Ngày 2-11-1965, ngày giỗ đoạn tang Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Chiến cuộc đã bắt đầu gia tăng. Chỉ một tuần lễ cuối tháng 10-1965 số quân nhân thương vong lên đến 1.600 người, tính trung bình mỗi ngày có 200 quân nhân hy sinh vì chiến cuộc.
Quốc lộ số I từ Long Khánh qua Phan Rang, Khánh Hòa, Phú Yên cho tới Quảng Trị hoàn toàn bị cắt đứt. Hàng Không trở thành phương tiện duy nhất nối liền Saigon với các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần.
Công trình Ấp Chiến Lược bị phá hủy toàn bộ kể từ đầu năm 1964. Các địa điểm dinh điền trở thành hoang phế.
Số cố vấn quân sự Mỹ trước năm 1963 là 14.000 người và chỉ ở cấp Sư Đoàn thì cuối năm 1965, đã tăng gấp 2 lần hơn và có mặt khắp đơn vị Quân Binh Chủng từ cấp Tiểu Đoàn đến Chi Khu.
Đầu năm 1965, Tòa Đại Sứ Mỹ rất thỏa mãn vì đạt được ước vọng mà trước đó 2 năm tòa Đại Sứ này đã tìm mọi cách thuyết phục Tổng Thống Diệm chấp thuận nhưng ông Diệm quyết tâm từ chối.
Đó là việc Tòa Đại Sứ Mỹ thiết lập tại mỗi vùng chiến thuật một cơ cấu mệnh danh Cơ Quan Dân Sự Vụ do một giám đốc người Mỹ chỉ huy. Kể từ đây viên Giám Đốc này được coi là cố vấn dân sự Mỹ tối cao tại Đại Biểu Chính Phủ Tòa Hành Chánh Tỉnh đều có cố vấn dân sự Mỹ đảm trách cố vấn về hành chánh, an ninh, xây dựng nông thôn, viện trợ kinh tế Mỹ và kể cả giáo dục học chánh.
Tại trung ương, các Bộ đều thiết lập một cơ quan dành riêng cho viên chức cố vấn Mỹ kể cả ngành văn hóa giáo dục đến xã hội y tế.
Trước năm 1963, tòa Đại Sứ Mỹ chỉ có một phòng Trung Ương Tình Báo nhưng nay tòa Đại Sứ Mỹ lại thiết lập thêm cơ sở mệnh danh cơ quan An Ninh Dân Sự do một giám đốc đứng đầu. Ngoài tổ chức CIA lại còn có tổ chức CID đặt cơ sở vào hoạt động trên toàn cõi Việt Nam. Hình ảnh người lính MP Mỹ xuất hiện như một thứ uy quyền mới. Hải cảng Cam Rang trở thành căn cứ tiếp vận vĩ đại của Mỹ mang tên “Camranh city” – Long Bình, Biên Hòa, An Khê, Qui Nhơn đều là căn cứ lớn lao bậc nhất của Lục Quân Mỹ tại Đông Nam Á.
Số cố vấn Mỹ được tăng thêm 5000 người vào tháng 6-1964 (cộng với 14.000 người trước năm 1963). Nhưng sau vụ tàu Maddox (2-8-1964) số cố vấn được gia tăng rất mau. Đầu tháng 8-1964 phản lực cơ F102 của Không Lực Mỹ lần đầu tiên được gửi qua Việt Nam tham chiến.
Chiến tranh mở rộng. Quân lực Mỹ ào ạt đổ bộ lên Việt Nam. Quân số lên tới 526.000 gồm Thủy, Lục, Không quân. Tiếp theo là quân đội Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi rồi Phi Luật Tân và Thái Lan sau này cũng ào ạt tiến vào Nam Việt Nam.
Ba tháng sau khi anh em Tổng Thống Diệm qua đời, Tướng Nguyễn Khánh lại làm đảo chánh và mệnh danh là “chỉnh lý” vào ngày 30-1-1964 và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra quyết định chấm dứt nhiệm vụ của Ban Chấp Hành Hội Đồng thành lập ngày 1-11-1963. Tướng Nguyễn Khánh ra thông cáo giải thích lý do của cuộc chỉnh lý là vì “Từ 3 tháng nay, tình hình suy sụp về mọi mặt, chính quyền tỏ ra bất lực và phản cách mạng, một số người chạy theo Thực Dân và Cộng Sản do đó một lần nữa Quân Đội phải đứng lên can thiệp”. Các Tướng Kim, Xuân, Đôn, Đính bị giam giữ. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ bị bắt đem vào Bộ Tổng Tham Mưu và do chỉ thị của Thiếu Tướng Dương Văn Đức, Đại Úy Chi Khu rút giây lưng ra trói tay ông lại và dẫn đi ở sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu. Thật là “bức tranh vân cẩu vẽ người lao đao”. Sau đó, ông Thơ được phóng thích và xin từ chức cùng với toàn thể nội các của ông.
Ngày 17-2-1964, Sĩ quan Báo Chí Bộ Quốc Phòng chính thức tiết lộ: “Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung – Sỹ quan tổng quát và tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh bị bắt giữ hồi đêm 30-1 và giam tại Lữ Đoàn Nhảy Dù trại Hoàng Hoa Thám – ông Nhung tự vận bằng giây giầy” Ông Nhung chết năm 39 tuổi. Ông được vinh thăng Thiếu tá sau ngày đảo chánh 1-11-1963 và cho đến nay vẫn được coi là “tác giả” bắn vào đầu và đâm vào lưng anh em Tổng Thống Diệm. Theo tài liệu đặc biệt của báo Dân Ý, từ số 140 ngày 1-10-1970 đến số 160 thì Thiếu Tá Nhung vốn là người ngang ngạnh hung dữ. Dân vùng Phú Hưng Chánh Hưng mệnh danh ông Nhung là “cọp đen”. Ông Nhung vốn là sĩ quan thân tín của Tướng Dương Văn Minh và rất được Tướng Minh yêu thương (Thiếu Tá Nhung có máu nghệ sĩ, hay đánh lộn và say mê tuồng cải lương cùng “món” lục huyền cầm và sáu câu vọng cổ). Theo tài liệu đã dẫn thì Thiếu Tá Nhung bị đá bể lá lách sau khi ông đã khai hết tất cả những bí mật trong vụ thanh toán anh em Tổng Thống Diệm. Lời khai của ông được thâu băng và trao cho Tướng Khánh.
Kể từ biến cố 1-11-1963 cho đến khi thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa ngày 1-11-1967, trong vòng 4 năm, Miền Nam đã trải qua 4 chính phủ: Chính phủ Nguyễn Khánh (quân nhân), Chính Phủ Trần Văn Hương (độc lập), chính phủ Phan Huy Quát (Đại Việt), chính phủ Nguyễn Cao Kỳ (quân nhân).
Ngày 2-1-1969, hàng ngàn người đến viếng mộ phần của anh em Tổng Thống Diệm tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đến đây thắp hương trên mộ phần Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngày 2-1-1970 nghĩa là 7 năm sau, theo lời tường thuật của các báo Độc Lập, Chính Luận, Tia Sáng, Đuốc Nhà Nam và hầu hết các báo Saigon (ra ngày 3) thì: “Lần đầu tiên sau 7 năm bài ca Suy Tôn Ngô Tổng Thống đã trỗi lên trong buổi hành lễ tại nhà thờ chánh Hố Nai chiều 1-1″ với trên 5000 người tham dự. Tại Saigon, 9 giờ sáng ngày 2-2, một buổi lễ cầu hồn trọng thể đã được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường do Đức Tổng Giám Mục Saigon chủ lễ với sự tham dự của nhiều Nghị Sĩ Dân Biểu và đặc biệt gồm có sự hiện diện của DS Ngô Khắc Tỉnh, đương kim Tổng Trưởng Thông Tin cùng trên 5000 giáo dân. Sau đó, trên 5000 người đã hàng ngũ chỉnh tề trên xe lam 3 bánh, hay xe hơi, xe đạp đi bộ đã kéo nhau đến Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi để dự lễ làm phép cho anh em Tổng Thống Diệm. Ngay từ sáng sớm, các vỉa hè trước nghĩa trang trở thành chợ hoa.
Chiều ngày 2, một buổi lễ cầu siêu cũng đã được tổ chức tại chùa Phổ Quang trong nghĩa trang Bắc Việt nơi có mộ phần ông Ngô Đình Cẩn (một phần mộ duy nhất có cây thánh giá biểu tượng cho một tín đồ Thiên Chúa Giáo an nghỉ nơi đây). Dịp này, ảnh của ba anh em Tổng Thống Diệm đã được đặt trên bàn vong với hương khói nghi ngút cùng với âm thanh trầm buồn của những hồi chuông, tiếng mõ của lời tụng niệm.
Tối ngày 31-10-1970, Tướng Trần Văn Đôn mở cuộc tiếp tân tại tư thất để tưởng nhớ ngày cách mạng 1-11-1963. Cũng trên nhật báo Công Luận số đặc biệt cách mạng (số ngày 1-11-1970) cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn linh hồn của biến cố 63 đã lên tiếng qua bài “Những cơ hội đã mất”.
“Ngày 1-11-1963: Một cuộc đảo chánh đã thành công, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Khí thế Cách Mạng dâng lên thành một cao trào. Người người mong muốn một cuộc cách mạng thực sự sẽ đem lại một trật tự xã hội mới trong một nền dân chủ chân chính.
– Ngày 1-11-1963 vì thế được gọi là ngày cách mạng mở đầu cho một vận hội mới của dân tộc. Những người của ngày 1-11-1963 đã thành công trong đảo chính, nhưng đã thất bại trong việc cầm quyền. Bị đặt trước những nhiệm vụ mới và lớn lao, lại không có kinh nghiệm cầm quyền, họ bị tình thế xô đẩy và tràn ngập trong các vấn đề phải giải quyết”.
“Ngày 1-11-1963 rút lại chỉ còn là một ngày đảo chính mở ra một giai đoạn lịch sử đầy hỗn loạn với bao nhiêu là bấp bênh: hết chỉnh lý lại đến đảo chánh, quyền hành chuyển từ tay nọ qua tay kia và xã hội càng ngày càng thiếu ổn định.
Trong khi đó thì Cộng Sản không ngừng phát triển chiến tranh…”
Trên nhật báo Hòa Bình, mục “VINH NHỤC ngày 1-11-1963″ (số ra ngày 7-12-1970) cựu Thiếu Tướng Lâm Văn Phát cũng đã bày tỏ cảm nghĩ của ông như sau:
“Vì nền Đệ Nhất Cộng Hòa lâm thế kẹt, nên cần một biến cố để mở lối thoát. Vì thế nên tôi mới tham dự biến cố 1-11 vào phút chót, cuộc đảo chánh đã thành công, nhưng việc giết Tổng Thống Diệm làm tôi thất vọng trước tiên.
Sau biến cố, đáng lẽ các tướng lãnh đạo nên trao quyền cho dân sự, thì lại vẫn cầm quyền và vì không quen nên thế cách mạng lúc đầu sôi sục trong lòng dân chúng đã xẹp dần. Chẳng những không có kế hoạch trao quyền lại cho dân sự, các Tướng còn định nắm thêm quyền bằng cách định để Tướng Lê Văn Kim làm Thủ Tướng vì thế tôi tham gia cuộc chỉnh lý 31-1-1964. Nhưng rồi Nguyễn Khánh lại quá nhiều tham vọng nên làm hỏng việc, khiến cho đất nước bị xáo trộn liên tiếp. Đó là về chính trị.
Còn về quân sự, thất bại lớn lao nhất là việc “Mỹ hóa chiến tranh”.
Cố Tổng Thống Diệm đã cưỡng lại sự can thiệp của người Mỹ. Cho đến khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ, người Mỹ đã ồ ạt can thiệp vào Việt Nam, khiến chủ quyền Việt Nam bị xâm phạm. Nếu người Mỹ can thiệp vào Việt Nam, mà sự can thiệp đó đem lại một tình trạng ổn định, thì còn đỡ. Đằng này, Mỹ đã can thiệp, đã “Mỹ hóa chiến tranh” Việt Nam, và công cuộc Mỹ hóa đưa đền thất bại hoàn toàn, thất bại cho Mỹ và Việt Nam phải chịu hậu quả của sự thất bại đó “.
Sau buổi giỗ trọng thể anh em Tổng Thống Diệm lần thứ 7, đã có nguồn dư luận cho rằng đang có phong trào vận động tích cực để phục hồi chế độ Ngô Đình Diệm và phục hồi danh dự cho anh em Tổng Thống Diệm.
Theo chúng tôi, dư luận đã có một sự nhầm lẫn to tát hoặc tầm nhìn phiến diện hoặc vì mâu thuẫn giữa các tập thể có liên quan đến biến cố 63 hoặc vì tị hiềm thù nghịch phe đảng. Vì giản dị, không một ai, một phe nhóm nào có thể làm được công việc ấy (dù muốn làm). Bởi cái danh dự của một vị Tổng Thống như ông Ngô Đình Diệm thì tự cuộc đời ông mới có đủ thành tố để quan định rõ rệt và chỉ lịch sử mới đủ thẩm quyền phê phán và nói lên cái danh dự ấy. Cái danh dự của Tổng Thống Diệm đã có thì không thể mất và đã gắn liền với lịch sử thì không có chuyện phục hồi. Lịch sử chỉ nói lên sự thật chứ lịch sử không bao giờ làm chuyện phục hồi cho một nhân vật này hay một nhân vật kia. Còn vấn đề phục hồi tái lập chế độ Ngô Đình Diệm ở vào không gian và thời gian 1970 và trong thực tại miền Nam như hiện nay thì đó chỉ là chuyện giả tưởng trên mây. Pháp quốc luôn luôn tự hào với chế độ quân chủ sáng chói của Hoàng Đế Nã Phá Luân nhưng không phải vì thế, vì ca ngợi những hào quang sáng chói của thời Nã Phá Luân mà có thể nói người Pháp sống dưới chế độ Đệ Ngũ Cộng Hòa – Thời đại của Tổng Thống Pompidou lại đang mưu định phục hồi để tái lập chế độ Nã Phá Luân. Cũng như vậy, vào năm 1970 và mãi mãi sau này. Dân Tộc Việt Nam đều một lòng tự hào ca ngợi thời đại huy hoàng, thịnh trị dưới thời Vua Lê Thánh Tôn nhưng không phải vì tự hào và ca ngợi như vậy mà nhất đán nói rằng, sự ca ngợi và tự hào kia là cố ý phục hồi để tái lập chế độ quân chủ sáng chói của Vua Lê Thánh Tôn giữa không gian và thời gian 1970 này.
Viết về biến cố 1963, một biến cố quan trọng của lịch sử cận đại kéo dài từ tháng 5 đến ngày 1-11-1963 cùng với cái chết bi thảm của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm- chúng tôi – Tác giả thiên bút ký này – chỉ đơn giản ước mong có một điều là đi tìm sự thực của lịch sử cùng với những người đã sống trong biến cố lịch sử ấy và còn sống trong dòng lịch sử này để cùng nhau ghi lại đôi điều trông thấy tai nghe mắt đọc cùng với đôi điều nhận định ước mong sao có thể giúp cho các sử gia sau này dễ dàng soi sáng qua từng sự kiện lịch sử với biến cố của lịch sử và chứng nhân của nó để từ đây lịch sử làm công việc của lịch sử.
Người Việt Nam phần nhiều không có thói quen viết hồi ký. Vì lý do này hay lý do khác, những chứng nhân quan trọng của biến cố lịch sử thường im lặng mỗi khi biến cố qua đi cũng chỉ vì quan niệm “quá giả vãng nhi bất thuyết” (chuyện đã qua rồi, không nói nữa). Những chứng nhân lịch sử ấy, theo thời gian lãng quên chuyện cũ rồi một khi qua đời thì chuyện xưa cũng chôn vùi dưới lòng đất. Đây là sự thiệt thòi rất lớn cho các Sử Gia sau này muốn truy tầm và nghiên cứu nguyên nhân của mỗi sự kiện cùng biến cố lịch sử theo trình tự diễn tiến của nó trong tương quan bối cảnh, nhân vật, thời thế, thực tại chủ quan và khách quan. Riêng chúng tôi (Cao Thế Dung) vì có quen biết nhiều với các nhân vật thuộc chế độ Ngô Đình Diệm cũng như hai tập thể Phật Giáo và Công Giáo – Sự quen biết chỉ có tính cách bằng hữu, tín nhiệm nhau, tri kỷ cùng nhau qua những sinh hoạt bình thường trong một vũ trụ tình cảm vượt hẳn ra ngoài mọi khuôn khổ sinh hoạt quốc gia cũng như tôn giáo, chủ nghĩa và đảng phái. Cũng vì vậy mà một vài người bạn của chúng tôi đang là Giáo Sư Sử học tại các trường Đại Học Saigon, Đà Lạt, Huế có ý thúc đẩy chúng tôi đi tìm các chứng nhân lịch sử trong 9 năm của chế độ Ngô Đình Diệm nhất là biến cố 63 để ghi lại những điều mà các chứng nhân ấy đã đóng vai chủ động, hoặc trung gian hoặc nghe thấy, trông thấy. Và chúng tôi đã làm công việc đó cùng với Lương Khải Minh – Một người mà thân thế đã gần như gắn liền với chế độ Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm, và thường được coi là một thành phần hiểu biết nhiều về những chuyện “bên trong” của chế độ ấy. Lương Khải Minh vì tình thân hữu cũng như sự tín nhiệm và tôn trọng lẫn nhau đã cung cấp cho chúng tôi (Vị Hoàng Cao Thế Dung) những tài liệu sống và căn bản đồng thời đưa dẫn chúng tôi đến các con đường tìm tài liệu cũng như nhân chứng liên quan đến biến cố để hoàn thành tập bút ký này. Trước sau, Lương Khải Minh không đưa ra một phê phán nhận định nào về các nhân vật của biến cố. Phần này ông dành riêng cho chúng tôi để ngòi bút được tự do với trách nhiệm và vai trò của nó.
Vẫn biết rằng, viết về biến cố 1963 giữa một tình thế cực kỳ phân hóa của một thời đại hoài nghi và đầy ngộ nhận như hiện nay sẽ không sao tránh khỏi những sự hiểu lầm từ phía này hay phía kia. Tuy nhiên, với một niềm tin còn lại nơi chính mình, chúng tôi tự không cho phép chính mình được do dự hoặc hoài nghi về một điều nào khác hơn là cố gắng tìm hiểu sự thực và viết lên sự thực.
Saigon, Mùa Đông 1970
LƯƠNG KHẢI MINH và
VỊ HOÀNG CAO THẾ DUNG
No comments:
Post a Comment