nhắc lợi hại trước khi bắt tay vào hành động. Kế hoạch này tuyệt đối bí mật không một nhân vật cao cấp nào biết rõ ngoại trừ Phó TT Thơ, ông Nhu, BS Tuyến và ông Hiếu. Vấn đề khó khăn nhất là tìm đâu ra 100 kilo vàng để tài trợ cho Dap Choun? Điều này TT Diệm trao phó cho Phó TT Thơ giải quyết vì còn là Bộ Trưởng Kinh Tế nên nếu rút 100 kilo vàng trong số trữ kim của ngân khố sẽ không ai để ý, nghi ngờ và sau đó sẽ tìm cách giải quyết. Phó TT Thơ đã góp công đắc lực trong phần vụ này.
Một trăm kilo vàng được đóng vào thùng niêm phong cẩn mật và tự tay ông Hiếu dùng xe hơi trở lên tận Siemreap. Tại đây, đặt một điện đài liên lạc thẳng với Saigon và Tòa Đại Diện Việt Nam. Đặc Sứ Ngô Trọng Hiếu vẫn tiếp tục liên lạc bí mật với tướng Dap Choun và người em của Dap Choun cũng là Dân Biểu Quốc Hội Miên. Tướng Dap Choun khi nhận được 100 kilo vàng đã đánh một điện văn cảm ơn TT Diệm và cho biết ông đã nhận được quà biếu. Từ đầu tháng 1 năm 1959 hàng ngày cứ lúc 7 giờ sáng 12 giờ sáng, 12 giờ trưa và 9 giờ đêm, điện đài vô tuyến từ Dinh Dap Choun vẫn gửi tin tức đều đặn về cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống. Phía Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu cũng sửa soạn kế hoạch tiến đánh Nam Vang. Lần gặp gỡ cuối cùng giữa Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu nhằm ngày 10-11-1959. Dap Choun cho ông rõ là công việc mưu đồ đang tiến hành tốt đẹp và hai bên ấn định ngày H sẽ ra tay.
Tại Saigon, ông Nhu cũng như BS Tuyến chỉ còn thảo luận về việc đem Sơn Ngọc Thành trở lại Nam Vang. Một khi cuộc đảo chánh bùng nổ thì lực lượng của Quân Khu V (tức Quân Khu IV bây giờ) và Quân Khu II sẽ động binh tiến đến biên giới giúp Dap Choun nắm vững khu vực miền Đông Bắc Cambodge.
Sơn Ngọc Thành lại qua Vọng Các và liên lạc với chính quyền Thái Lan để hỗ trợ ông ta về phía Tây. Cũng vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan nên ngày H phải hoãn lại và đó cũng là nguyên nhân làm cho âm mưu bị bại lộ.
TRƯỚC KHI TỬ HÌNH HAI ĐIỆP VIÊN VIỆT NAM HÔ LỚN:
“VIỆT NAM MUÔN NĂM”
Nếu ngày H theo đúng kế hoạch và thời hạn ấn định thì Sihanouk không kịp trở tay. Như trên đã viết sở dĩ phải dời lại thêm 10 ngày đợi cho Sơn Ngọc Thành đi tiếp xúc với nhà cầm quyền Thái Lan. Trong thời gian này, có lẽ Tướng Dap Choun quá chủ quan cho nên âm mưu đảo chánh lọt đến tai tòa Đại Sứ Pháp. Dĩ nhiên là Pháp phải cấp báo cho Sihanouk.
12 giờ đêm ngày 21. Đại Sứ Pháp cùng Đại Sứ Nga vào Hoàng Cung gặp Sihanouk và tiết lộ âm mưu đảo chánh của Tướng Dap Choun. Hai giờ sau, Sihanouk cho lệnh động binh, trao cho Tướng Lon Nol thống lãnh lực lượng Dù mở cuộc tấn công chớp nhoáng thành phố Siemreap, 6 giờ sáng, Tướng Dap Choun còn đang ngủ, quân của Tướng Lon Nol đã tràn ngập thành phố Siemreap. Dap Choun không kịp trở tay, ông cải trang trốn thoát.
Quân của Lon Nol chiếm Dinh Thống Đốc Siemreap và bắt được đầy đủ tang vật gồm 100 kilo vàng, hai chuyên viên Việt Nam và đài vô tuyến cùng một số võ khí. Khi quân của Tướng Lon Nol tiến về Siemreap, Tòa Đại Diện Việt Nam biết rõ nhưng đành bó tay vì không còn phương cách nào cấp báo cho Dap Choun.
Tại Sài Gòn theo thông lệ 7 giờ mỗi sáng đều nhận được tín hiệu từ Dinh Dap Choun nhưng suốt buổi sáng hôm đó bặt tin. Cơ quan tình báo Phủ Tổng Thống linh cảm thấy nguy cơ… Âm mưu lật đổ Sihanouk chắc bất thành.
Ngày hôm sau, Thái Tử Sihanouk mời tất cả ngoại giao đoàn lên Siem Reap xem chiến lợi phẩm trong đó có Ngô Trọng Hiếu. Ông Hiếu ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi theo phái đoàn ngoại giao cùng với toàn thể nội các Cambodge. Ngôi sao Lon Nol bắt đầu rực sáng. Đó là thành tích huy hoàng của ông đối với Thái Tử Sihanouk. Từ thành tích này, tướng Lon Nol trở nên một cận thần có thế lực nhất sau Sihanouk.
Tại Dinh Thống Đốc Siem Reap , Sihanouk vênh vang đắc thắng nhưng không ngớt lời thóa mạ “kẻ thù dân tộc Khmer” mà Sihanouk tuy không nêu đích danh là VNCH nhưng ám chỉ bằng những danh từ “tay sai đế quốc”… Sihanouk trình bày tất cả bằng chứng 100 kilo vàng và hai điệp viên Việt nam cùng điện đài. Sihanouk quay về phía Ngô Trọng Hiếu và hỏi: “Thưa ngài Đại Diện, Ngài nghĩ thế nào về những bằng chứng rõ rệt này“. Ông Hiếu cố làm vẻ thản nhiên, đáp: “Thưa Thái Tử Quốc Trưởng, chúng tôi đến đây để được nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả”. Ngoại giao đoàn im phắc… Thái Tử Sihanouk không biết nói sao nhưng bằng chứng thật là rõ rệt, 100 kilo vàng còn giữ nguyên dấu hiệu của Ngân Khố Việt Nam. Hai chuyên viên vô tuyến người Việt Nam, lại mang theo cả giấy thông hành Việt Nam.
Tuy vậy Sihanouk vẫn không lên án đích danh VNCH mặc dù ông ta biết rõ tường tận từ bằng chứng cụ thể đến âm mưu kế hoạch. Khi ông Ngô Trọng Hiếu và ngoại giao đoàn được mời đến quan sát hai chuyên viên người Việt (bị trói chặt tay) ông Hiếu đưa tay tát yêu trên má của họ và mỉm cười không nói một lời nào. Hai chuyên viên này cũng không biết ông là Đặc Sứ của Việt Nam. Ít lâu sau bị kết án tử hình và hành quyết ngay. Trước phút lìa trần 2 chuyên viên này đồng thanh hô lớn :”Việt Nam muôn năm”. Thái độ bình tĩnh gan dạ và đầy khí phách của họ đã làm cho nhà cầm quyền Cambodge phải kính nể.
Riêng tướng Dap Choun trốn thoát vào rừng nhưng ông ta vốn nghiện thuốc phiện và ôm cả thuốc nằm gục dưới một gốc cây. Lực lượng Dù của Tướng Lon Nol bắt gặp và hạ sát Dap Choun tại chỗ.
Tại Saigon, TT Diệm cũng như ông Nhu đều phập phồng lo âu cho số mạng của ông Đặc Sứ Ngô Trọng Hiếu vì biết đâu Sihanouk có thể làm hoảng. Nhưng trái lại, Sihanouk chỉ yêu cầu chính phủ Việt Nam triệu hồi Ngô Trọng Hiếu.
Linh Mục François từ Nam Vang qua Sàigon vào cuối tháng 7 năm 1963. Trước khi đặt chân lên thủ đô miền Nam. Linh Mục có cảm tưởng Saigon đang là một hỏa ngục thiêu đốt hàng ngàn sư sãi và Phật Tử. Sở dĩ có cảm tưởng như vậy vì xuyên qua báo chí Tây Phương và nhất là những lời đồn đại và dư luận báo chí tại Nam Vang. Linh Mục tuy vẫn tin tưởng nơi cá nhân TT Diệm, nhưng Linh Mục vẫn cảm thấy ghê tởm những trại tù lộ thiên “giam hàng ngàn Phật tử bỏ đói, phơi nắng và bị tra tấn dã man” Trong cuộc gặp gỡ với Linh Mục François và Thủ Tướng Cambodge (Hoàng Thân Norodom Kantol) chính Thủ Tướng Kantol đã nói như vậy. Nhưng sự thật có như vậy không? Linh Mục François lưu ngụ tại Sài Gòn hai tuần lễ và tìm mọi cách để điều tra xem chính quyền NĐD đã đàn áp Phật giáo đến mức độ nào?
Trong cuộc gặp gỡ Thủ Tướng Kantol ông ta có nói với Linh Mục:
– Thái Tử Quốc Trưởng và Chính Phủ Cambodge rất lo ngại cho số phận hàng trăm ngàn Phật Tử Miên thuộc giáo phái Theravada nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không ngừng đàn áp Phật Tử thì các nước Phật Giáo Á Châu sẽ có một thái độ quyết liệt và có thể tiến đến một hành động, chúng tôi sợ rằng lúc ấy sẽ bất lợi cho tín đồ Thiên Chúa Giáo Á Châu.
Linh Mục François đáp: Chúng tôi rất hổ thẹn có một tín hữu dùng quyền bính mà đàn áp ngược đãi đồng bào Phật Tử của ông ta như vậy. Nếu cứ nói như lời Thủ Tướng thì sự đàn áp này có thật. Chắc chắn Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại miền Nam sẽ có thái độ.
Thủ Tướng Kantol: “Cuộc biểu tình ngày 17 vừa qua (17-7-1963) của hàng trăm ngàn Phật Tử tại Sài Gòn chính quyền Thiên Chúa Giáo thẳng tay đàn áp. Hiện nay có cả hàng ngàn sư sãi đang bị giam giữ, một số bị thủ tiêu.”
Linh Mục François lắc đầu : “Tôi không biết phải thưa chuyện với Thủ Tướng Thế nào.
Nhưng nếu Thủ Tướng nói là chính quyền Thiên Chúa Giáo thì hoàn toàn không đúng. Tôi nghĩ chỉ có chính quyền miền Nam do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo không có liên hệ gì đến chính quyền đó”
Có lẽ Thủ Tướng Kantol biết mình lỡ lời nên mỉm cười, nói: “Xin lỗi cha đó chỉ là cách nói của tôi theo dư luận báo chí. Tuy nhiên Giáo Hội Thiên Chúa Giáo cũng có trách nhiệm nhất là vụ “bắt giết” Phật tử lại xảy ra ngay nơi mà người anh của ông Diệm làm Tổng Giám mục và điều khiển chính quyền.”
Linh Mục François : “Tôi có đến thăm giáo khu Huế một vài lần, tôi có thể cả quyết với Thủ Tướng là Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục không có một quyền hạn nào đối với chính quyền do người em ông lãnh đạo. Dù nếu có thì Giáo Hội cũng không cho phép Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục được làm như vậy.”
Thủ Tướng Kantol có vẻ không tin lời của cha François. Ông ta dẫn chứng qua một vài bài báo của Mỹ và khẳng định cho rằng: “Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đang chia xẻ một phần lớn quyền hành của ông em và theo chỗ tôi được biết thì Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đang chỉ huy chiến dịch đàn áp Phật Giáo”.
Thủ Tướng Kantol cũng tiết lộ là ông mới gặp một Đại Diện cao cấp của chính phủ Hà Nội. Đại Diện này đã trao tất cả tài liệu (?) về chiến dịch đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và đặc biệt về tài liệu “bắn giết giam cầm” hàng ngàn Phật Tử tại miền Trung do Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục chỉ huy”. Linh Mục Fracois hỏi thằng Kantol: “Ngài Thủ Tướng, có thể tin vào tài liệu của chính phủ Cộng Sản miền Bắc Việt Nam???” Khantol đáp: “Thưa Cha ít nhất thì tài liệu đó cũng giúp chính phủ Cambodge tìm hiểu được sự thật.”
Bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Cha François vẫn còn bị ám ảnh… về những vụ thủ tiêu giam cầm đàn áp. Có đúng như vậy không? Cha François vẫn tin tuyệt đối nơi cá nhân thánh thiện của TT Diệm nhưng cha cũng bắt đầu nghi ngờ… Cha François bỗng nhớ lại những trang sử đẫm máu của cuộc bách đạo Thiên Chúa Giáo dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức. Không lẽ vào giữa năm 1963 lại tái diễn một cuộc bách đạo như vậy mà nạn nhân lại là Sư Sãi và Phật Tử?
Những ngày đầu ở Saigon, Linh Mục François thấy thành phố không có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên ở đâu cũng âm ỉ như một lò than hồng. Việc đầu tiên là Cha đến xin yết kiến Đức Khâm Sứ Tòa Thánh. Đức Khâm Sứ cũng đang sửa soạn về La Mã. Dịp này Đức Khâm Sứ sẽ tường trình với Tòa Thánh La Mã về cuộc tranh đấu của Phật Giáo cùng thái độ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Gặp Cha François, Đức Khâm Sứ tỏ vẻ thất vọng và nói: “Tình hình rất nguy ngập nếu TT Diệm không cải tiến thì chắc chắn chế độ ông ta sẽ sụp đổ.”
Cha François hỏi: “Thưa Đức Khâm Sứ ngài có thể dùng uy tín để thuyết phục TT Diệm không? Con thấy dư luận các nước Á Châu không những bất lợi cho chính quyền ông Diệm mà bất lợi cả cho Giáo Hội Việt Nam“
Đức Khâm Sứ phác một cử chỉ lạnh lùng đáp: “Làm thế nào được? Dù là Tổng Thống của một nước dân chủ nhưng con người ông Diệm vẫn là vị Hoàng Đế của nước Việt Nam thời xa xưa.”
Cha François hỏi: “Lúc này Đức Khâm Sứ có hay gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục không? Con tin là Đức Cha Ngô Đình Thục sẽ tuân theo lời khuyến cáo của Đức cha”
Đức Khâm Sứ đáp: “Đã lâu rồi tôi không gặp ngài. Theo Linh Mục Cao Văn Luận cho tôi biết thì ngài cũng có một phần trách nhiệm về vụ biến cố này!”
Cha François hỏi: “Vậy thì lời tố cáo của phía bên Phật Giáo cũng không phải là sai”
Đức Khâm Sứ đáp: “Không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Tôi nói là Đức Cha Ngô Đình Thục phải chịu một phần trách nhiệm. Đây chỉ là trách nhiệm tinh thần đối với lương tâm Công Giáo”.
Cha François hỏi: “Thưa Đức Khâm Sứ có thực là chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo như báo chí ngoại quốc tường thuật không?”
Đức Khâm Sứ chỉ im lặng một lát rồi khẳng định: “Đây chỉ là một chiến dịch thổi phồng quá đáng. Cha đã từng sống ở Việt Nam chắc Cha hiểu rõ họ hơn tôi. Trí tưởng tượng của họ ghê gớm lắm, tôi tin rằng chắc cũng có những vụ bắt bớ giam cầm đánh đập Phật Tử, nhưng làm gì đến độ ghê gớm như sự tường thuật của báo chí”.
Đức Khâm Sứ kể: “Mới đây có một giáo dân đến thăm tôi. Ông là một nhân vật cao cấp trong chính phủ, ông ta quả quyết có bàn tay người Mỹ, dàn cảnh trong cược biểu tình của Phật Tử ngày 17-7 vừa qua, ông ta nói có một Bác Sĩ bên Phật Giáo đã chế tạo cả hàng mấy chục ngàn lọ thuốc mê (Chloroforme) trao cho các nhà sư trẻ và Phật Tử để khi biểu tình mà sô sát với cảnh sát thì đưa thuốc lên mũi ngửi lúc ấy thuốc mê sẽ làm họ lảo đảo quỵ ngã, rồi các phóng viên ngoại quốc sẽ quay phim chụp ảnh. Nhân vật này cũng cho biết sau cuộc biểu tình ngày 17-7 Cảnh sát đã tịch thu được cả hàng chục chai thuốc mê như vậy. Ông ta cũng tiết lộ với tôi là truyền đơn của phía nhà tranh đấu được quay ronéo bằng những loại giấy mà chỉ có cơ quan UDAID mới có. Đó là thứ giấy tốt đặc biệt”.
Cha François lại hỏi: “Thưa Đức Khâm Sứ ngài có nghĩ rằng đã bàn tay Cộng Sản trong phong trào tranh đấu Phật Giáo hay không?”
Đức Khâm Sứ ngần ngại rồi đáp: “Đây là một vấn đề quá tế nhị, cho đến bây giờ chưa có một dữ kiện nào khiến chúng ta có thể nghi ngờ như vậy.”
Cha François lại nói: “Tại sao TT Diệm lại có thể hành động thiếu khôn ngoan khi ông ra lệnh cấm treo cờ Phật Giáo?”
Đức Khâm Sứ : “Có nhiều nguyên nhân sâu xa lắm, lệnh cấm treo cờ của ông Diệm đâu phải chỉ dành riêng cho Phật Giáo mà quy định cho cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Cha phải hiểu rằng ông Diệm là một nhà quốc gia cực đoan. Ông ấy coi Tổ Quốc trên Giáo Hội, chứ không phải Giáo Hội trên Tổ Quốc.”
Cha François nói: “Con vẫn tin TT Diệm là một người hoàn toàn thánh thiện”. Đức Khâm Sứ gật đầu đáp: “Đúng, ông ấy là một giáo dân có một đời sống rất thánh thiện.
Nhưng ông ấy không phải là một giáo dân thức thời. Ông ấy cũng là một nhà nho, cuồng tín với lý tưởng an dân trị quốc của ông ấy”.
Cha François hỏi: “Con nghe nói một số Linh Mục và Giáo Dân đang tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo”.
Đức Khâm Sứ đáp: “Đúng, tôi có nghe nói như vây. Một số Linh Mục có đến hỏi ý kiến của tôi như thế nào khi họ tỏ ra thái độ thân thiện và hỗ trợ Phật Giáo thì tôi trả lời các ngài hãy cứ làm theo lương tâm của các ngài.”
CON SỐ 80% SỰ THỰC HAY LÀ HUYỀN THOẠI
Cha François trong cuộc gặp gỡ Đức Khâm Sứ cũng không được thỏa mãn cho lắm. Đức Khâm Sứ đã tỏ ra sự thiếu thiện cảm với chính quyền Ngô Đình Diệm và ngài bị ảnh hưởng xâu xa bởi dư luận đồn đã về đời sống của bà Nhu cũng như quyền bính của ông Nhu và Đức Cha Thục. Khi Cha François sắp cáo từ ra về thì một Giáo Sư Đại Học và một Linh Mục trẻ cũng vừa đến xin thăm Đức Khâm Sứ. Ngài bảo Cha François: “Cha có thể ngồi lại đây… Nếu Cha muốn biết rõ tình hình Việt Nam như thế nào thì hai ông khách này có thể giúp Cha nhiều tài liệu xác thực “.
Lúc đầu hai vị khách còn dè dặt nhưng sau khi ông bắt đầu cho nổ máy, công kích chính quyền hết sức mãnh liệt. Cha hỏi: “Tôi vẫn nghĩ rằng chính quyền này có thực thi dân chủ và thực hiện nhiều công tác lớn lao cho xứ xở“.
Vi Linh Mục trẻ, “Thưa Cha chúng tôi chưa thấy dân chủ ở đâu cả, Quốc hội là Quốc Hội bù nhìn, toàn thứ nghị gật do Đảng chỉ định. Quyền hành đều nằm trong tay Tổng Thống hay đúng ra trong tay ông bà Nhu”.
Vị Giáo Sư Đại Học: “Thưa Đức Khâm Sứ và thưa Cha, tình hình đến lúc nghiêm trọng lắm rồi… Thiết tưởng Giáo Hội không thể đứng vòng ngoài…Giáo Hội phải lên tiếng”. Đức Khâm Sứ mỉm cười: “Ông bảo Giáo Hội phải lên tiếng như thế nào? Giáo Hội không đứng ngoài vòng thì Giáo Hội phải làm sao bây giờ?”
===HẾT TẬP I===
No comments:
Post a Comment